- Việc ban hành và từng bước hoàn thiện thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đã từng bước tập dượt trong công tác quản lý thuế.
CÁC GIẢI PHÁP NHẰM XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN Ở VIỆT NAM
3.1 Sự cần thiết ban hành Luật thuế Thu nhập cá nhân ở Việt Nam
Xuất phát từ tinh thần của Nghị quyết Đại Hội Đảng IX và X đã xác định “Áp
dụng thuế thu nhập cá nhân thống nhất và thuận lợi cho mọi đối tượng chịu thuế, bảo đảm công bằng xã hội và tạo động lực phát triển” và “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo nguyên tắc công bằng, thống nhất và đồng bộ … Điều chỉnh chính sách thuế theo hướng giảm và ổn định thuế suất, mở rộng đối tượng thu, điều tiết hợp lý thu nhập”. Thực
hiện các Nghị quyết này, Chính phủ có Quyết định số 201/QĐ-TTg triển khai thực hiện chiến lược cải cách thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra việc ban hành Luật thuế TNCN còn xuất phát từ những sự cần thiết sau:
- Thực hiện thuế thu nhập cá nhân góp phần tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế – xã hội.
+ Thuế thu nhập cá nhân động viên trực tiếp vào thu nhập cá nhân, thể hiện rõ nghĩa vụ của công dân đối với đất nước và được căn cứ trên các nguyên tắc “lợi ích”, “công bằng”, và “khả năng nộp thuế”. Theo nguyên tắc lợi ích thì mọi người trong xã hội đều được hưởng những thành quả phát triển của đất nước về luật pháp thể chế, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, an ninh trật tự,… đồng thời cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập của mình cho xã hội thông qua việc nộp thuế. Nguyên tắc “công bằng” và “khả năng nộp thuế” thể hiện ở chỗ: người có thu nhập cao hơn thì nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khó khăn hơn thì nộp thuế ít hơn, mỗi cá nhân dù có thu nhập từ các nguồn khác nhau đều được điều chỉnh thống nhất trong một chính sách thuế; người có thu nhập thấp chưa phải nộp thuế.
+ Bên cạnh đó, trong thời gian qua ở nước ta, cùng với sự phát triển của kinh tế, thu nhập của các tầng lớp dân cư cũng tăng lên, nhưng khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp cũng có xu hướng ngày càng tăng (trong thời gian từ 1993 đến 2004, khoảng cách này đã tăng lên từ 3,7 lần lên đến 13,5 lần). Như vậy, việc áp dụng thuế TNCN sẽ góp phần đảm bảo tính hợp lý,
công bằng, hiệu quả của hệ thống chính sách thuế và hạn chế sự gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư. Đồng thời với việc thực hiện Luật thuế này, Nhà nước sẽ nắm được thông tin về TNCN, thông qua đó vừa thực hiện động viên nguồn lực, vừa góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí.
- Ban hành thuế TNCN nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách thuế để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.
+ Xu thế hội nhập, liên kết kinh tế trong khu vực tiến tới toàn cầu hoá kinh tế là tất yếu khách quan, tạo cơ hội thuận lợi cho nước ta tập trung vào phát triển mọi mặt kinh tế, làm cho nền kinh tế nước ta có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, có cơ hội thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển, cải thiện vị thế của mình. Ngược lại, xu hướng hội nhập, liên kết kinh tế trong khu vực, tiến tới toàn cầu hoá kinh tế sẽ làm tăng sức ép cạnh tranh giữa các nước. Sự cách biệt giàu nghèo giữa các quốc gia và các tầng lớp dân cư trong một quốc gia ngày càng tăng, phân phối của cải xã hội sẽ có nguy cơ tập trung và bị chi phối mạnh bởi các thế lực kinh tế. Tình trạng bất bình đẳng trong phân phối ở nhiều cấp độ là vấn đề lớn đặt ra trước vai trò và nhiệm vụ của một nhà nước. Đây là thách thức lớn trong tiến trình cải cách thuế vừa đạt được mục tiêu công bằng, vừa đạt được mục tiêu hiệu quả.
+ Mở rộng hội nhập quốc tế một mặt tạo ra nhiều cơ hội, một mặt đặt ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế: nguồn thu từ thuế nhập khẩu sẽ giảm dần do phải cắt giảm thuế quan theo hiệp định tham gia vào khối thị trường tự do Asean và tổ chức thương mại thế giới WTO. Bên cạnh đó, thị trường nội địa sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường ngoại nhập làm cho các doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ phá sản, giá cả hàng hoá thấp, tiêu thụ ứ đọng. Nguy cơ này sẽ làm giảm các khoản thu từ thị trường nội địa. Sự suy giảm nguồn thu này sẽ phải được bù đắp bằng các nguồn thu khác. Gánh nặng này phần nhiều hướng vào khả năng tăng tỷ trọng huy động từ các loại thuế tiêu dùng nội địa, thuế thu nhập và thuế tài sản ở những mức độ hợp lý.
+ Sự hiện diện này ngày càng rõ nét của kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế sẽ làm cho các mối quan hệ kinh tế ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn nhận dạng hơn những mối quan hệ truyền thống. Thực tế này sẽ đặt ra những vấn đề hóc búa đối với công tác quản lý nói chung và công tác quản lý thu thuế nói riêng. Đây cũng
là một thách thức nữa đối với công tác hoạch định chính sách thuế vì vừa phải thực hiện yêu cầu đơn giản, dễ hiểu lại vừa phải đảm bảo bao quát nguồn thu và tính chất điển hình trong nội hàm chính sách.
Chính quá trình hội nhập kinh tế quốc ngày càng sâu rộng đã tạo ra cơ hội đồng thời cũng tạo ra những áp lực đối với cải thuế ở nước ta, trong đó có thuế TNCN. Vì vậy, việc xây dựng Luật thuế TNCN của nước ta thay thế cho Pháp lệnh thuế TNĐVNCTNC là tất yếu khách quan, chính sách thuế trong tương lai cần phải xây dựng sao cho vừa phù hợp với tiến trình hội nhập, phải đảm bảo bao quát các nguồn thu, tạo nguồn thu chính cho NSNN, đồng thời thực hiện công bằng xã hội, điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
- Thuế thu nhập cá nhân góp phần đảm bảo tính ổn định nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Như phân tích ở trên, nguồn thu từ thuế nhập khẩu chắc chắn sẽ giảm dần theo lộ trình cắt giảm thuế quan, nguồn thu của nhà nước sẽ phải bù đắp bởi các chính sách thuế nội địa trong đó có thuế TNCN. Hơn nữa nền kinh tế nước ta đang trên đà tăng trưởng cao, thu nhập quốc dân ngày càng cải thiện, sắc thuế này sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.