Một số lưu ý khi thực hiện đánh giá ngoài trường tiểu học

Một phần của tài liệu Chuyên đề 8 (Trang 34 - 39)

3. Kiểm định chất lượng giáo dục trường tiểu học

3.4. Một số lưu ý khi thực hiện đánh giá ngoài trường tiểu học

35

Đánh giá ngoài là hoạt động quan trọng trong kiểm định chất lượng giáo dục. Nó quyết định hiệu quả, ý nghĩa và tác dụng của kiểm định chất lượng giáo dục. Đánh giá ngoài là một công việc tương đối khó, đòi hỏi những người thực hiện phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về trình độ, năng lực, phẩm chất và nghiệp vụ. Để có thể thực hiện nhiệm vụ này một cách tốt nhất, khi thực hiện đánh giá ngoài, cần chú ý những vấn đề sau:

3.4.1. Chú trọng việc phân tích tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục

Phân tích tiêu chí là xác định đúng yêu cầu (nội hàm) của mỗi chỉ số để từ đó xem xét việc thu thập minh chứng và viết báo cáo tự đánh giá của nhà trường để từ đó đưa ra quyết định đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu của từng tiêu chí. Khi phân tích tiêu chí cần chú ý một số vấn đề sau:

i) Mỗi chỉ số thường có một số yêu cầu. Đó là các nội dung cụ thể được nêu trong chỉ số, phù hợp với yêu cầu của tiêu chí.

ii) Phải xác định đầy đủ yêu cầu của các chỉ số.

iii) Không mở rộng thêm các vấn đề khác ngoài yêu cầu mà chỉ số đã nêu. iv)Trong mỗi chỉ số thường có những từ, cụm từ quan trọng có ý nghĩa như là “từ khóa”. Vì vậy cần phân tích kỹ những từ này để xác định chính xác yêu cầu.

Để giúp các trường tiểu học xác định các yêu cầu trong mỗi chỉ số của các tiêu chí thuộc tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn xác định yêu cầu, gợi ý tìm minh chứng. Tuy nhiên, văn bản này chỉ giúp xác định những yêu cầu mà các chỉ số đã nêu chứ chưa phân tích các yêu cầu đó. Vì vậy, cần phân tích cụ thể hơn các yêu cầu trong mỗi chỉ số.

Để phân tích các yêu cầu trong chỉ số, có thể tự đặt ra và trả lời những câu hỏi sau:

i) Nhà trường đã có (đã thực hiện, đã hoàn thành, đã đạt được, vv…) những yêu cầu của chỉ số chưa?

ii) Mức độ nhà trường đã có (đã thực hiện, đã hoàn thành, đã đạt được, vv…) những yêu cầu đó như thế nào?

iii) Có bằng chứng (minh chứng) để khẳng định nhà trường đã có (đã thực hiện, đã hoàn thành, đã đạt được, vv…) những yêu cầu đó không?

iv) Nhà trường cần mô tả và đánh giá những yêu cầu đó như thế nào trong báo cáo tự đánh giá?

Ví dụ: Phân tích tiêu chí 7 của Tiêu chuẩn 1: Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho học sinh và cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; phòng chống bạo lực

36

học đường, phòng chống dịch bệnh, phòng tránh các hiểm họa thiên tai, các tệ nạn xã hội trong trường.

a) Có phương án bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tai nạn thương tích, cháy nổ, phòng tránh các hiểm họa thiên tai, phòng chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, phòng tránh các tệ nạn xã hội của nhà trường;

b) Bảo đảm an toàn cho học sinh và cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường;

c) Không có hiện tượng kỳ thị, vi phạm về giới, bạo lực trong nhà trường.

Các câu hỏi dành cho tiêu chí này:

- Tại thời điểm đánh giá, nhà trường có phương án bảo đảm an ninh trật tự trong nhà trường hay không?

- Tại thời điểm đánh giá, nhà trường có phương án phòng chống tai nạn thương tích; phòng chống cháy nổ, các hiểm họa thiên tai; phòng chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm trong nhà trường hay không?

- Tại thời điểm đánh giá, nhà trường có phương án phòng tránh các tệ nạn xã hội trong nhà trường hay không?

- Các phương án đó cụ thể như thế nào?

- Các phương án đó có hợp lý, hiệu quả không? (Đánh giá khái quát, tránh mở rộng nội dung này).

- Trong 5 năm gần đây, có xảy ra vụ việc gì làm mất an toàn cho học sinh và cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong phạm vi nhà trường hay không?

- Trong 5 năm gần đây, có xảy ra hiện tượng kỳ thị, vi phạm về giới, bạo lực trong nhà trường hay không?

- Các minh chứng cần thu thập là những gì và ở đâu? ………..

Trả lời những câu hỏi trên, tức là chúng ta đã phân tích được tiêu chí, định hướng và chuẩn bị cho các bước tiếp theo của việc đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cảu tiêu chí đó.

