3. Kiểm định chất lượng giáo dục trường tiểu học
3.2. Tự đánh giá của trường tiểu học
Tự đánh giá là khâu đầu tiên trong quy trình kiểm định chất lượng giáo dục trường tiểu học. Đây là quá trình nhà trường tự xem xét, kiểm tra, đánh giá trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo về tình trạng chất lượng, hiệu quả giáo dục, nhân lực, cơ sở vật chất cũng như các vấn đề liên quan khác, từ đó điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tự đánh giá thể hiện tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong toàn bộ hoạt động giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tự đánh giá là một quá trình liên tục được thực hiện theo kế hoạch, cần dành nhiều công sức, thời gian, có sự tham gia của các đơn vị và cá nhân trong nhà trường. Tự đánh giá đòi hỏi tính khách quan, trung thực và công khai. Các giải thích, nhận định, kết luận đưa ra phải dựa trên các thông tin, minh chứng cụ thể, rõ ràng, tin cậy. Báo cáo tự đánh giá phải bao quát đầy đủ nội dung các chỉ số của tiêu chí trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học.
Tự đánh giá là một khâu quan trọng trong kiểm định chất lượng giáo dục. Cần phân biệt rõ việc triển khai tự đánh giá với việc viết báo cáo tự đánh giá của nhà trường, nếu không sẽ dẫn đến những cách làm mang tính hình thức trong các nhà trường. Sự khác biệt đó là:
i) Tự đánh giá là hoạt động tự xem xét, tự kiểm tra, đánh giá của trường tiểu học căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào
26
tạo ban hành để chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu, xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng và các biện pháp thực hiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
ii) Báo cáo tự đánh giá là sự ghi lại kết quả của hoạt động tự đánh giá. Quy trình tự đánh giá trường tiểu học được thực hiện theo sáu bước như sau:
• Thành lập hội đồng tự đánh giá. • Xây dựng kế hoạch tự đánh giá.
• Thu thập, xử lý và phân tích các thông tin, minh chứng. • Đánh giá mức độ đạt được theo từng tiêu chí.
• Viết báo cáo tự đánh giá. • Công bố báo cáo tự đánh giá.
Để triển khai hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường tiểu học, vai trò của hiệu trưởng là rất quan trọng. Để làm tốt công tác này, hiệu trưởng nhà trường cần thực hiện những nhiệm vụ cơ bản sau:
i) Huy động các lực lượng trong và ngoài nhà trường tham gia hoạt động tự đánh giá
Cần quán triệt để nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương về vai trò quan trọng của kiểm định chất lượng giáo dục và mục đích của việc triển khai kiểm định chất lượng giáo dục. Chỉ khi nào, tất cả các lực lượng trong và ngoài nhà trường đều có nhận thức đúng, đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực thì kiểm định chất lượng giáo dục mới thu được hiệu quả thực sự. Vì vậy, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức; tập huấn để giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên nắm được các phương pháp, kỹ thuật triển khai tự đánh giá có ý nghĩa khá lớn
ii) Thành lập hội đồng tự đánh giá
Để triển khai hoạt động tự đánh giá, nhà trường cần thành lập hội đồng tự đánh giá. Hội đồng tự đánh giá đại diện cho trí tuệ, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường, quyết định quá trình và kết quả tự đánh giá của nhà trường. Vì thế hội đồng tự đánh giá cần có số lượng, cơ cấu hợp lý.
Hội đồng tự đánh giá của trường tiểu học do hiệu trưởng ra quyết định thành lập, có ít nhất 5 thành viên. Thành phần của hội đồng tự đánh giá gồm:
- Chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng nhà trường;
- Phó chủ tịch hội đồng là phó hiệu trưởng nhà trường;
- Thư ký hội đồng là thư ký hội đồng trường hoặc giáo viên có năng lực của nhà trường;
27
- Các thành viên khác gồm: đại diện hội đồng trường đối với trường công lập hoặc hội đồng quản trị đối với trường dân lập, tư thục; các tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ văn phòng; đại diện cấp ủy Đảng (nếu có) và các tổ chức đoàn thể.
