ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG TY TRONG THỜI GIAN TỚI:

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển hoạt động Kinh Doanh dịch vụ du lịch của Cty cổ phần du lich Bưu điện giai đoạn 2000-2005 (Trang 42 - 47)

1. Phương hướng phát triển của công ty trong giai đoạn 2006-2010:

1.1. Mục tiêu hoạt động của Công ty cổ phần du lịch Bưu điện trong giai đoạn 2006-2010: đoạn 2006-2010:

Trong giai đoạn tiếp theo của quá trình đầu tư phát triển, công ty đã đề ra những mục tiêu cơ bản sau:

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đáp ứng được nhu cầu đầu tư của công ty, đảm bảo cho quá trình mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh cả về chất lượng và số lượng, trong những năm tới tốc độ tăng trưởng hàng năm về doanh thu đạt mức 15%/năm, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch của thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung.

Không ngừng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, cho ra đời những loại hình dịch vụ mới phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho công ty.

1.2. Phương hướng hoạt động của công ty:

Hiện nay, mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng tăng cao, các công ty hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực du lịch ra đời ngày càng nhiều, những mặt trái của nền kinh tế thị trường như hiện tượng ăn cắp nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ... đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các công ty du lịch. Trước tình hình này, công ty đã đưa ra những phương hướng cho hoạt động kinh doanh trong những năm tới, đó là:

- Chủ động bám sát kế hoạch đầu tư của Nhà nước, xu hướng phát triển du lịch trong nước và quốc tế để đạt được những hiệu quả cao nhất trong quá trình đầu tư.

- Giữ vững và mở rộng thị trường trên phạm vi cả nước, ổn định hoạt động kinh doanh, thực hiện việc hợp tác chặt chẽ với các công ty hoạt động trong cùng ngành trong nước và quốc tế để mở rộng phạm vi và khả năng hoạt động của công ty nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong nước và khách du lịch quốc tế.

- Đa dạng hóa dịch vụ cung cấp, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển trong quá trình hoạt động để đưa ra những loại hình dịch vụ mới, nâng cao sức cạnh tranh của công ty trên thị trường.

- Thực hiện các biện pháp giảm các chi phí hành chính, giảm giá thành dịch vụ, tăng năng suất lao động trong toàn công ty.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, đặc biệt là chất lượng dịch vụ tổ chức và điều hành các tour du lịch, tạo cho công ty một hình ảnh nhà điều hành tour chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo.

- Không ngừng nâng cao các điều kiện về cơ sở vật chất để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của những nhóm khách hàng có yêu cầu cao như khách du lịch sự kiện (MICE), trở thành một trong số ít những công ty có khả năng cung cấp tốt dịch vụ du lịch này.

- Nâng cao trình độ của đội ngũ nhân viên trong công ty, tạo cho khách hàng một ấn tượng tốt về một đội ngũ nhân viên làm việc một cách chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo.

- Đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác như tư vấn và tổ chức du học, hợp tác kinh doanh các loại hình dịch vụ giải trí khác... nhằm tránh những rủi ro có thể xuất hiện trên thị trường trong những năm tới.

1.3. Kế hoạch đầu tư của công ty trong thời gian tới:

Để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển không ngừng, đồng thời tăng sức cạnh tranh của công ty trên thị trường, trong thời gian tới, công ty đã xây dựng kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tới.