3.4.2. Tư vấn cho nhà trường xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng

Để thực hiện cải tiến chất lượng liên tục, nhà trường cần phải xây dựng được kế hoạch cải tiến chất lượng của mình. Trong thực tế, nhiều trường không xây dựng được kế hoạch cải tiến chất lượng. Vì vậy, rất cần có sự tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ của đoàn đánh giá ngoài. Tư vấn cho nhà trường xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng là nhiệm vụ cơ bản của thành viên đoàn đánh giá ngoài. Khi tư vấn cho nhà trường cần lưu ý một số vấn đề sau:

37

i) Kế hoạch cải tiến chất lượng là các giải pháp, biện pháp (công việc) mà nhà trường cần thực hiện để đổi mới từng bước và toàn diện từng lĩnh vực, từng khâu và từng hoạt động giáo dục. Kế hoạch cải tiến chất lượng có thể là những việc làm được ngay trong một khoảng thời gian ngắn, không cần đòi hỏi nhiều nhân lực, vật lực, nhưng cũng có thể cần khoảng thời gian nhiều hơn (một năm, hai đến ba năm, thậm chí trong một chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục) và cần nhiều điều kiện để thực hiện. Tùy thuộc vào kết quả tự đánh giá và đánh giá ngoài mà nhà trường xác định việc nào cần làm ngay và có thể làm được ngay, việc nào cần có thời gian và bao nhiêu thời gian để có thể hoàn thành.

Xây dựng được kế hoạch cải tiến chất lượng chính xác, đúng đắn là yêu cầu quan trọng của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Nó đòi hỏi nhà trường, nhất là hiệu trưởng, phải đánh giá chính xác thực trạng của nhà trường, có tầm nhìn và phải có tư duy quản lý tốt.

ii) Kế hoạch cải tiến chất lượng cần phải đạt được những yêu cầu cơ bản là: Kế hoạch cải tiến chất lượng phải hướng tới việc phát huy được điểm mạnh và khắc phục được điểm yếu trong từng tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục.

Kế hoạch cải tiến chất lượng phải cụ thể, phù hợp với điều kiện của nhà trường (con người, tài chính, cơ sở vật chất,…); phù hợp với cơ chế, chính sách hiện hành và phải xác định rõ mốc thời gian thực hiện.

Kế hoạch cải tiến chất lượng phải bảo đảm tính tổng thể. Phải đặt các công việc cần cải tiến của mỗi tiêu chí trong mối quan hệ với tất cả các tiêu chí. Nguồn lực của nhà trường thì có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư các điều kiện để nâng cao chất lượng của từng tiêu chí, từng lĩnh vực thường rất lớn nhiều khi vượt quả khả năng và điều kiện của nhà trường. Do đó, khi tư vấn cho nhà trường cần phải cân nhắc, điều chỉnh, cân đối sao cho phù hợp với điều kiện thực tế mà vẫn đảm bảo được những việc cần ưu tiên để làm trước, những việc sẽ làm sau.

Trong nhiều trường hợp, có những việc tưởng như là khác nhau nhưng thực ra chúng rất gần với nhau và chỉ cần thực hiện một hoạt động là có thể giải quyết được nhiều nội dung, đáp ứng được nhiều tiêu chí. Trong trường hợp này, cần tư vấn cho nhà trường để tính toán, cân đối, điều chỉnh và phối hợp các công việc đó với nhau để cùng triển khai là đã đạt được yêu cầu.

iii) Để xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng, cần chú ý những điểm sau: Phải xác định chính xác điểm mạnh của nhà trường trong tiêu chí đó. Trong kiểm định chất lượng giáo dục, không nên hiểu khái niệm điểm mạnh chỉ là để nói về kết quả đạt được vượt lên trên mức trung bình mà nhiều khi nó chỉ là những việc đã làm được, những kết quả đã đạt được; những chỉ tiêu, mục tiêu đã hoàn thành…

Phải xác định chính xác điểm yếu của nhà trường trong tiêu chí đó. Trong kiểm định chất lượng giáo dục, không nên đồng nhất khái niệm điểm yếu với khuyết điểm. Điểm yếu chính là những việc chưa làm được, những mục tiêu chưa

38

đạt được, những yêu cầu và mục đích chưa hoàn thành… Để xác định chính xác điểm yếu, đơn giản nhất là thực hiện so sánh. Có thể tư vấn cho nhà trường thực hiện việc so sánh để xác định điểm yếu theo ba cách là:

- So sánh với yêu cầu chung: Hãy so sánh để xác định xem hoạt động, kết quả hoạt động, điều kiện hiện có của nhà trường,… đã đạt được như yêu cầu chung hay chưa, nếu chưa đạt được thì đó chính là điểm yếu.

- So sánh với các trường có cùng sứ mạng: Hãy so sánh hoạt động, kết quả hoạt động, điều kiện hiện có của trường mình trong các tiêu chí với những trường có cùng sứ mạng (cùng địa bàn, cùng điều kiện về kinh tế - xã hội, cũng mục tiêu,…). Nếu trường mình chưa làm được, chưa đạt được, chưa hoàn thành được như trường có cùng sứ mạng thì có nghĩa là trường mình vẫn còn điểm yếu.

