Đặc biệt lưu ý đến điều khoản về việc giải quyết tranh chấp

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay - thực trạng và giải pháp (Trang 98 - 100)

II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ

a.Đặc biệt lưu ý đến điều khoản về việc giải quyết tranh chấp

Khi ký kết HĐKT không bên nào muốn tranh chấp phát sinh, do vậy điều khoản về giải quyết tranh chấp được coi là điều khoản dự phòng. Nếu hợp đồng được thực hiện một cách tốt đẹp nhất thì các bên dường như có thể bỏ qua điều khoản về giải quyết tranh chấp ghi trong hợp đồng, song khi tranh chấp phát sinh thì điều khoản về giải quyết tranh chấp lại đặc biệt có ý nghĩa và cần thiết. Trên thực tế, bên có quyền lợi bị vi phạm có quyền đòi lại quyền lợi đã bị vi phạm bằng cách thương lượng trực tiếp với bên vi phạm hoặc đi kiện ra toà án hoặc trọng tài.

Do tranh chấp là vấn đề liên quan đến quyền lợi nên không phải lúc nào các bên cũng có thể dễ dàng thoả mãn khi giải quyết tranh chấp bằng cách thương lượng trực tiếp, mặc dù phương pháp thương lượng trực tiếp thông thường là các giải pháp đầu tiên được đề cập đến để giải quyết tranh chấp, khi không thể giải quyết được bằng con đường thương lượng trực tiếp thì các bên phải nhờ đến toà án hoặc trọng tài và giải quyết tranh chấp là một yêu cầu thực tế. Vấn đề đặt ra là: có

phải hễ có tranh chấp xảy ra mà không giải quyết được bằng thương lượng thì đương nhiên được đưa ra toà án hoặc trọng tài không? Hoàn toàn không phải như vậy, toà án và các trung tâm trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng, nhưng thẩm quyền đó không phải là đương nhiên. Nghĩa là, toà án hoặc các trung tâm trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng khi giữa hai bên trong hợp đồng có thoả thuận giao tranh chấp đó cho toà án hoặc trọng tài. Thoả thuận này có thể được làm thành văn bản riêng hoặc nêu thành một điều khoản trong hợp đồng.

Điều khoản về việc giải quyết tranh chấp phát sinh có thể được nêu ra trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh, song cách tốt nhất mà các bên cần áp dụng là đưa điều khoản về việc giải quyết tranh chấp thành một điều khoản của hợp đồng ngay từ khi ký kết hợp đồng. Sở dĩ như vậy, là do sau khi tranh chấp phát sinh các bên thường ít đủ bình tĩnh để suy xét và lựa chọn cơ quan nào sẽ giải quyết tranh chấp sự bất đồng về quyền lợi sau khi tranh chấp xảy ra sẽ khiến cho các bên khó có thiện chí thoả thuận lựa chọn một cơ quan giải quyết tranh chấp phù hợp. Vì vậy, các bên nên lựa chọn và quy định cơ quan giải quyết tranh chấp ngay khi ký kết hợp đồng, khi mà tranh chấp chưa phát sinh.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam các tranh chấp về hợp đồng có thể được Toà án, các Trung tâm trọng tài giải quyết, khi chọn một trong ba cơ quan giải quyết tranh chấp trên, các bên phải ghi rõ tên của cơ quan đó cùng với Quy tắc tố tụng của nó (trừ toà án). Điều này rất quan trọng vì nếu không ghi rõ như vậy tranh chấp sẽ không được giải quyết. Ví dụ: Khi ký kết hợp đồng công ty A và công ty B đã thoả thuận trong điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng như sau: “Tất cả các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tranh chấp này sẽ được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài kinh tế Hà nội theo quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam”. Khi có tranh chấp xảy ra, nếu hai bên đưa tranh chấp ra Trung tâm trọng tài kinh tế Hà nội thì sẽ bị từ chối vì Trung tâm trọng tài kinh tế Hà Nội không áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Cuối cùng, do thoả thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp trái pháp luật mà tranh chấp không được giải quyết.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay - thực trạng và giải pháp (Trang 98 - 100)