Trong giai đoạn 2006-2010, công ty vẫn tiếp tục duy trì hoạt động liên doanh liên kết với các tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn tại Hà Nội. Đây là một trong những trọng tâm của quá trình đầu tư trong giai đoạn tới. Hà Nội luôn được công ty coi là “sân nhà” của mình trong quá trình phát triển hoạt động kinh doanh. Đây là một thị trường có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, số khách quốc tế đến Hà Nội chiếm 34% lượng khách quốc tế của cả nước, năm 2005, Hà Nội đã được tạp chí du lịch lữ hành hàng đầu thế giới của Mỹ là Travel Leisure chọn là một trong năm thành phố du lịch tốt nhất châu Á. Năm 2005, Hà Nội đã đón 5 triệu khách, trong đó có 1 triệu khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu tăng 20%, công suất sử dụng phòng của các khách sạn lớn luôn đạt mức trung bình từ 85%-90%. Với tốc độ tăng như hiện nay, đến năm 2010, Hà Nội sẽ đón 5,4 triệu lượt khách nội địa và 1,6 triệu lượt khách quốc tế, tức là ngành du lịch của thủ đô cần 22637 phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn, tức là thiếu 10137 phòng so với hiện nay, bình quân thiếu 2000 phòng/năm. Như vậy, đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh khách sạn vẫn là một ngành nghề kinh doanh hấp dẫn hiện nay, mục tiêu trước mắt của công ty là hoàn thiện việc xây dựng và đưa vào khai thác khách sạn SAS tại công viên Lênin. Việc tiếp tục đầu tư phát triển vào lĩnh vực này vừa giúp cho công ty đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, lại vừa giúp đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của công ty, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch của Thủ đô.

Bên cạnh việc phát triển loại hình kinh doanh khách sạn, công ty sẽ tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực phương tiện vận chuyển khách, cụ thể, công ty sẽ giành nguồn quỹ gần 20 tỷ đồng cho việc mua mới và cải tạo các phương tiện vận chuyển khách du lịch trong giai đoạn 2006-2008 với mục đích tăng cường năng lực hoạt động vận chuyển khách, chủ động đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Đầu tư cho nguồn nhân lực vẫn luôn là sự quan tâm hàng đầu của công ty. Trong giai đoạn tới, công ty dự tính sẽ tuyển và đào tạo thêm trên 50 nhân viên mới phục vụ cho quá trình phát triển mở rộng về quy mô. Đồng thời tổ chức tạo điều kiện để các nhân viên trong công ty tự nâng cao thêm trình độ của mình, tổ chức cử những

cán bộ và nhân viên trong công ty đi học hỏi kinh nghiệm tại các công ty du lịch có uy tín trên thế giới để không ngừng hoàn thiện trình độ của đội ngũ nhân viên. Nguồn quỹ giành cho hoạt động này trong thời gian tới sẽ đạt trung bình trên 500 triệu đồng/ năm.

Thời gian tới vẫn là một giai đoạn phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, một công cụ đắc lực giúp cho việc mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh của công ty, chính vì vậy, kế hoạch đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật đã được xây dựng nhằm phục vụ đắc lực cho quá trình quản lý và hoạt động của công ty, góp phần giảm đáng kể chi phí hành chính, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời, tạo cho công ty một hình ảnh nhà điều hành chuyên nghiệp, hiện đại.

Trong những năm tới, Việt Nam sẽ ra nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO, khi đó, các công ty, các tập đoàn du lịch nước ngoài sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc đầu tư và phát triển kinh doanh tại Việt Nam, công ty sẽ gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ. Chính vì vậy, việc đầu tư vào quảng bá thương hiệu sẽ là một việc làm cần thiết. Công ty có dự tính sẽ tăng gấp đôi nguồn quỹ giành cho việc phát triển thương hiệu của mình, tạo được một chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và tạo được ấn tượng tốt với khách hàng quốc tế.

Để tạo ra sự khác biệt đối với các đối thủ cạnh tranh, tiếp tục tăng cường đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tạo được những sản phẩm độc đáo, mới lạ, tạo được điểm nhấn trên thị trường là một trong những kế hoạch đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, công ty tiếp tục đầu tư vào việc hoàn thiện dịch vụ du lịch MICE là một loại hình dịch vụ mang lại lợi nhuận cao. Phấn đấu đến năm 2010, công ty vẫn duy trì vị trí là công ty du lịch hàng đầu tại Hà Nội và sẽ trở thành một trong ba công ty du lịch hàng đầu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, công ty cũng đang lập kế hoạch để đầu tư vào lĩnh vực vui chơi giải trí của Thủ đô thông qua việc liên kết với các công ty trong và ngoài nước, vừa nhằm mục đích đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, vừa có thể góp phần cải thiện môi trường du lịch của Thủ đô.

