Là một trong những Ngân hàng thương mại cổ phần lớn và phát triển hàng đầu của Việt Nam nhưng trong lĩnh vực phát hành và thanh toán thẻ, Techcombank lại là một trong những ngân hàng đi sau. Số lượng ATM, số lượng thẻ, doanh số từ hoạt động kinh doanh thẻ của Techcombank còn cách một khoảng khá xa so với các ngân hàng như VCB, ICB, ACB hay BIDV.
Những hạn chế trong việc phát triển sản phẩm dịch vụ:
Việc phát triển sản phẩm dịch vụ thẻ còn gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng vẫn hoạt động tương đối đơn lẻ trong việc phát hành thanh toán thẻ.
Các sản phẩm dịch vụ thẻ vẫn còn tương đối nghèo nàn, ngân hàng vẫn phải tập trung chủ yếu vào việc cạnh tranh trên lĩnh vực phát hành thẻ ATM, mà chưa tập trung vào phát triển hoạt động thanh toán thẻ.
Trên thị trường hiện có nhiều loại thẻ khác nhau được thực hiện theo các tiêu chuẩn kỹ thuật nói riêng nên khó kết nối mạng với nhau. Việc kết nối đôi khi còn có một số khó khăn do vướng phải những vấn đề về mặt kỹ thuật và quy chế.
Việc phát triển thêm các sản phẩm thẻ mới gặp khó khăn do thực trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ngân hàng.
Ngoài ra, những trục trặc kỹ thuật của máy dập thẻ, việc in sao kê hay đường truyền kỹ thuật đã gây ra sự chậm trễ trong việc phát hành và thanh toán thẻ, làm khách hàng chưa thật hài lòng với chất lượng phục vụ của dịch vụ thẻ.
Những hạn chế, tồn tại trong hoạt động kinh doanh thẻ do: cạnh tranh trên thị trường & yếu kém trong việc thực hiện chiến lược Marketing:
Do thói quen ưa thích sử dụng tiền mặt trong thanh toán, giao dịch của người dân vẫn còn phổ biến nên việc cung cấp các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và dịch vụ thẻ ngân hàng nói riêng vẫn còn gặp trở ngại về mặt tâm lý khách hàng.
Do cạnh trạnh trên thị trường thẻ Việt Nam hiện giờ vẫn thường thiên về giá và phí, vì thế những ngân hàng mới gia nhập thị trường, gia nhập thị trường sau như Techcombank thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Nhiều ngân hàng áp dụng cơ chế miễn phí, thậm chí tặng thêm tiền khi phát hành thẻ như EAB, đã gây ra khó khăn cho các ngân hàng khác trong đó có Techcombank. Đồng thời việc cạnh tranh chủ yếu bằng giá, phí – các công cụ cạnh tranh rất “thô sơ” – còn gây ra khó khăn cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích của thẻ ngân hàng của tất cả các ngân hàng.
Cạnh tranh về giá trong hoạt động thanh toán thẻ bằng cách hạ tỷ lệ chiết khấu thanh toán qua POS của một số ngân hàng làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh thẻ chung. Điều đó khiến cho doanh thu của các ngân hàng từ hoạt động kinh doanh thẻ giảm xuống.
Do gia nhập thị trường muộn, nên các sản phẩm thẻ của Techcombank gặp khó khăn với các loại thẻ đã có: danh tiếng, chỗ đứng trên thị trường của VCB, ACB… Điều này gây ra khó khăn rất lớn cho việc kinh doanh thẻ của Techcombank.
Những hạn chế trong hoạt động phòng chống rủi ro:
Techcombank chưa có trung tâm thông tin phòng chống rủi ro chung của toàn hệ thống, do vậy hoạt động kinh doanh thẻ của Techcombank có thể gặp một số rủi ro do thiếu sự phối hợp cảnh báo rủi ro.
Do thẻ còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, vì thế khách hàng chưa tập được cho mình thói quen sử dụng thẻ. Vì thế vẫn còn tình trạng: lộ số PIN, cho mượn thẻ, mượn PIN… ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống rủi ro của ngân hàng.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, là sự phát triển của bọn tội phạm công nghệ cao. Những tên tội phạm có thừa trình độ nhưng lại thiếu lương tâm này cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho việc bảo mật các giao dịch điện tử. Tội phạm công nghệ cao là một mối nguy hiểm rất lớn đối với hoạt động kinh doanh thẻ.
Do thiếu thông tin chính xác, hiểu biết cặn kẽ, nên một số phương tiện thông tin đại chúng khi đưa tin đã không hiểu được đúng bản chất các rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ, từ đó gây ra hiểu lầm cho khách hàng, làm ảnh hưởng đến hoạt động phát hành thẻ của các ngân hàng nói chung và Techcombank nói riêng.
Như vậy, Techcombank đang phải đối mặt với những khó khăn và tồn tại không nhỏ trong hoạt động kinh doanh thẻ của mình, đòi hỏi Techcombank phải có những giải pháp để sớm khắc phục những hạn chế trên, để hoạt động kinh doanh thẻ của mình có thể phát triển hơn nữa, nâng cao sức cạnh tranh của thẻ do ngân hàng mình phát hành trên thị trường thẻ nội địa và có thể vươn ra thị trường thẻ quốc tế trong tương lai.
