Ai là người sẽ đánh thức những tài năng đang ngủ

Một phần của tài liệu THẾ GIỚI QUẢ LÀ RỘNG LỚN potx (Trang 119 - 122)

Chắc các bạn đã nghe câu chuyện về người mẹ yếu ớt đã nhấc cả chiếc ôtô để cứu đứa con bị đè ở dưới. Đó là điển hình sống của sức mạnh tiềm tàng phi thường trong chúng ta. Con người có những khả năng kỳ diệu, có điều vì những khả năng này thường không được phát huy nếu như ta không thường xuyên đánh thức chúng dậy. Nhưng ai khơi dậy được cái sức mạnh tiềm ẩn đó sẽ thành đạt, còn ai cứ để mặc nó thì hãy chờ đợi một cuộc đời tầm thường. Có một báo cáo nói rằng con người chúng ta chỉ mới sử dụng có 15% tiềm năng thực sự của mình. Nếu ta sử dụng được 20% thì sẽ là thiên tài, còn nếu dùng đến 30% thì sẽ là vĩ nhân.

Do đó có thể nói rằng bất kỳ một thiên tài hay vĩ nhân nào cũng đều có sự đánh thức tài năng lên mức cao hơn so với người thường. Edison thường lập đi lập lại một thí nghiệm đến 200 lần hoặc hơn mới có được một phát minh và ông đã trở thành một thiên tài nhờ không ngừng phát huy khả năng còn ẩn giấu của mình, đánh thức cái thiên năng đang thiêm thiếp ngủ trong mình. Sự tự tin là điều hết sức quan trọng. Ai đó có thể làm được rất nhiều tiền và có một quyền lực lớn, song tiền bạc và quyền lực chỉ là những thứ thuộc về con người, được sử dụng cho con người. Người ta không thể thoả mãn chỉ vì họ có những thứ ấy rồi, họ còn phải luôn giữ được phong độ, nếu không thì chỉ còn là cái bóng của dĩ vãng mà thôi. Nếu họ không có những nỗ lực để vươn lên, để thường xuyên trau dồi bản thân, thì họ sẽ phải tụt hậu vì rất khó giữ nguyên được vị trí của mình - không có con đường nào khác ngoài sự tiến lên hay lùi xuống. Tại vì nếu bạn đứng nguyên một chỗ, trong khi những ngườỉ khác tiến lên thì đó chính là bạn đang bị tụt xuống vậy.

Bạn không ngừng phát triển bản thân. Triết gia người Pháp Henri Bergson nói rằng tiến bộ chính là bản chất của cuộc sống. Mọi vật sống đều phải phát triển một cách tích cực và điều đó thường được coi là nguyên tắc của sự sống.

Do vậy ta phải thường xuyên để ý đến bước tiến của mình và cố tỏ ra thông minh hơn, sáng suốt hơn và tốt hơn. Ta phải độ lượng với người khác song phảỉ nghiêm khắc với bản thân, phải cẩn thận để khỏi sa vào vũng bùn dễ dãi và duy lý. Ta không thể chinh phục được người khác nếu không chinh phục chính bản thân mình trước. Nếu bạn tự coi mình chẳng ra gì thì chớ nên trách người khác cũng nghĩ về bạn như vậy.

Tôi luôn lấy làm tiếc rằng tôi đă không được học nhiều ở trường. Tôi đã có ý định đi du học nước ngoài song hồi đó điều kiện không cho phép, có lẽ chính vì thế nên tôi luôn thấy thiệt thòi một cái gì đó. Tôi càng cảm thấy như vậy mỗi lần đi chu du trên thế giới, gặp gỡ đủ mọi hạng người và nhận thấy mình còn thiếu nhiều. Ví dụ như sẽ rắc rối ngay nếu tôi không hiểu biết mấy về lịch sử và phong tục của một nước mỗi lần phải tiếp khách làm ăn của nước đó.