Ngoài ra, công ty vẫn tiếp tục hoạt động đầu tư để mở rộng các loại hình dịch vụ mới như dịch vụ tư vấn và tổ chức du học. Đây không phải là loại hình dịch vụ xa lạ đối với thị trường Hà Nội, song, đây vẫn là một loại hình kinh doanh hấp dẫn đối với công ty. Dựa vào mạng lưới hoạt động kinh doanh rộng khắp, có quan hệ bạn hàng với nhiều công ty du lịch trên thế giới, việc phát triển loại hình kinh doanh này sẽ thuận lợi và mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho công ty trong thời kỳ sắp tới.

2. Những cơ hội và thách thức đối với hoạt động đầu tư của công ty trong giai đoạn sắp tới: đoạn sắp tới:

2.1. Cơ hội:

Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của tiến trình gia nhập tổ chức Thương Mại Thế giới WTO, công ty cũng sẽ có nhiều thuận lợi trong việc đầu tư phát triển mở rộng hoạt động kinh doanh do môi trường du lịch Việt Nam sẽ được cải thiện khi các công ty nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch tại các địa phương, thêm vào đó, việc liên doanh liên kết của công ty với các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch sẽ dễ dàng hơn.

Đồng thời, khi gia Việt Nam gia nhập vào WTO, các ngân hàng, tập đoàn tài chính nước ngoài sẽ đầu tư nhiều vào Việt Nam, thị trường tài chính phát triển cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, trong đó có Hà Nội Toserco sẽ có cơ hội lớn trong việc phát triển thị trường du lịch ra nước ngoài, việc thanh toán cho các chuyến du lịch của khách nước ngoài sẽ đơn giản hơn rất nhiều, việc đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh sẽ có nhiều thuận lợi lớn.

Nhà nước vừa cho ban hành luật du lịch và luật doanh nghiệp, là một công ty Nhà nước, Hà Nội Toserco sẽ có được một cơ sở luật vững vàng trong quá trình hoạt động và bảo vệ được tài sản vô hình của mình là thương hiệu và uy tín trên thị trường. Trong một tương lai gần, khi Việt Nam gia nhập WTO, hệ thống pháp luật được hoàn thiện sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, đây sẽ là một thời cơ tốt để công ty có thể phát huy hết năng lực hoạt động của mình. Hiện nay, Nhà nước đang có những hành động cụ thể để thực hiện mục tiêu biến ngành du lịch trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, những chính sách ưu đãi

cho đầu tư phát triển du lịch đang dần đưa vào áp dụng trong thực tế, tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các công ty du lịch nói chung và cho Hanoi Toserco nói riêng.

Thị trường của ngành du lịch không ngừng mở rộng do thu nhập của người dân đã được cải thiện đáng kể, nhu cầu đi du lịch đã trở nên phổ biến. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển hoạt động đầu tư mở rộng kinh doanh của công ty.

2.2.Thách thức:

Gia nhập WTO không chỉ mang lại cơ hội lớn cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư của công ty mà còn là một thách thức lớn. Khi hội nhập với nền kinh tế quốc tế, công ty sẽ phải đối mặt với việc gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những công ty du lịch có uy tín trên thế giới, những tập đoàn hùng mạnh hoạt động trong lĩnh vực này, đây là một vấn đề khó khăn đối với việc mở rộng phát triển của công ty. Việc đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty sẽ bao hàm nhiều rủi ro do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Những vấn đề về việc giải quyết các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư vẫn là một vấn đề khó khăn đối với công ty trong giai đoạn tới. Do thời gian này bị kéo dài đã làm chậm quá trình thực hiện đầu tư, bỏ lỡ thời cơ, đồng thời cũng làm tăng thêm chi phí của dự án đầu tư, đây là một thách thức đối với hoạt động đầu tư của công ty.

Yêu cầu mở rộng phát triển cả về số lượng và chất lượng ngày càng cao, trong khi nguồn nhân lực lại không đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản của Việt Nam trong lĩnh vực này vừa thiếu vừa yếu, không đáp ứng được nhu cầu, buộc công ty phải chi những khoản đầu tư không nhỏ cho việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân viên để phục vụ cho hoạt động của mình.

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển hoạt động Kinh Doanh dịch vụ du lịch của Cty cổ phần du lich Bưu điện giai đoạn 2000-2005 (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(59 trang)
w