Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của hệ thống siêu thị đặc biệt là hệ thống siêu thị trong nước là yếu tố con người. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động trong những năm qua
đã được cải thiện và nâng cao, tuy nhiên so với yêu cầu phát triển, lực lượng lao động đã qua đào tạo nói chung còn nhiều bất cập. Lực lượng lao động đã qua đào tạo tập trung nhiều ở khu vực thành phố và đô thị, cấu trúc đào tạo lực lượng lao động ngày càng có xu hướng bất hợp lý, trước đây thì cấu trúc đào tạo là ( 1- 1,7-2,4) tương ứng với một lao động có trình độ đại học trở lên thì có 1,7 trình đọ trung học chuyên nghiệp và 2,4 trình độ sơ cấp/ học nghề/ công nhân kĩ thuật có bằng cấp. Đến nay thì cấu trúc này lại thay đổi thành (1-1,2-1,7) dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhà nước cần triển khai các biện pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện cải cách hành chính trong ngành giáo dục. Thực hiện phân cấp trong quản lý giáo dục, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục và thanh tra giáo dục hoạt động có hiệu quả và nề nếp. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp và cách tổ chức giáo dục đào tạo. Nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình và phương thức đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề, theo hướng gắn với yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, cung cấp cho người học các kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề và ý thức trách nhiệm; đưa nhanh công nghệ thông tin vào nội dung đào tạo và quản lý quá trình đào tạo; khuyến khích liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề với các doanh nghiệp để nâng cao khả năng thực hành của các học viên sau khi tốt nghiệp.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ nhân lực am hiểu về siêu thị, cần hỗ trợ xây dựng nguồn nhân lực thông qua các khoá đào tạo mời chuyên gia đào tạo của nước ngoài giảng dạy, tổ chức các cuộc hội thảo về hoạt động siêu thị để chia sẻ và học hỏi kiến thức về siêu thị...
Thứ ba, tăng cường hợp tác với nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo nghề, đào tạo đại học và sau đại học; khuyến khích tạo điều kiện cho học sinh, tu nghiệp sinh được đào tạo ở nước ngoài.
Thứ tư, phát triển hệ thống các trường đào tạo nghề với các trang thiết bị đào tạo hiện đại, nhằm đào tạo đội ngũ công nhân mới có khả năng làm chủ các công nghệ mới trong sản xuất. Cần xây dựng và sắp xếp lại hệ thống các trường dạy nghề.
Thứ năm, thực hiện phân cấp đối với việc cấp giấy phép thành lập các trung tâm đào tạo nghề ở các địa phương theo hướng sở lao động thương binh xã hội cấp giấy phép thành lập các trung tâm đào tạo nghề nói chung và các sở liên quan sẽ cấp giấy phép thành lập các trung tâm đào tạo nghề chuyên ngành.
Thứ sáu, chú trọng việc hình thành ý thức kinh doanh, khuyến khích người lao động không ngừng nâng cao trình độ và chuyên môn. Trợ giúp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp.
Thứ bảy, thực hiện các chính sách nhằm cân bằng lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tạo thêm việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động; chuyển dịch lao động giữa các khu vực kinh tế. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các “hợp đồng thử việc” với người lao động theo quy định tại Nghị định 02/2001/ NĐ-CP, điều đó sẽ tạo mối ràng buộc giữa những lao động được đào tạo với doanh nghiệp chi trả phí đào tạo.