II. KIẾN NGHỊ VỚI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ HIỆP HỘI
1. Đối với các cơ quan nhà nước
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cần ưu tiên đầu tư đúng mức cho giống cà phê trong chương trình quốc gia . có kế hoạch cụ thể về việc tuyển chọn , khảo sát thí nghiệm và chuyển giao rộng rãi những giống cà phê có chất lượng tốt, có năng suất cao và phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng cho người trồng cà phê để từng bước cải tạo vườn cây đồng thời hướng dẫn những hộ đơn vị trồng cà phê thực hiện nghiêm túc chất lượng cây trồng, các quy trình kỹ thuật canh tác, nhất là nguồn nước cho vườn cây.
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với các địa phương khảo sát quy hoạch quy mô, công nghệ chế biến cho phù hợp với từng vùng từng đơn vị sản xuất cà phê. Nên đầu tư công nghệ chế biến ướt với hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng cà phê nhân. Đồng thời cũng phải xây dựng một số nhà máy lớn ở một số vùng trọng điểm để đảm bảo chế biến cà phê kịp thời và đạt chất lượng cao khi vào chính vụ thu hoạch.
Song song với các vấn đề trên, vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm phải được thực hiện nghiêm túc. Các bộ, ngành, đơn vị chức năng cần xây dựng lại tiêu chuẩn chất lượng cho phù hợp với tiều chuân của thế giới , trước mắt là đưa bộ tiêu chuẩn 4193:2005 vào thực hiện.
Việc hình thành một thị trường giao dịch chuyên về cà phê (sở giao dịch hàng hóa) ở Việt Nam là cần thiết để giúp các doanh nghiệp trong nước làm quen với việc mua bán trên thị trường này. Đồng thời trong tương lai sở giao dịch cà phê của Việt Nam cũng sẽ phải nối mạng với sở giao dịch cà phê của các nước để cung cấp những thông tin, đặc biệt là thông tin về giá cả hàng hóa cho các doanh nghiệp và cả các nhà sản xuất trong nước.
Việc thành lập một sở giao dịch hàng hóa ở Việt Nam mà đầu tiên là về sản phẩm cà phê là cần thiết để bước đầu tạo cơ sở vật chất cần thiết cho các thương nhân làm quen với cách thức mua bán hàng hóa mới trong nền kinh tế thị trường.
Theo thông lệ quốc tế, hàng hóa giao dịch tại sở giao dịch hàng hóa phải đảm bảo 2 điều kiện: tiêu chuẩn hóa về chất lượng và độ lớn giá trị được giao dịch. Vì vậy với sự thành lập của sở giao dịch cà phê hai yếu tố này sẽ được cải thiện đặc biệt là vấn đề chất lượng đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
Việt Nam đã có một số những tiền đề vật chất và pháp lý Luật Thương mại đã cho phép mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, bao gồm hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn nhưng nhìn chung, sàn giao dịch nông sản giao sau còn thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện và thiếu cả sự quan tâm đúng mức của các địa phương, bộ, ngành. Do vậy để khai thác có hiệu quả sàn giao dịch cà phê trước mắt và các loại nông sản khác trong tương lai, Nhà nước cần sớm hòan thiện chính sách quản ly đối với họat động này. Bên cạnh những quy định khung của Luật Thương mại, Chính phủ cần sớm soạn thảo và ban hành các quy định cụ thể liên quan đến điều kiện thành lập và quy chế hoạt động của sở giao dịch hàng hóa; quy chế cụ thể cho hoạt động của người môi giới tại sở giao dịch hàng hóa, quy phạm hóa các tiêu chuẩn của hàng hóa và việc quản lý chất lượng của hàng hóa lưu thông trên thị trường này. Ngoài ra để sở giao dịch hàng hóa hoạt động tốt, cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ các nhà môi giới cũng như các nhân viên giao dịch ở sở giao dịch hàng hóa để những người này có thể hỗ trợ người mua, người bán trong điều kiện sở giao dịch hàng hóa mới được hình thành và đa số những người tham gia mua và bán trên thị trường đặc thù này còn chưa thực sự am hiểu về nó.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cà phê tiếp cận sàn giao dịch, như mở những lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về thị trường, hỗ trợ cho vay vốn để nộp tiền ký quĩ; tạo điều kiện cho họ sử dụng sàn giao dịch cà phê như một công cụ bảo hiểm giá, phòng ngừa rủi ro khi giá có biến động.
Đối với ngành cà phê Việt Nam:
- Ngành cà phê VN cần có chiến lược hành động chung để giải quyết một loạt những điểm yếu đang tồn tại. Đó là quan tâm nâng cao chất lượng cà phê và đầu tư vào khu vực sản xuất, chế biến cà phê giá trị gia tăng như việc sáng tạo ra các loại cà phê hỗn hợp với cà phê arabica, có giá thành hạ và theo yêu cầu của khách hàng. Nếu chỉ sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm thô, không có nhiều giá trị gia tăng thì sẽ không có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. - Tiến tới nhà nước nên có chương trình hỗ trợ để thành lập một quỹ dự trữ cà phê. Nhìn từ Brazil, một trong những nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới
nhưng hằng năm họ đều có kế hoạch mua cà phê dự trữ để bán ra khi giá cao thì việc có một quỹ dự trữ cà phê đối với VN lúc này là rất cần thiết.
Một giải pháp quan trọng khác để thúc đẩy phát triển ngành, nâng cao chất lượng của sản phẩm cà phê xuất khẩu là đổi mới tổ chức sản xuất trồng cà phê thành lập các hợp tác xã kiểu mới hoàn toàn tự nguyện. Chỉ có đổi mới tổ chức sản xuất, người dân mới có điều kiện tiếp thu đồng đều kỹ thuật mới, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, làm ra sản phẩm có chất lượng cao.
Lâu nay, chúng ta từng nghe nhiều về các thương hiệu cà phê nổi tiếng như Vinacafé, Cà phê Trung Nguyên,… Nhiều người cho rằng với những thương hiệu này thì người nước ngoài sẽ biết nhiều về cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, lượng cà phê đã qua chế biến chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Trong thời gian qua, sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu của mình ra trường quốc tế là rất đáng khích lệ. Nhưng chỉ làm ở cấp độ các doanh nghiệp như lâu nay khó mà quảng bá được sản phẩm cà phê nổi tiếng của Việt Nam ra thế giới. Vì vậy, để quảng bá cho sản phẩm cà phê Việt Nam thì bên cạnh việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tích cực quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm cà phê của mình; Nhà nước cũng cần phải có một chiến lược mang tầm quốc gia để xây dựng một thương hiệu cũng mang tầm cỡ quốc gia là "Cà phê Việt Nam".
Ngoài ra, bên cạnh mục tiêu hướng vào xuất khẩu cũng cần chú trọng hơn nữa đến thị trường trong nước vì nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Việt sẽ tăng lên mạnh mẽ cùng với sự phát triển về kinh tế. Nhiều kết quả điều tra cho rằng, tiêu thụ cà phê nội địa của VN chỉ khoảng 10% sản lượng, trong khi bình quân các nước thành viên ICO lại đạt đến 25,16%. Mỗi năm bình quân một người VN uống 0,5 kg cà phê, trong khi người Bắc Âu là 10 kg, người Tây Âu 5-6 kg.