3. Một số kiến nghị với nhà nước
3.1. Hoàn thiện hệ thống chính sách
3.1.1. Chính sách thương mại
Trên cơ sở những mặt còn hạn chế trong chính sách thương mại, căn cứ vào phương hướng phát triển ngoại thương của nước ta đến năm 2010 - 2020 cùng với xu hướng phát triển của thế giới, chính sách thương mại của Việt Nam cần sửa đổi nhiều hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước và nhanh chóng đưa nền kinh tế nước ta hoà nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Việc cải cách chính sách thương mại phải tuân theo các nguyên tắc sau: + Cải cách chính sách thương mại phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, nghĩa là phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, phục
vụ cho quá trình phát triển kinh tế và không gây lên những bất ổn, biến động mạnh, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
+ Tuân thủ các hiệp định, các thoả thuận quốc tế hiện có:
Trước hết những biện pháp nào không cần thiết ta có thể loại bỏ và làm cho các biện pháp còn lại thực hiện đơn giản nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu. Việt Nam cần chú trọng xây dựng các biện pháp phi thuế quan tinh vi hơn như các biện pháp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh, về nhãn hiệu hàng hoá, về chất lượng sản phẩm và có định hướng theo chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Tiến trình loại bỏ các rào cản phi quan thuế được tiến hành kết hợp chặt chẽ với quá trình cắt giảm thuế quan.
Bước 1: Bắt đầu bằng việc giảm các biện pháp hành chính
Bước 2: Giảm các biện pháp phi thuế quan phổ thông: giấy phép, hạn
ngạch...
Bước 3: Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật và các hình thức bảo hộ
gián tiếp vô hình khác (cơ chế tỷ giá hối đoái, lãi suất, tín dụng ngân hàng...). Việt Nam cần tự do hoá hoàn toàn quyền kinh doanh xuất nhập khẩu để tất cả các sản phẩm không phải chịu hạn chế định lượng (trừ các mặt hàng vì các lý do sức khỏe, an toàn, môi trường) và được nhập khẩu tự do với việc trả thuế thích hợp. Đối với một số mặt hàng như xăng đầu, phân bón, những hạn chế nhập khẩu cần xoá bỏ tức thì và được thay thế bằng thuế quan. Đối với sắt thép xi măng, những mặt hàng Việt Nam chưa sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và có mức giá cao gần gấp đôi giá nhập khẩu, thuế suất tạm thời chỉ nên được áp dụng trong một thời gian ngắn, sau đó phải loại bỏ để các ngành vươn lên theo kịp các ngành tương ứng của các nước khác. Cần giảm nhanh chóng số các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành của các Bộ và chỉ áp dụng đối với các mặt hàng có liên quan đến sức khoẻ, an toàn và môi trường. Đối với nhóm hàng hoá cần dược bảo hộ mạnh để duy trì sự tồn tại và phát triển như: dệt, da, may mặc, hoá chất... Việt Nam có thể áp dụng biện pháp chuyển hạn ngạch thành thuế quan, trước mắt có thể đánh thuế quan cao để bảo hộ nhưng mức thuế đất cũng sẽ được giảm dần.
Như vậy, cần phân loại hàng hoá thành nhiều nhóm theo yêu cầu của bảo hộ và tình hình sản xuất, phát triển của từng ngành.
Đơn giản hoá thủ tục xuất nhập khẩu. Việt Nam cần cố gắng đơn giản hoá và điều hoà thủ tục nhằm thông quan sản phẩm của ASEAN nhanh chóng và hiệu quả, triển khai hệ thống luồng xanh hải quan để nhanh chóng hoàn thành các thủ tục hải quan cho các sản phẩm của CEPT, giảm thiểu mọi rắc rối về vấn đề thủ tục trong quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước. Để thực hiện được điều này đòi hỏi Việt Nam phải có một sự đổi mới toàn diện, đặc biệt về cơ chế quản lý và bộ máy làm việc còn quan liêu, qua nhiều cửa.
3.1.2. Chính sách thuế
Ngày nay, thuế không còn là một vấn đề chỉ mang tính quốc gia nữa mà đã mang tính quốc tế. Một trong những tiêu chuẩn gia nhập các khối kinh tế trên thế giơí là phải cải cách hệ thống chính sách thuế phù hợp các chuẩn mực của khu vực và thế giới. Hệ thống thuế của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc cải cách hệ thống thuế, mà quan trọng nhất đối với quá trình hội nhập là thuế xuất khẩu, nhập khẩu là một ất yếu. Việc cải cách đó phải đáp ứng được một số nguyên tắc:
+ Thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải là công cụ điều tiết xuất nhập khẩu để tiến tới bỏ hạn chế xuất nhập khẩu theo hạn ngạch và định hướng.
+ Hệ thống cơ cấu thuế suất, định giá và tính thuế phải đảm bảo các nguyên tắc chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thông lệ quốc tế và chính sách kinh tế - tài chính của nước ta.
Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế xã hội và tham gia hiệu quả vào AFTA, trong tương lai, Việt Nam cần có một chính sách thuế năng động và hợp lý, thực sự là đòn bẩy kinh tế, phát huy các tác dụng trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập vào khu vực và thế giới. Những định hướng về chính sách thuế trong điều kiện Việt Nam hội nhập được xác định theo hai mục tiêu chính: cố gắng hạn chế phần giảm thu của ngân sách khi thực hiện cam kết và giảm thuế nhập khẩu, đồng thời sử dụng hệ thống thuế như một công cụ kinh tế vĩ mô để khuyến khích sản xuất và xuất khẩu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Hai mục tiêu này cần được thực hiện thông qua toàn bộ hệ thống thuế.
