"Nước nông sạch là nhờ nước suối trong" là câu ngạn ngữ cổ của Triều Tiên và đúng như vậy: Nước thượng nguồn phải trong thì nước sông mới sạch được.
Trong xã hội cũng vậy. Các nhà lãnh đạo phải trong sạch thì xã hội mới trong sạch được, và ta có thể nói không ngoa là bạn có thể đánh giá một xã hội bằng tấm gương của những nhà lãnh đạo. Vì vậy câu ngạn ngữ "Nước sông trong sạch nhờ nước suối trong" nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của các nhà lãnh đạo. Và chúng ta cần những nhà lãnh đạo truyền thụ được cho mọi người công dân lòng tự tin, cam đảm và bổn phận.
Không phải ai cũng trở thành lãnh đạo, nhưng số người lãnh đạo chúng ta cần là yếu tố quan trọng. Ở Hàn Quốc chúng ta thường nói rằng: một chiếc tàu có quá nhiều tay chèo thì sẽ bị mắc cạn trên núi; còn nếu có có quá ít tay chèo thì tàu sẽ không đi nổi. Dầu sau thì điều thiết yếu là những người có phẩm chất và năng lực lãnh đạo phải trở thànn những nhà lãnh đạo. Một xã hội sẽ bị dẫn tới lộn xộn nếu không có những người như vậy.
Cái gì tạo nên một nhà lãnh đạo? Một nhà lãnh đạo phải có một số năng lực. Anh ta phải có tính thuyết phục và có thể tổ chức nhân sự. Và trong tập thể đủ loại người, đòi hỏi lãnh đạo phải có những khả năng đặc biệt khác nữa. Một nhà lãnh đạo phải có những khả năng để chấn chỉnh những sự mâu thuẫn kém hiệu quả và biết cách sử dụng của từng nhóm để tạo nên sự thịnh vượng và phát triển chung.
Nhưng có một điều mà bạn phải hiểu: lãnh đạo không được lẫn lộn với độc tài. Sự lãnh đạo mà tôi đang nói tới thì hoàn toàn khác biệt với những gì đi ngược lại tập thể mà nó phục vụ. Trước đây ở Hàn Quốc, chúng ta đã hiểu tại sao cho rằng độc tài mới lãnh đạo tốt được và ngày nay chúng ta lo lắng với sự trốn tránh trách nhiệm của các nhà lãnh đạo.
"Kỷ nguyên dân chủ" không có nghĩa là kỷ nguyên không có sự lãnh đạo; nói cho đúng hơn thì chúng ta có nhu cầu ngày càng lớn hơn đối với sự lãnh đạo được xúc tiến bởi tập thể dân bầu. Vì thế tập thể phải có sự nhận thức xã hội chín chắn để cho sự lãnh đạo bám rễ. Chúng ta cần sự lãnh đạo dân chủ lành mạnh dựa theo sự nhất trí của toàn dân.
Sự lãnh đạo phải đi đôi với điều nữa là đó là thái độ trách nhiệm. Các nhà lãnh đạo phải coi công việc của mình là do bề trên uỷ nhiệm, và phải nghĩ rằng họ được sinh ra để đảm trách công việc. Họ phải sống và chết cho công việc đó và coi là công việc của mình duy nhất trên đời. Nếu các nhà lãnh đạo không có ý thức như vậy thì tập thể sẽ thành một mớ hỗn độn, không thể nào hoạt động một cách lành mạnh được. Những ai coi việc lãnh đạo như là phương tiện để đạt lợi lộc cho riêng bản thân mình thì không đủ tư cách để làm lãnh đạo.
Một nhà lãnh đạo cũng phải có ý thức về sự hy sinh và kèm theo ý thức bổn phận vì cả hai ý thức này đi song song với nhau. Lãnh đạo không chỉ có nghĩa là ngồi ở vị trí cao. Lãnh đạo chỉ phù hợp với những người có ý thức bổn phận lẫn hy sinh cho lợi ích của tập thể. Trở thành người lãnh đạo cũng như đi vào một con đường đầy chông gai. Chỉ có người sẵn lòng hy sinh cuộc đời riêng tư của mình, những sở thích của mình và ngay cả gia đình của mình mới có thể trở thành người lãnh đạo. Điều này đúng với các nhà lãnh đạo ở trong các xã hội. Kết quả là bạn có thể thấy rằng không phải ai cũng có thể trở thành lãnh đạo vì cái đó lệ thuộc vào việc người đó có sẵn lòng hy sinh cho những hy sinh như vậy hay không.
Để làm cho Daewoo thành công tôi phải từ bỏ cuộc sống gia đình của mình, tôi thường là không có đủ thời gian để ngủ, tôi không có thời gian để phát triển thêm sở thích riêng và tôi chưa bao giờ có thời gian để nhậu nhoẹt. Tôi từ bỏ niềm vui của cuộc sống gia đình đầy
gắn bó cho công ty.
