Bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay

Một phần của tài liệu Pháp luật về đảm bảo tiền vay bằng tài sản và thực tiễn áp dụng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Trang 25 - 27)

1. Quy định chung về biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản

1.2.4.Bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay

Đây là biện pháp bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai. Theo Nghị định 163 không quy định riêng về biện pháp bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay mà coi đây như một trường hợp bảo đảm dùng tài sản là tài sản hình thành trong tương lai, có thể áp dụng các hình thức bảo đảm như thế chấp,

bảo lãnh, cầm cố. Như vậy Nghị định 163 đã mở rộng về các loại hình tài sản hình thành trong tương lai có thể dùng làm tài sản bảo đảm tiền vay chứ không chỉ giới hạn là tài sản hình thành từ vốn vay.

Trước đây, Nghị định 178 sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 85 tổ chức tín dụng chỉ được xem xét, quyết định việc bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay, nếu khách hàng vay và tài sản hình thành từ vốn vay đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điều 15 Nghị định 178/1999/NĐ – CP đã được sửa đổi bổ sung bởi nghị định 85/2002/NĐ – CP.

Để có thể bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay khách hàng vay phải có đủ các điều kiện: + Có khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ trả nợ;

+ Có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi phù hợp với quy định của pháp luật;

+ Có mức vốn tự có tham gia vào dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống và giá trị tài sản bảo đảm tiền vay bằng các biện pháp cầm cố, thế chấp tối thiểu bằng 15% vốn đầu tư của dự án hoặc phương án đó.

Phải có các điều kiện đối với khách hàng vay vì tài sản dùng để bảo đảm trong trường hợp này chưa có thực ở thời điểm các bên ký hợp đồng. Đối với tài sản dùng để bảo đảm tiền vay trong trường hợp này cũng cần thỏa mãn những điều kiện nhất định:

+ Tài sản hình thành từ vốn vay dùng làm bảo đảm tiền vay phải xác định được quyền sở hữu hoặc quyền quản lý, sử dụng; xác định được giá trị, số lượng và được phép giao dịch. Đối với tài sản hình thành từ vốn vay là vật tư hàng hoá, thì ngoài việc có đủ các điều kiện này, tổ chức tín dụng phải có khả năng quản lý, giám sát tài sản bảo đảm.

+ Đối với tài sản mà pháp luật có quy định phải mua bảo hiểm, thì khách hàng vay phải cam kết mua bảo hiểm trong suốt thời hạn vay vốn khi tài sản đã được hình thành đưa vào sử dụng.

Một phần của tài liệu Pháp luật về đảm bảo tiền vay bằng tài sản và thực tiễn áp dụng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Trang 25 - 27)