GIẢI PHÁP MỞ RỘNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DNV&N TẠI CHI NHÁNH HÀ THÀNH TRONG THỜI GIAN TỚ
3.3.3. Kiến nghị với các DNV&N.
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khiến cơn khát vốn của các DNV&N càng trở nên cháy bỏng. Chỉ có vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm mới cho phép DNV&N chiếm lĩnh được thị trường nội địa và tiếp cận được thị trường rộng lớn của các nước trong khu vực và trên thế giới. Để làm được điều đó, thì chính bản thân các DNV&N hơn ai hết phải là người chủ động hoàn thiện mình, chủ động tìm kiếm những nguồn lực cho quá trình sản xuất kinh doanh, để phát triển tạo bước tiến vững chắc cho tương lai hội nhập. Trong đó, tăng cường tiếp cận với các nguồn vốn TDNH đang là một yêu cầu, đòi hỏi bắt buộc của chính bản thân các DNV&N.
Trước hết, các DNV&N cần phải xây dựng cho mình chiến lược kinh doanh trong từng thời kỳ, từ đó điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và phương thức kinh doanh nhằm nâng cao khả năng thích ứng với thị trường. DN phải chủ động trong việc xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực vốn, công nghệ và con người , đặc biệt chú trọng đến phương án lựa chọn công nghệ đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại, tự động hóa nhằm tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh với chất lượng cao. Các DNV&N cần phải mở rộng hoạt động nghiên cứu thị trường và Marketing để bắt kịp nhu cầu thị trường và thỏa mãn những nhu cầu đó một cách tốt nhất, để nắm bắt kịp thời và không bỏ qua những cơ hội kinh doanh quý giá.
Thứ hai, các DNV&N phải tạo dựng được uy tín và niềm tin cho các NH trong quan hệ tín dụng thông qua việc sử dụng vốn đúng mục đích, chủ
động tìm mọi biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao năng lực quản trị và điều hành DN, tích cực đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện đúng và minh bạch các chế độ tài chính kế toán, hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật quy định. Các DN cần nâng cao năng lực quản trị DN của đội ngũ quản lý bằng cách thuê những nhân lực giỏi, tận dụng các hình thức tư vấn thay vì quản lý theo kiểu gia đình.
Thứ ba, các DNV&N phải chủ động tiếp cận và tìm hiểu các sản phẩm, dịch vụ của các NH, đồng thời tận dụng cơ hội, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Sở, ban ngành của thành phố. Các DN phải chủ động và tăng cường củng cố những mối quan hệ với các tổ chức, hiệp hội như Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam, để có thể nâng cao khả năng vay vốn tín chấp NH thông qua sự bảo lãnh của các tổ chức, cơ quan này.
Thứ tư, các DNV&N cần chủ động nâng cao quy mô vốn tự có để đáp ứng được các yêu cầu về vốn chủ sở hữu, tài sản bảo đảm khi đến vay vốn tại NH thông qua việc đẩy mạnh cổ phần hóa, kêu gọi sự góp vốn của các nhà đầu tư, niêm yết trên thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu, trái phiếu…
Thứ năm, các DNV&N cần đẩy mạnh xây dựng những chiến lược liên kết, hợp tác. Các DN không phải vì cạnh tranh mà từ bỏ sự hợp tác. Trái lại, để hạn chế những mặt tiêu cực trong cơ chế cạnh tranh, các DNV&N lại càng cần phải tăng cường hợp sức với nhau để cùng bảo vệ, hỗ trợ cho nhau trước những đối thủ cạnh tranh thực sự lớn mạnh từ bên ngoài.
Và cuối cùng, đó là các DNV&N nên đề cao hơn nữa văn hóa trong kinh doanh xây dựng truyền thống và uy tín, hình ảnh riêng có của DN. DN phải tôn trọng chữ tín trong mọi mối quan hệ, và phải đặt điều đó thành tiêu chí hành động hàng đầu của mình. Muốn vậy, DN phải luôn xây dựng nền nếp quản lý kinh doanh minh bạch, trung thực, đạo dức kinh doanh phải
được tiếp nối và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành truyền thống gắn liền với thương hiệu DN.
Như vậy, để nâng cao khả năng mở rộng hoạt động tín dụng cho các DNV&N của Chi nhánh Hà Thành thì sự nỗ lực của một phía là hoàn toàn chưa đủ. Đó phải là sự tổng hòa, phối hợp của tất cả các bên: Chi nhánh Hà Thành, các DNV&N và đặc biệt quan trọng là sự điều hành cấp vĩ mô của các cơ quan Nhà nước. Có như vậy mới tạo nên sức mạnh to lớn, đồng bộ để đưa mục tiêu chung là các bên cùng phát triển, cùng tăng trưởng lớn mạnh.