- Tình hình nhân sự ở các chi nhánh còn thiểu và còn yếu: đặc biệt là lực lượng cán bộ chuyên sâu cần đào tạo như cán bộ tín dụng, cán bộ TTXNK, cán bộ kế toán, v.v. Cán bộ trẻ thì thiếu kinh nghiệm xử lý nghiệp vụ, trong khi cán bộ lớn tuổi thì lại không có trình độ ngoại ngữ, ngại tiếp xúc cái mới. Bên cạnh đó, cán bộ tại nhiều chi nhánh phải kiêm nhiệm nhiều chức năng nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không toàn tâm, toàn ý vào một công việc chuyên sâu.
- Công tác tiếp thị chưa hiệu quả: Việc duy trì khách hàng cũ, khai thác khách hàng của các chi nhánh của VietinBank tiến hành chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức, chưa tính đến bản chất vấn đề dẫn đến việc chi cho khách hàng vẫn lớn nhưng tính hiệu quả không cao.
- Quy định của Vietinbank là quá chặt chẽ, đôi khi khiến chi nhánh khó khăn trong việc phục vụ khách hàng. Ví dụ: Chi nhánh Hải Dương có phản hồi với điều kiện chiết khấu theo QT 22.03 về chiết khẩu chứng từ xuất khẩu dẫn đến hiện tại chi nhánh này không có một khách hàng nào sử dụng nghiệp vụ chiết khấu mặc dù có họ nhu cầu chiết khấu. Một ví dụ khác minh chứng cho điều này là, theo phản hồi của chi nhánh Ngũ Hành Sơn, trước đây Công ty Sông Thu là khách hàng truyển thống, có uy tín của chi nhánh, là một doanh nghiệp hoạt động công ích trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Trước tháng 04/2008 tất cả các hoạt động như tín dụng, bảo lãnh, mở L/C, thanh toán đều tập trung tại chi nhánh nhưng theo tinh thần công văn số 1812/CV-NHCT5, chi nhánh chỉ được phép cấp tín dụng đối với các phương án mục tiêu kinh tế, không được cấp tín dụng đối với sản phẩm quốc phòng. Chính vì vậy, mà trong năm 2009, khách hàng này đã tập trung hoạt động sang tại Ngân hàng Cổ phần Quân đội do chính sách của ngân hàng này ưu tiên cấp tín dụng cho mục tiêu quốc phòng vì có nguồn vốn hoàn trả từ ngân sách chắc chắn.
- Khó khăn trong nguồn ngoại tệ phục vụ khách hàng: Nhiều chi nhánh gặp khó khăn trong việc mua ngoại tệ từ VietinBank nên không đáp ứng được yêu cầu mua ngoại tệ của khách hàng, dẫn đến khách hàng không mở L/C nhập khẩu tại chi nhánh mà chuyển sang ngân hàng khách có chính sách cung cấp ngoại tệ thoáng hơn. Hiện tại phòng Kinh doanh ngoại tệ thực hiện bán ngoại tệ cho các chi nhánh theo hạn mức điều hòa tính theo tháng, không tích lũy. Dẫn đến nhiều khi có khách hàng nhưng không phục vụ được do không có ngoại tệ, hoặc nguồn ngoại tệ có kỳ hạn không phù hợp với chu kỳ kinh doanh của khách hàng. Một khi khách hàng không được phục vụ một
lần thì lần sau họ cũng sẽ không quay lại với ngân hàng nữa mà chuyển hẳn sang giao dịch với tổ chức tín dụng khác.
2.2.3.2 Từ phía khách hàng
Khách hàng tham gia hoạt động TTQT tại VietinBank trình độ hiểu biết về TTQT còn hạn chế. Trong quá trình lập chứng từ còn nhiều sai sót, và khách hàng chủ yếu sử dụng các phương thức thanh toán truyền thống, ít khi yêu cầu các phương thức thanh toán mới, uy tín của khách hàng còn chưa cao nên chủ yếu khi thanh toán hàng nhập đối nước nước ngoài thường xuyên yêu cầu thanh toán bằng L/C để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại quốc tế càng phát triển thì các vụ gian lận, lừa đảo, tranh chấp càng xảy ra thường xuyên hơn.
Những năm qua, VietinBank chưa hề bị thiệt hại về vật chất nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh trong tài trợ thương mại, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến thanh toán thư tín dụng như: Người bán nước ngoài xuất trình bộ chứng từ L/C đòi tiền VietinBank nhưng thực tế không hề giao hàng, xuất trình bộ chứng từ giả mạo đến ngân hàng thương lượng hoặc cùng một bộ chứng từ xuất trình tại 5 ngân hàng thương lượng để yêu cầu gửi chứng từ đến VietinBank đòi thanh toán; hoặc doanh nghiệp Việt Nam là khách hàng của VietinBank đã nhận được giấy báo hàng đến từ đại lý giao nhận hàng tại Việt Nam nhưng khi mang chứng từ xuống cảng nhận hàng mới biết là hàng chưa về đến cảng do tàu đã bị thuỷ thủ đoàn đưa đi mất tích hoặc tàu bị giữ tại cảng nước ngoài vì tranh chấp giữa chủ tàu với các bên liên quan….
Một nguyên nhân khác xuất phát từ phía khách hàng là khi khách hàng thấy có bất lợi do hàng hóa xuống giá làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, họ lại nhờ ngân hàng tìm kiếm sai sót để bắt lỗi nhằm từ chối thanh toán, thậm chí cả trong trường hợp sai sót không đáng kể, việc từ chối là trái với thông lệ quốc tế làm ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng hoặc đẩy ngân hàng vào tình trạng khó khăn khi phải thực hiện cam kết với ngân hàng nước ngoài.
2.2.3.3 Từ phía nhà nước
Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã được Nhà nước chủ trương mở rộng và phát triển, hiện nay các hoạt động liên quan đến thanh toán quốc tế đều được áp dụng theo UCP 600. Mặc dù đây là một văn bản được sử dụng rộng rãi, được xây dựng trên thông lệ quốc tế nhưng không mang tính bắt buộc. Hiện nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam tham gia hoạt động TTQT đều thừa nhận và tuân theo các quy chuẩn này nhưng vẫn chưa có sự thống nhất, thiếu sự đồng bộ trong hoạt động TTQT của ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực thương mại còn nhiều bất cập. Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan thường xuyên có những thay đổi về danh mục các mặt hàng được phép xuất nhập khẩu, biểu thuế áp dụng đối với từng mặt hàng, thời gian kể từ khi ra quyết định đến khi quyết định có hiệu lực thi hành thường là ngắn, không đủ để các doanh nghiệp dự tính sắp xếp kế hoạch cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động TTQT của ngân hàng. Bên cạnh đó, Chính phủ chưa có chiến lược, giải pháp tổng thể để hỗ trợ kịp thời đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trong hoạt động xuất nhập khẩu các thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa có sự liên kết phối hợp giữa các ban ngành, các quy định còn chồng chéo gây phiền toái cho khách hàng, tốn kém thời gian và chi phí. Chưa xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các ngân hàng khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.