Không đi nhiều, không bao giờ ta có thể biết được người tiếp chuyện ta có tín ngưỡng gì hoặc quan tâm đến cái gì, thành thử ta phải chuẩn bị trước mọi tình huống có thể xảy ra, nếu không thì từ một việc rắc rối nhỏ sẽ dẫn đến những thiệt hại vô cùng. Chẳng hạn ta phải biết chút ít về đạo Hồi và đạo Hindu, chút ít lịch sử Sudan và Algeria.

Cương vị chủ tịch một công ty đòi hỏi nhiều hơn ta tưởng, đó là điều tôi đã rút ra được từ các chuyến công du.

Chính vì quan tâm đến các vấn đề xã hội, tôn giáo và lịch sử như vậy nên nhiều khi tôi đi cùng với các giáo sư đại học để trên máy bay họ tóm lược lại khái quát về đất nước mà tôi sắp đến. Khốn nỗi đó là cơ hội duy nhất để tôi học hỏi những vấn đề này. Những tóm tắt ấy mở rộng thêm hiểu biết của tôi về các điều kiện lịch sử, xã hội, tình hình hiện tại và các khía cạnh khác của các nước mà tôi chưa biết. Dĩ nhiên đó chẳng qua chỉ là cưỡi ngựa xem hoa song nó cũng có ích cho tôi rất nhiều, giúp tôi thêm sức mạnh cũng như thêm mở mang tầm mắt.

Người ta nói thanh niên ngày nay chỉ biết có thực tại và tôi là một trong số những người đang lo ngại khuynh hướng đó. Một khi bị trói chặt vào hiện tại thì sẽ không còn thời gian hoặc nghị lực để phát triển tiềm năng của mình trong tương lai. Cái lối an phận ấy đang làm băng hoại thanh niên về mặt tinh thần. Vả lại kiểu thi tuyển nhiều lần không giúp gì cho thanh niên phát huy tài năng, ngay cả khi được điểm 100 đi nữa. Điểm 100 chẳng chứa đựng một hứa hẹn sáng tạo nào hết và kiểu thi như vậy chỉ bóp chết tiềm năng sáng tạo mà thôi. Thêm vào đó, những thanh niên bỏ hàng giờ để đọc chuyện tranh hay xem TV chắc là không ưa tự suy nghĩ lắm. Họ tìm kiếm sự an lạc trong nhàn rỗi, họ trở nên thụ động và không chịu làm gì để phát huy tiềm năng

của chính mình.

Như đã nói ở trên, dậm chân tại chỗ chính là sự thụt lùi: trong khi mình đứng lại thì người khác vượt lên. Bảo rằng những người sống theo lối ấy kể như chết rồi cũng không phải là nói quá bởi lẽ họ có thiết vươn lên nữa đâu. Chỉ những ai phấn đấu liên tục, cần cù học

hỏi mới mong tiến bộ. Họ có cái để mà hướng tới, chúng ta cần đến những người như vậy.

Hãy chịu khó vươn lên. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình đã hoàn thành công việc, đừng bao giờ tự hài lòng với cái mình đã làm được. Hãy tự thôi thúc mình suốt cả cuộc đời. Nếu không hoạt động bạn sẽ bị tê liệt vì không tiến bộ đó chính là tụt hậu. Một điều rõ ràng rằng các thiên tài và vĩ nhân được như vậy là nhờ họ biết phát huy được những tiềm năng mà ai cũng có. Vì vậy bạn hãy phát huy hơn nữa tiềm nàng của mình để cũng có thể trở thành thiên tài hay vĩ nhân đi. Hãy nhớ rằng nếu muốn bạn có thể đánh thức được tài năng đang ngủ của mình đấy, cứ mạnh dạn mà thử xem.

Một phần của tài liệu THẾ GIỚI QUẢ LÀ RỘNG LỚN potx (Trang 119 - 122)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(133 trang)
w