- So với chính khả năng của trường mình: Hãy xem xét những hoạt động, kết quả hoạt động của nhà trường đối với từng tiêu chí trong mối quan hệ với chính điều kiện, khả năng của nhà trường của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Hãy tự đặt ra và trả lời câu hỏi: kết quả đạt được (dù có thể là đã khá tốt) đã thực sự tương xứng với điệu kiện và khả năng của nhà trường, của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. hay chưa? Nếu chưa tương xứng thì có nghĩa là vẫn còn điểm yếu. Trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục hiện hành, nhiều tiêu chí phải sử dụng cách này mới xác định được chính xác điểm yếu.

Cần lưu ý là không thể không có điểm yếu trong mỗi tiêu chí. Điểm yếu nhiều khi nằm ngay trong chính điểm mạnh, tiềm ẩn trong chính điểm mạnh. Vấn đề là nhà trường có mạnh dạn và có ý thức, có phương pháp đúng để tìm ra được điểm yếu của mình hay không. Trong hoạt động tự đánh giá, nhà trường càng chỉ ra được nhiều điểm yếu, nhất là những điểm yếu mang tính chủ quan thì càng tốt. Từ việc xác định chính xác điểm mạnh và điểm yếu, cần tư vấn, hướng dẫn nhà trường xem xét các điều kiện hiện có của mình (về cơ sở vật chất; về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; về tài chính,…) và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, từ đó đưa ra những biện pháp, giải pháp phù hợp để cải tiến chất lượng. Cần tránh định kiến là cứ phải có nhiều tiền, có nhiều người thì mới cải tiến được chất lượng. Trong thực tế, không phải việc gì cũng cần có tiền, cần có thêm người. Nhiều khi chỉ cần phát huy hết khả năng, điều kiện hiện có của nhà trường là đã có thể giải quyết được khá nhiều việc.

Khi tư vấn cho nhà trường xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng cần đặt những dự kiến, đề xuất của nhà trường trong mối quan hệ với cơ chế, chính sách hiện hành. Cơ chế, chính sách bao giờ cũng đi chậm hơn thực tiễn, bởi vì chính sách là từ thực tiễn mà ra. Vì vậy không phải việc gì chúng ta muốn, thậm chí là những vấn đề đang rất bất cập, đều có thể thay đổi được ngay. Trong kế hoạch cải tiến chất lượng cần hạn chế đến mức cao nhất việc nêu những kiến nghị, đề nghị với cấp trên, nhất là những vấn đề thuộc về cơ chế và chính sách. Nếu chỉ

39

dừng ở việc nêu kiến nghị và đề nghị thì kế hoạch cải tiến chất lượng sẽ khó có tính khả thi. Vấn đề mà nhà quản lý cần phải đối mặt là trong điều kiện như thế, trong cơ chế chính sách như thế, nhà trường và người quản lý cần làm gì, phải làm gì để khắc phục. Đó mới là điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Một trong những sai lầm thường gặp khi xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng là nhà trường chỉ chú ý đến việc đưa ra biện pháp, giải pháp để khắc phục điểm yếu. Yếu cái gì thì khắc phục cái đó, không thì thôi, hoặc chỉ nói chung chung. Thực ra kế hoạch cải tiến chất lượng không chỉ chú ý khắc phục điểm yếu mà còn phải chú ý đến những giải pháp, biện pháp để phát huy điểm mạnh. Cần lưu ý là những điểm mạnh hiện tại có thể sẽ trở thành điểm yếu trong thời gian rất gần, nếu như chúng ta không có biện pháp duy trì và phát huy nó.

Trong kế hoạch cải tiến chất lượng, có một số từ ngữ không nên dùng. Đó là những từ ngữ chung chung, hiểu thế nào cũng được; những từ ngữ hô hào khẩu hiệu đầy sáo rỗng như: “đẩy mạnh”, “tăng cường”, “tiếp tục phát huy”, “tuyên truyền”, “nâng cao nhận thức”,... Những từ ngữ đó không thể hiện được nội dung cần làm, cần giải quyết, cần xử lý. Nó không thể hiện được các giải pháp, biện pháp cụ thể và sẽ không thể thực hiện được.

Kiểm định chất lượng giáo dục đang là xu thế tất yếu của giáo dục trên thế giới. Ở Việt Nam, công tác này còn khá mới, việc triển khai đang ở giai đoạn ban đầu nên còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, bất cập. Tuy nhiên, từ nhận thức đúng đắn về kiểm định chất lượng trong giáo dục nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng, chúng ta sẽ từng bước hình thành được một nền “văn hóa chất lượng” trong các nhà trường. Đó là yếu tố quan trọng để đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Một phần của tài liệu Chuyên đề 8 (Trang 34 - 39)