Chủ trương khuyến khích các DNNVV phát triển là đúng đắn và hợp lý nhưng Nhà nước phải thi hành nó một cách hiệu quả thì mới tạo ra bước nhảy vọt. Hiện tại, các DNNVV phát triển tràn lan, số lượng đăng ký thành lập nhiều nhưng đi vào hoạt động thực tế thì không nhiều. Mà sự giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng đôi khi quá tải nên không thể kiểm soát được hết hoạt động của tất cả các DNNVV. Điều này tạo ra khe hở cho các DNNVV làm ăn phi pháp, lừa đảo chiếm dụng vốn của ngân hàng.
Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách trong hoạt động tín dụng ngân hàng cũng như hoạt động của DNNVV thiếu sự đồng bộ và hướng dẫn cụ thể chi tiết. Đối với DNNVV mới chỉ có Nghị định 90/2001/ NĐ-CP về khuyến khích hỗ trợ phát triển DNNVV và chỉ thị 40/2005/ CT- TTg về công tác trợ giúp phát triển DNNVV mà chưa có những hướng dẫn,
biện pháp cụ thể áp dụng cho từng loại hình DNNVV. Về phía ngân hàng, mặc dù có nhiều quy định nới lỏng một số điều kiện trong quá trình cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng cấp tín dụng. Tuy nhiên vẫn có sự thiếu nhất quán với các văn bản pháp luật khác của các bộ ngành khác gây khó khăn cho ngân hàng.
Sự triển khai chậm trễ Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là một trong những nguyên nhân hạn chế nguồn vốn tài trợ cho DNNVV. Tuy Nhà nước đã có quyết định thành lập Quỹ từ năm 2001 và sửa đổi, bổ sung vào năm 2004 nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động, thực hiện đúng chức năng của mình.