V. Đánh giá chung
1. Những mặt tích cực
Tổng công ty đã tạo được mối liên kết chặt chẽ với các đơn vị thành viên, mở rộng ra cả các vùng chè dân. Tuy có số lượng đơn vị khá lớn, ở nhiều vùng khác nhau, nhưng Tổng công ty đã thống nhất được sự quản lý từ trên xuống dưới thể hiện ở chỗ: các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch và nhiệm vụ được giao; khi có khó khăn về nguồn hàng Tổng công ty vẫn có thể đảm bảo được hàng xuất khẩu bằng cách yêu cầu các đơn vị dừng việc bán hàng ra ngoài
để tập trung toàn bộ lượng hàng giao cho Tổng công ty. ở đây không xảy ra tình
trạng "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" như vẫn thường thấy ở một số Tổng công ty Việt Nam hiện nay. Sở dĩ tạo ra được mối liên hệ này là nhờ Tổng công ty đã gắn được lợi ích của mình với lợi ích của các thành viên. Và thực tế đã chứng minh không có mối quan hệ kinh tế nào bền chặt bằng mối quan hệ kinh tế hai bên cùng có lợi. Như trên đã phân tích, tổng công ty mua hàng cho các đơn vị thành viên cả khi có khó khăn trong việc tìm đầu ra. Hơn nữa, khi làm ăn có lãi, Tổng công ty không giữ để xây nhà tầng cho cơ quan, mua ô tô cho lãnh đạo, mà đem lãi đó đầu tư, thưởng hay trợ giá bán cho các cơ sở. Đến lượt các đơn vị thành viên cũng áp dụng nguyên tắc gắn bó lợi ích này trong quan hệ với nguồn nguyên liệu: điều kiện mua bán thuận lợi, không ép cấp, ép giá, duy trì giá mua ở mức cao nhất có thể. Nhờ vậy, người trồng chè yên tâm gắn bó với vườn chè, không xảy ra hiện tượng chặt cây chè để trồng cây khác như để xảy ra đối với cà phê và một số cây công nghiệp khác.
* Tổng công ty đã thực hiện tốt chức năng đầu mối XNK của mình, mở ra các thị trường mới không chỉ cho các đơn vị thành viên của mình mà cho các các doanh nghiệp sản xuất chè Việt Nam khác. Từ khi thành lập đến nay, chưa năm nào Tổng công ty kinh doanh bị thua lỗ. Nhiều đơn vị thành viên trong mấy năm gần đây cũng đã thoát khỏi tình trạng không thu đủ bù chi và hoạt động ngày càng có lãi. Có thể thấy đây thực sự là một sự cố gắng lớn của các nhà lãnh đạo nếu đem so sánh kết quả này với thực tế của các DNNN hiện nay: Theo kết quả do Tổng cục quản lý vốn và tài sản nhà nước tại DNNN ghi nhận sau khi khảo
sát các báo cáo tài chính năm 1997, tại 3.646 DNNN ở 39 tỉnh, thành phố, có 43,6% số DNNN làm ăn có hiệu quả và vẫn còn 13% kém hiệu quả, thua lỗ liên tục từ năm 1995 đến nay. Tổng công ty hoạt động tốt đã giúp cho đời sống của cán bộ công nhân viên cũng như của người trồng chè không ngừng được cải thiện và đóng góp cho ngân sách Nhà nước ngày càng tăng.
* Tổng công ty là đơn vị thực hiện cổ phần hoá sớm nhất. Khi nhà nước có quyết định cổ phần hoá một số đơn vị quốc doanh vào những năm 1997, 1998 thì tại Tổng công ty chè, CPH trong nông nghiệp đã được tiến hành từ 10 năm trước đây. Đó chính là việc giao vườn chè cho người công nhân trong thời gian dài (25 - 30 năm) bắt đầu được thực hiện từ năm 1986 trên cơ sở vận dụng nghị quyết 10/BTC và nghị định 169/HĐBT. Hình thức khoán đã thực sự tạo ra động lực mới cho sự phát triển ở khu vực sản xuất nguyên liệu, người lao động thực sự làm chủ vườn chè, làm chủ sản xuất kinh doanh, làm chủ thành quả lao động của mình, nên họ đã phấn khởi chăm lo sản xuất và có trách nhiệm hơn với công việc. Nhờ có năng suất bình quân và sản lượng của m ột số đơn vị đã có những thay đổi theo hướng tích cực.
* Tổng công ty là đơn vị đầu tiên đưa ra hình thức hội đồng bí thư để phối hợp hoạt động giữa Đảng bộ Tổng công ty với Đảng bộ địa phương. Vì Tổng công ty bao gồm nhiều thành viên ở các địa phương khác nhau. Bí thư Đảng uỷ Tổng công ty phụ trách đảng viên ở Tổng công ty, trong khi đảng viên ở cơ sở lại thuộc phạm vi phụ trách của đảng bộ địa phương. Vì vậy, hội đồng bí thư ra đời đã tạo điều kiện cho các bí thư gặp gỡ trao đổi, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở Tổng công ty.
* Năm 1988, Hiệp hội chè Việt Nam được thành lập với Tổng công ty (lúc đó còn là Liên hiệp các xí nghiệp công nông nghiệp chè Việt Nam) làm nòng cốt. Hiệp hội có nhiệm vụ "liên kết rộng rãi các thành phần kinh tế tham gia sản xuất - chế biến - xuất nhập khẩu và dịch vụ chè từ Trung ương đến địa phương, kinh tế trong và ngoài quốc doanh để thực hiện mục tiêu đổi mới mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành chè, trọng tâm là tăng cường XK, góp phần xây dựng trung du và miền núi ngày càng vững mạnh" (Báo cáo hoạt động 10 năm của Hiệp hội chè Việt Nam). Đến nay, Hiệp hội đã có nhiều hoạt động đóng góp cho ngành chè và trở thành người đại diện cho lợi ích người trồng chè trong cả nước.