Giao diện vô tuyến GPRS được xây dựng trên cùng nền tảng như giao diện vô tuyến của GSM, cùng sóng mang vô tuyến độ rộng băng 200 kHz và8 khe thời gian trên một sóng mang. Điều này cho phép GSM và GPRS chia sẻ cùng một tài nguyên vô tuyến. Chẳng hạn nếu ta xét một sóng mang vô tuyến nào đó, thì ở một thời điểm, một số khe thời gian có thể mang lưu lượng GSM còn một số khe khác mang số liệu GPRS. Ngoài ra GPRS cho phép phân bổ động tài nguyên, nhờ vậy một số khe có thể được sử dụng để mang lưu lượng thoại và sau đó dành cho lưu lượng số liệu GPRS tuỳ thuộc vào các yêu cầu lưu lượng. Vì thế không cần thiết kế vô tuyến đặc biệt hoặc quy hoạch tần số bổ sung cho GSM khi sử dụng GPRS. Tất nhiên, GPRS có thể yêu cầu bổ sung thêm sóng mang trong một ô. Khi này có thể cần quy hoạch tần số bổ sung, nhưng việc quy hoạch này không khác với quy hoạch cần thiết để bổ sung sóng mang cho GSM. Mặc dù GPRS sử dụng cùng một cơ sở hạ tầng như GSM, việc đưa vào GPRS cũng có nghĩa rằng phải đưa thêm một số kiểu kênh logic mới và các sơ đồ mã hoá kênh mới áp dụng cho các kênh logic này. Khe thời gian dùng để mang lưu lượng số liệu hay báo hiệu liên quan đến GPRS được gọi là kênh số liệu gói (PDCH: Packet Data Channel ). Hình vẽ cho thấy các kênh này sử dụng cấu trúc đa khung 52 khung đối lập với cấu trúc đa khung 26 khung của GSM. Như vậy đối với một khe cho trước, tại một thời điểm nhất định thông tin được mang trong khe phụ thuộc vào vị trí của khung trong cấu trúc đa khung 52 khung. Trong số 52 khung ở cấu trúc đa khung, có 12 khối vô tuyến mang số liệu của người sử dụng, hai khe để trống và hai khe dành cho hai kênh điều khiển định thời gói ( PTCCH:Packet TimingControl Channel). Mỗi khối vô tuyến chiếm bốn khung TDMA, như vậy mỗi khối vô tuyến tương ứng với bốn trường hợp liên tiếp của một khe thời gian. MS có thể sử dụng các khe để trống ở cấu trúc đa khung để đo tín hiệu.
Hình 2.4 : Giao diện vô tuyến GPRS