Hội đồng tự đánh giá của trường tiểu học làm việc theo nguyên tắc thảo luận để đi đến thống nhất. Mọi quyết định chỉ có giá trị khi ít nhất 2/3 thành viên trong hội đồng nhất trí.
Hội đồng tự đánh giá có chức năng triển khai tự đánh giá và tư vấn cho hiệu trưởng biện pháp nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường. Hội đồng tự đánh giá có nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch tự đánh giá; thu thập thông tin, minh chứng; viết báo cáo tự đánh giá; công bố báo cáo tự đánh giá; lưu trữ cơ sở dữ liệu về tự đánh giá của trường.
iii) Xây dựng kế hoạch tự đánh giá
Công tác tự đánh giá của nhà trường cần phải được thực hiện theo kế hoạch. Khi xây dựng kế hoạch tự đánh giá cần lưu ý một số điểm sau:
- Kế hoạch phải cụ thể, chi tiết, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận, từng cá nhân và quy định rõ thời gian phải hoàn thành, tránh chung chung và hình thức.
- Kế hoạch tự đánh giá phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, với kế hoạch năm học của trường. Cần tránh bố trí các hoạt động tự đánh giá vào những thời điểm như: tuyển sinh, sơ kết học kỳ, tổng kết năm học, các sự kiện lớn của nhà trường.
- Công việc bao giờ cũng đi kèm với nguồn lực (con người, phương tiện, tài chính,...). Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch cần căn cứ vào điều kiện về nguồn lực cụ thể của nhà trường.
iv) Thu thập minh chứng
Một trong những khó khăn khi thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục là việc thu thập, phân tích và xử lý minh chứng. Những vấn đề cơ bản về minh chứng đã được trình bày tại Mục 2.3, ở đây xin lưu ý thêm một số vấn đề sau:
- Khi thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục trường tiểu học, cần đặc biệt chú ý đơn giản hóa việc thu thập minh chứng, tránh máy móc cứng nhắc.
- Một số chỉ số, tiêu chí trong Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, nếu chỉ có minh chứng tại thời điểm tự đánh giá thì có thể xem xét và chấp nhận. Những tiêu chí đó đã được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn của Bộ.
Đây là chủ trương xuất phát từ tình hình thực tế của công tác lưu trữ tại các nhà trường, nhằm giảm bớt khó khăn trong việc thu thập minh chứng. Tuy nhiên, cần khuyến khích nhà trường thu thập minh chứng của các chỉ số, tiêu chí trên theo thời gian của một chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục (5 năm). Điều này
28
có ý nghĩa trong việc khẳng định tính quá trình của hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
v) Viết phiếu đánh giá tiêu chí
Căn cứ vào các minh chứng đã được hội đồng tự đánh giá lựa chọn phù hợp với yêu cầu (nội hàm) của từng chỉ số trong mỗi tiêu chí, cá nhân hoặc nhóm công tác viết phiếu đánh giá tiêu chí. Kết quả đánh giá mỗi tiêu chí được thể hiện trong một phiếu đánh giá tiêu chí;
Phiếu đánh giá tiêu chí gồm các nội dung: mô tả hiện trạng, điểm mạnh, điểm yếu, kế hoạch cải tiến chất lượng và tự đánh giá. Phiếu đánh giá tiêu chí được viết và hoàn thiện theo quy trình sau:
- Cá nhân viết đầy đủ các nội dung theo quy định trong phiếu đánh giá tiêu chí.
- Các nội dung của phiếu đánh giá tiêu chí được thảo luận trong nhóm công tác để bổ sung và hoàn thiện.
- Hội đồng tự đánh giá xem xét các nội dung của từng phiếu đánh giá tiêu chí để bổ sung và hoàn thiện. Đặc biệt lưu ý khi xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng của từng tiêu chí phải xác định chính xác các biện pháp, giải pháp, điều kiện (nhân lực, tài chính) mà nhà trường cần thực hiện hoặc đáp ứng, thời gian hoàn thành và tính khả thi của các giải pháp, biện pháp đó.