CHƯƠNG III
GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THẺ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN KỸ
THƯƠNG VIỆT NAM -TECHCOMBANK
3.1. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THẺ NGÂN HÀNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN KỸ THƯƠNG VIỆT NAM
Nền kinh tế Việt Nam đang nhanh chóng hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt với tốc độ hội nhập của hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam vào cộng đồng tài chính ngân hàng quốc tế, khiến các tổ chức tài chính tín dụng tại Việt Nam có thêm nhiều cơ hội ,cũng như phải đối mặt với những thách thức đang chờ đón. Techcombank cũng không nằm ngoài xu thế phát triển mới này.
3.1.1 Tiềm năng và thách thức của Techcombank trong thị trường thẻ cạnh tranh của Việt Nam:
a. Tiềm năng của Techcombank trong thị trường thẻ cạnh tranh:
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển so với các nước trong khu vực cũng như các nước khác trên thế giới. Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển với tăng trưởng GDP đang ở mức cao – trên dưới 8%/năm. Việt Nam lại không ngừng có những bước tiến mới trong quan hệ hợp tác phát triển kinh tế với thế giới như kí kết các hiệp định thương mại song phương, tham gia vào các tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế. Nước ta đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, mức sống của người dân đang được nâng cao. Tại các đô thị lớn, do thu nhập cao, mức sống được ccải thiện, cộng với sự phát triện mạnh mẽ của công nghệ thông tin, tâm lý tiêu dùng của nhân dân đặc biệt là giới trẻ đã thay đổi nhanh chóng. Tâm lý tiêu dùng khi còn trẻ và tích luỹ lúc về già đang dần thay thế cho tâm lý tích luỹ khi còn trẻ về già tiêu dùng. Số người tiêu dùng trẻ thích mua sắm tại các siêu thị và trung tâm thương mại - những địa chỉ mua sắm cao cấp ngày càng tăng. Đây chính là đối tượng tiềm năng sử dụng thẻ Ngân hàng mà Techcombank nhằm tới trong tương lai.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một quốc gia đang có ngành dịch vụ du lịch phát triển mạnh. Hàng năm lượt khác du lịch đến Việt Nam gần 3 triệu lượt người và
không ngừng tăng cao. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho Techcombak phát triển mảng thanh toán thẻ quốc tế.
Là một quốc gia đang phát triển nên hạ tầng cơ sở công nghệ của Việt Nam cũng đang dần được cải thiện đáng kể. Khoa học kỹ thuật đang được áp dụng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và lĩnh vực ngân hàng tài chính hiện là một trong những lĩnh vực mà được áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất. Khoa học kỹ thuật hiện đại đang được áp dụng rộng rãi, nhất là trong hoạt động thanh toán. Đây cũng chính là một thuận lợi lớn cho ngành công nghiệp thẻ phát triển.
Hơn nữa, sau một thời gian để các ngân hàng tự do phát hành các loại thẻ và cạnh tranh với nhau, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có sự quản lý chặt chẽ hơn. Điều này hứa hẹn sẽ tạo sân chơi bình đẳng hơn trên thị trường thẻ. Do vậy, Techcombank cũng như các ngân hàng bạn vẫn còn nhiều cơ hội phía trước, chỉ cần biết tận dụng hiệu quả những gì mình đang có và biết tiếp cận, khai thác tiềm năng một cách tốt nhất thì chắc chắn sẽ thành công.
b. Thách thức đối với Techcombank trong thị trường thẻ cạnh tranh
Nhìn chung bên cạnh những thuận lợi mà Techcombank có được thì ngoài những khó khăn như hệ thống văn bản pháp lý chưa hoàn thiện, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến hay trình độ quản lý của cán bộ công nhân viên còn bất cập thì Techcombank còn gặp phải những thách thức:
Thứ nhất: Chi phí đầu tư cho hệ thống thanh toán thẻ tương dối lớn trong khi nguồn lực tài chính của ngân hàng chưa đủ mạnh, chỉ có thể trang trải đầu tư từng phần chưa hoàn hảo và chưa đồng bộ.
Thứ hai: Tỉ giá ngoại tệ, giá vàng ngày càng leo thang đã ảnh hưởng mạnh đến khả năng thu hút lượng tiền gửi trong dân. Người dân có tâm lý thích tích trữ đôla và vàng hơn thay cho việc đem tiền gửi ở ngân hàng. Trong khi đó thì các tiện ích của dịch vụ ngân hàng chưa cao nên càng khiến cho Techcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung gặp khó khăn trong việc huy động vốn.
Thứ ba: Cạnh tranh trên thị trường dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam hiện tại đã rất khốc liệt với sự xuất hiện của rất nhiều ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới, sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO, Việt Nam sẽ phải tiến hành mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng thì sẽ có
thêm nhiều ngân hàng nữa gia nhập vào thị trường dịch vụ ngân hàng, chắc chắn cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn nữa.
Cùng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường dịch vụ ngân hàng nói chung thì thị trường kinh doanh thẻ nói riêng cũng được báo trước là sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Đây là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi Techcombank phải có chiến lược phát triển riêng, không ngừng nâng cao chất lượng và đảm bảo khả năng cạnh tranh.
Trước những thách thức trên, Techcombank cần phải nỗ lực hết mình để biến thách thức thành cơ hội, đẩy mạnh hoạt động thẻ hơn nữa để ngày một nâng cao vị trí của mình trên thị trường thẻ.