Cần cải cách thuế theo hướng giảm dựa vào thuế sản xuất và tăng tỷ lệ thu từ thuế tiêu dùng và thuế thu nhập nhằm khuyến khích sản xuất và đầu tư. Đây cũng là xu thế chung của các nước tiên tiến trên thế giới. Đối với nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ được giảm đến mức thấp nhất.
Các mức thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng nhập khẩu không phải chịu cam kết giảm thuế sẽ được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được yêu cầu bảo hộ gián tiếp và đảm bảo cho nguồn thu ngân sách. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt mới chỉ áp dụng với các mặt hàng: thuốc lá, rượu, bia, ô tô nhập khẩu, xăng. Tuy nhiên những mặt hàng này không thuộc danh mục các mặt hàng đưa vào thực hiện CEPT. Vì vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt cần mở rộng diện đánh thuế đối với một số mặt hàng tiêu dùng cao cấp như tủ lạnh, điều hoà nhiệt độ... Cùng một mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì dù có sản xuất trong nước hay nhập khẩu thì đều phải chịu thuế như nhau. Việc hoàn thiện hai sắc thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần làm giảm nhẹ phần giảm thu của ngân sách từ việc giảm thuế nhập khẩu.
Trên cơ sở sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt thu cả vào hàng nhập khẩu như trên sẽ có điều kiện sử đổi thuế nhập khẩu theo hướng giảm bớt số mức thuế suất và hạ thấp thuế tối đa để tiến tới tương đồng với các nước khu vực và thế giới. Các mức thuế suất thuế nhập khẩu một mặt được giảm xuống đối với một số mặt hàng nhất định, mặt khác một số mặt hàng có thể được nâng thuế suất lên. Đặc biệt là những mặt hàng hiện đang có thuế suất nhỏ hơn 5% (hoặc bằng 0%). Những thuế suất này cần được xem xét cụ thể căn cứ theo kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như tình hình sản xuất để nâng lên tới mức 3 - 5%. Như vậy sẽ bù đắp được những thiếu hụt cho ngân sách khi thực hiện cắt giảm thuế nói chung mà vẫn đảm bảo thực hiện các quy định của CEPT.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực thi các chính sách thuế cần phải đơn giản hoá các mức thuế trong biểu thuế xuất nhập khẩu tức là giảm dần số lượng các mức thuế khác nhau. Việc này sẽ tạo điều kiện quản lý tốt hơn, tránh thất thu thuế.
Xuất phát từ tính bất ổn định, hay thay đổi của biểu thuế mà trong thời gian tới các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng và khoa học hơn trước khi đưa ra một mức thuế. Khi điều chỉnh một mức thuế nào đó phải xem xét một cách toàn diện kim ngạch nhập khẩu, khả năng sản xuất mặt
hàng đó trong nước hiện tại, tương lai và ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Như vậy sẽ tránh được tình trạng quá nhiều thay đổi trong chính sách, làm cho các doanh nghiệp và cán bộ tính thuế dễ theo dõi và tránh nhầm lẫn.
Đồng thời, cần có một chính sách miễn giảm thuế hợp lý. Hiện nay có một số mặt hàng được xét miễn giảm thuế theo mục đích sử dụng và những mục tiêu cần ưu tiên hỗ trợ. Hơn nữa, quy định về miễn giảm thuế quá phức tạp. Điều này dễ gây ra tình trạng gian lận, khai sai mục đích sử dụng để được hưởng ưu đãi, gây thất thu cho ngân sách. Vì vậy, cần quy định các trường hợp miễn giảm một cách rõ ràng và khoa học hơn. Nên chăng, với những mục tiêu cần ưu tiên, hỗ trợ, Nhà nước nên trợ cấp qua ngân sách, không nên sử dụng công cụ thuế để trợ giá?
Một vấn đề quan trọng nữa trong tiến trình hội nhập của Việt Nam là phải có chiến lược cắt giảm thuế quan hợp lý. Chiến lược cắt giảm thuế quan này là một cơ chế để Việt Nam thực hiện CEPT, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập các tổ chức thương mại khác hay ký kết các hiệp định song phương.
Một là, cần có kế hoạch và lịch trình cắt giảm thuế cụ thể từng mặt hàng, tạo sự chủ động của các xí nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam cần đặt mục tiêu thực hiện kế hoạch giảm thuế trước năm 2003 đối với những ngành có lợi thế so sánh trước mắt và trước năm 2006 đối với những ngành có lợi thế so sánh tiềm năng.
Hai là, giữ nguyên mức thuế nhập khẩu đối với các nước ngoài ASEAN tạo ra sự chênh lệch giữa các nước ASEAN và các nước ngoài ASEAN, kích thích nước ngoài đầu tư vào ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Thuế quan là một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Việt Nam đã là thành viên của ASEAN, hệ thống thuế của Việt Nam cần phải từng bước cải cách sao cho phù hợp với những quy định của tổ chức này.
Việc hoàn thiện các chính sách cho quá trình hội nhập của Việt Nam yêu cầu cần đặt ra ở đây là cần được xây dựng một cách hoàn chỉnh, đồng bộ và có cơ sở khoa học, được tổ chức thực hiện có kết quả, làm cho việc thực hiện chính sách đổi mới hoạt động ngoại thương được dễ dàng hơn.