- Trên cơ sở ý kiến của hội đồng tự đánh giá, cá nhân hoàn thiện phiếu đánh giá tiêu chí.
Việc đánh giá mức độ đạt được của tiêu chí căn cứ vào kết quả các nội dung trong phiếu đánh giá tiêu chí. Tiêu chí được xác định là đạt khi tất cả các chỉ số của tiêu chí đều đạt. Chỉ số được đánh giá là đạt khi tất cả các yêu cầu của chỉ số được xác định là đạt.
Kết quả đánh giá từng tiêu chí được tổng hợp vào bảng tổng hợp kết quả tự đánh giá.
vi) Viết báo cáo tự đánh giá
Kết quả tự đánh giá được trình bày dưới dạng một bản báo cáo theo cấu trúc và hình thức thống nhất. Báo cáo tự đánh giá là văn bản phản ánh thực trạng chất lượng của nhà trường, là sự cam kết thực hiện các hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Báo cáo tự đánh giá do hiệu trưởng nhà trường phê duyệt sau khi đã được hội đồng tự đánh giá thông qua. Báo cáo tự đánh giá cần mô tả ngắn gọn, rõ ràng, chính xác và đầy đủ các hoạt động giáo dục liên quan đến toàn bộ các tiêu chí, trong đó chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu và các biện pháp cải tiến chất lượng, kế hoạch thực hiện, thời hạn hoàn thành. Báo cáo tự đánh giá được trình bày lần lượt theo các tiêu chuẩn. Đối với mỗi tiêu chí cần có đầy đủ các phần: mô tả hiện trạng; điểm mạnh; điểm yếu; kế hoạch cải tiến chất lượng; tự đánh giá. Nội dung cơ bản của các phiếu đánh giá tiêu chí đã
29
được hội đồng tự đánh giá chấp thuận được dùng để xây dựng báo cáo tự đánh giá.
Báo cáo tự đánh giá phải đạt được các yêu cầu cơ bản sau:
- Trình bày đúng cấu trúc quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhất quán (không mâu thuẫn) giữa các phần trong một tiêu chí và giữa các tiêu chí. Không có lỗi chính tả, lỗi diễn đạt.
- Phần mô tả hiện trạng phải bám sát nội hàm của các chỉ số tức là phải đầy đủ; không lạc sang vấn đề khác; không chỉ nêu thành tích và mặt tốt.
- Các minh chứng phải đầy đủ, rõ ràng và thuyết phục, có minh chứng cốt lõi đủ cơ sở để khẳng định mức đạt được của chỉ số; minh chứng đảm bảo tính chính xác, trung thực.
- Phần điểm mạnh và điểm yếu được xác định đúng, trúng và rõ ràng - Kế hoạch cải tiến chất lượng phải sát hợp và khả thi
- Mức độ đạt được của tiêu chí do nhà trường đề xuất là thoả đáng.
vii) Sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá và nếu có đủ điều kiện theo quy định, nhà trường đăng ký đánh giá ngoài và đăng ký công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Nếu chưa đủ điều kiện thì nhà trường phải có văn bản cam kết với cơ quan quản lý trực tiếp về việc phấn đấu nâng cao chất lượng để đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong một thời hạn nhất định và được cơ quan quản lý trực tiếp chấp thuận.
Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài và đăng ký công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của trường tiểu học, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh sẽ tiến hành thẩm định báo cáo tự đánh giá và hồ sơ liên quan. Trường sẽ nhận được thông báo bằng văn bản của phòng giáo dục và đào tạo để biết hồ sơ đăng ký của mình được chấp nhận hoặc yêu cầu tiếp tục hoàn thiện. Nếu hồ sơ được chấp nhận thì phòng giáo dục và đào tạo sẽ gửi về sở giáo dục và đào tạo. Nếu hồ sơ được sở chấp nhận thì sẽ chuẩn bị cho bước đánh giá ngoài. Trong trường hợp sở không chấp nhận hồ sơ thì trường phải hoàn thiện lại.