Lúc đầu vợ tôi lúc nào cùng than phiền nhưng bây giờ thì bà ấy cũng chấp nhận dần, có lẽ bà ấy thấy rằng không còn cách lựa chọn nào khác. Và tôi chưa bao giừ dắt mấy đứa con đi chơi vào các kỳ nghỉ. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng hiểu được lý do tại sao và tôi còn nghĩ rằng chúng hãnh diện đôi chút về tôi. Vậy là tôi rất may mắn và rất cám ơn họ. Dĩ nhiên tôi biết tầm quan trọng của gia đình và nền tảng của hạnh phúc là một cuộc sống gia đình vui vẻ. Nhưng một nhà lãnh đạo ít nhất phải biết có thể bỏ qua nhưng tiện nghi và suy tính của riêng mình. Nếu mọi người chỉ làm những gì mình muốn thì ai sẽ là lãnh đạo?
Có những người nghĩ về người khác trước tiên, từ bỏ tiện nghi cá nhân để dẫn dắt tập thể trên con đường đúng đắn. Nếu bạn muốn được gọi là lãnh đạo thì phải quyết tâm hy sinh lợi ích cá nhân. Chính sách nhân sự tại Daewoo dựa trên điều này. Chúng tôi thích những người sáng tạo biết thách đố, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, sẵn sàng làm việc chăm chỉ vì đó là những người có phẩm chất lãnh đạo, có thể trở thành chủ tịch của công ty Daewoo. Ngay cả nếu họ
thiếu sự sáng tạo thì chúng tôi cũng thích nếu họ có ý thức mạnh mẽ về sự hoàn thiện công việc và nếu họ cố gắng hết sức mình.
Những người như vậy có thể trở thành những nhà lãnh đạo của Daewoo. Vì họ đặt lợi ích cộng chúng lên trên lợi ích cá nhân và bởi vì họ coi việc hoạt động cho sự phát triển xã hội và kinh tế quan trọng hơn là chỗ đứng của họ trong xã hội. Những người này đã đưa Daewoo tới những thành công và phát triển, đổi lại những tiện nghi và niềm vui cá nhân để có sự mãn nguyện lớn lao hơn nhiều.
Trái lại, có những người chỉ làm việc cho lợi ích và hạnh phúc của riêng mình. Họ cảm thấy mãn nguyện với đời sống gia đình và cá nhân hạnh phúc hơn là với sự mãn nguyện có được từ sự phát triển và thành công. Những người như vậy sẽ không bao giờ đạt được quá mức trưởng phòng. Và những người chúng tôi không thể sử dụng được tại Daewoo là những người không thể phân biệt được giữa công việc và lợi ích cá nhân vì chúng tôi không cần những người lẫn lộn giữa hai điều trên.
Một người lãnh đạo sẽ được kính trọng khi thật sự làm hết sức mình trong vai trò lãnh đạo với một ý thức thật sự về bổn phận, hy sinh là giá trị. Các nhà lãnh đạo phải được kính trọng. Đó là điểm để ta phân biệt được lãnh đạo và độc tài vì sự sợ hãi chứ không phải kính trọng. Còn họ không sợ các nhà lãnh đạo thực thụ mà kính trọng họ. Cũng như quyền lực danh nghĩa không được nhầm lẫn với quyền lực thực sự, quyền lực độc tài không thể nhầm lẫn với sự lãnh đạo. Quyền lực và uy tín thực sự có được từ sự kính trọng và một nhà lãnh đạo phải có phẩm chất đó. Nếu không thì không thể lãnh đạo. Chúng ta nên thành thực tôn trọng quyền lực lãnh đạo xuất phát từ ý thức thật sự về bổn phận và hy sinh cá nhân.
Tôi muốn khuyến khích các bạn trẻ phải phát triển ý thức nóng bỏng về bổn phận để trở thành những nhà lãnh đạo trong xã hội, biết từ bỏ niềm vui cá nhân tạm thời và khuynh hướng chỉ biết tới hiện tại, trở thành những người có thể đóng góp cho lợi ích của xã hội và quốc gia. Không phải ai cũng có thể trở thành lãnh đạo và không phải ai cũng nên trở thành lãnh đạo. Tuy nhiên xét theo một nghĩa khác thì
mỗi người trong các bạn là người lãnh đạo của chính cuộc đời mình vì không ai có thể sống thay cho bạn. Bạn chính là người lãnh đạo của mình, vì vậy tất cả những gì tôi nói về sự lãnh đạo thực sự đều có thể áp dụng được cho mỗi người.
Tôi hy vọng rằng những ai trong các bạn muốn trở thành những nhà lãnh đạo thực sự trong xã hội sẽ tự trang bị cho mình với những gì tôi đã phác hoạ ở đây: khả năng lãnh đạo năng động, ý thức rõ ràng về sứ mệnh, hy sinh và quyết tâm sống một cuộc đời thành công.