Song song với sự phát triển về số lượng thuê bao là tỷ trọng sản lượng ngày càng tăng của các dich vụ số liệu so với dịch vụ thoại. Theo xu hướng chung hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam, cước dịch vụ thoại ngày càng giảm dần, trong khi đó cước của các dịch vụ số liệu không chỉ phụ thuộc vào thời gian sử dụng dịch vụ hoặc dung lượng số liệu truyền trên mạng mà còn phụ thuộc vào tính chất cũng như nội dung của từng loại dịch vụ và không có chiều hướng giảm. Các loại dịch vụ số liệu sẽ được cung cấp không chỉ bởi nhà khai thác mà còn bởi nhiều nhà cung cấp khác, tức doanh thu các nhà khai thác mạng sẽ bị san sẻ bớt, nếu nhà khai thác mạng không chú trọng tự
phát triển và cung cấp các dịch vụ số liệu. Vì việc quan tâm đến các dịch vụ số liệu là xu hướng tự nhiên cẩ các nhà khai thác mạng.
Năm 2005, tất cả các thuê bao sẽ vẫn tiếp tục sử dụng các dịch vụ số liệu truyền thống. Số liệu thuê bao sử dụng các dịch vụ số liệu mới dựa trên nền công nghệ GPRS chiếm khoảng 5% vào năm 2003, 15% vào năm 2004, và tăng 30% năm 2005. Dự báo đến năm 2010 lưu lượng chủ yếu trong toàn mạng sẽ là của các dịch vụ số liệu, lưu lượng thoại sẽ chỉ còn chiếm một tỷ lệ không đáng kể và được truyền chung trong môi trường IP (VoiIP).
Trong xu thế chung cuả sự phát triển các dịch vụ thông tin di động trên toàn thế giới, các dịch vụ số liệu sau sẽ được triển khai trong các mạng của Tổng công ty đến 2010:
• Truyền ảnh, điện thoại di động thấy hình (videofone)
• Thanh toán trực tuyến qua mạng (online banking)
• Truy nhập Internet để sử dụng các thông tin trong mạng Internet
• Các dịch vụ giải trí (games)
• Các dịch vụ định vị (location services) v.v.
Không như dịch vụ thoại, các dịch vụ số liệu (nhất là các dịch vụ số liệu cần tốc độ cao) yêu cầu một mạng lưới được thiết kế, xây dựng và tối ưu hòa một cách công phu, có chất lượng, nhất thiết phải nâng cấp về công nghệ và phải lắp đặt thêm các hệ thống cung cấp dịch vụ. Vì vậy, một kế hoạch phát triển các dịch vụ số liệu trong các mạng di động đã được VNPT xây dựng và từng bước triển khai ngay từ bây giờ. Các dịch vụ số liệu trong giai đoạn này sẽ gắn liền với việc triển khai công nghệ 2.5G và 3G. Hiện nay trong các mạng Vinafone và Mobifone, Viettel đã triển khai hệ thống GPRS và cung cấp một số dịch vụ liên quan. Để phát triển mạng thành công và đạt được hiệu quả kinh tế cao thì vấn đề dự báo nhu cầu và các loại hình dịch vụ là yếu tố tiên quyết. Vì vậy đòi hỏi các nhà khai thác phải xem xét cũng như có các bản dự báo khá chính xác ở qui mô lớn.
Theo dự báo nhu cầu trên, ở nước ta, số thuê bao có nhu cầu dịch vụ dữ liệu chiếm khoảng 15% năm 2004 và tăng nhanh đến khoảng 40% vào năm 2010. Tuy nhiên, phần lớn nhu cầu là dịch vụ dữ liệu trung bình mà hệ thống 2,5G có thể đáp ứng được, dịch vụ chủ chốt là thư điện tử và nhắn tin đa phương tiện. Nhu cầu dịch vụ dữ liệu đa phương tiện cao cấp năm 2004 và tăng khá chậm sau đó.
Theo dự báo ban đầu thì dịch vụ điện thoại truyền hình di động sẽ là dịch vụ chủ chốt của các hệ thống 3G/4G. Tuy nhiên, những mạng thử nghiệm được triển khai gần đây trên thế giới cho thấy tốc truyền dữ liệu không đạt như mong muốn và phụ thuộc rất nhiều vào số thuê bao đang liên lạc trong cell. Tốc độ 2 Mbps là không đạt được, trừ khi máy di động ở ngay gần Anten trạm gốc và chỉ có một mình nó liên lạc trong cell đó. Dịch vụ điện thoại truyền hình không thể cung cấp được với chất lượng tốt, dịch vụ chủ chốt giờ đây được dự báo là nhắn tin đa phương tiện và truyền ảnh tĩnh, những dịch vụ này lại đòi hỏi sự hiểu biết về công nghệ thông tin của cả nhà cung cấp và người sủ dụng.
Trong tương lai, xu hướng phát triển sẽ nhằm đáp ứng các môi trường làm việc linh hoạt, hoạt động giao dịch kinh doanh động sẽ tăng nhu cầu sử dụng thông tin số liệu trên mạng di động. Như vậy, chỉ là vấn đề thời gian đối với việc thông tin số liệu trên mạng di động trở thành một lĩnh vực kinh doanh mạng và hiệu quả. Tất nhiên chi phí, giá thành và dễ sử dụng sẽ là chìa khóa cho sự thành công của các dịch vụ số liệu.