Rủi ro do các nguyên nhân từ phía khách hàng vay.
Sử dụng vốn sai mục đích, không có thiện chí trong việc trả nợ vay: Khi vay tín chấp cá nhân, có một hiện tượng phổ biến là khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, sai đối tượng, cố ý lừa đảo NH để chiếm đoạt tài sản. Biểu hiện của hiện tượng này chính là trường hợp vay ké, vay chung, vay nhưng chuyển vốn cho người khác sử dụng do người đó không có đủ điều kiện để vay tín chấp. Kết quả làm phát sinh phát sinh nợ quá hạn do người sử dụng vốn không có khả năng trả nợ còn người vay thì đùn đẩy trách nhiệm cho người sử dụng vốn, NH không thể thu hồi nợ.
Một nguồn gốc khác là bắt nguồn từ chính bản thân khách hàng thiếu ý thức trong việc trả nợ, không lo lắng, không quan tâm đến nợ NH mặc dù khả năng tài chính của khách hàng có nhưng vì do vay tín chấp cá nhân, NH sẽ không thể phát mãi tài sản của khách hàng. Cũng có nhiều khách hàng vay vốn rồi lại chỉ muốn trả
lãi, còn gốc để xoay vòng vì họ ngại trả nợ gốc. Điều này cũng khó khăn rất lớn trong công tác thu hồi nợ của NH, làm mất thời gian, gây nguy cơ nợ quá hạn khiến NH phải trích lập DPRR, thậm chí có những khoản không cần thiết, làm giảm vòng quay vốn, tổn thất lợi nhuận của NH.
Khả năng quản lý kinh doanh kém: Khi các khách hàng là chủ DN vay tiền tín chấp NH để mở rộng quy mô kinh doanh, đa phần là tập trung vốn đầu tư vào tài sản vật chất chứ ít khách hàng nào dám mạnh dạn đổi mới cung cách quản lý, đầu tư cho bộ máy giám sát kinh doanh, tài chính, kế toán theo đúng chuẩn mực. Quy mô kinh doanh phình ra quá to so với tư duy quản lý là nguyên nhân dẫn đến sự phá sản của các kế hoạch kinh doanh đầy khả thi mà lẽ ra nó phải thành công trên thực tế.
Tình hình tài chính của khách hàng yếu kém, thiếu minh bạch:Quy mô tài sản, nguồn vốn nhỏ bé, tỷ lệ nợ so với vốn tự có cao là đặc điểm chung của hầu hết các khách hàng đến vay vốn tại NHTMCP Việt Nam. Ngoài ra, khách hàng vẫn chưa tuân thủ nghiêm chỉnh và trung thực có điều kiện khi vay tín chấp cá nhân. Các sổ sách, chứng từ, hóa đơn,…. mà các khách hàng cung cấp cho NHTMCP tư nhân nhiều khi chỉ mang tính chất hình thức hơn là thực chất. Do đó, khi cán bộ NH lập các bản phân tích tài chính của khách hàng dựa trên số liệu do các khách hàng cung cấp thường thiếu tính thực tế và xác thực, gây ra nợ quá hạn.
Rủi ro do các nguyên nhân từ phía ngân hàng cho vay
Lỏng lẻo trong công tác kiểm tra nội bộ các NH: Kiểm tra nội bộ có điểm mạnh hơn thanh tra NHNN ở tính thời gian vì nó nhanh chóng, kịp thời ngay khi vừa phát sinh vấn đề và tính sâu sát của người kiểm tra viên, do việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên cùng với công việc kinh doanh. Nhưng trong thời gian trước đây, công việc kiểm tra nội bộ của các NH hầu như chỉ tồn tại trên hình thức. Kiểm tra nội bộ cần phải được xem như hệ thống “thắng” của cỗ xe tín dụng. Cỗ xe càng lao đi với vận tốc lớn thì hệ thống này càng phải an toàn, hiệu quả mới tránh cho cỗ xe khỏi đi vào ngã rẽ nợ quá hạn luôn luôn tồn tại thường trực trên con đường đi tới.
Bố trí cán bộ thiếu đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ:Các quyết định cho vay của NHTMCP gây ra nợ quá hạn một phần là do cán bộ tín dụng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ yếu kém, khi quyết định cho vay thiếu căn cứ khoa học,
không phân tích điều kiện vay vốn cũng như tình hình khả năng sử dụng vốn và hoàn trả nợ của khách hàng, do vậy đã đưa vốn vào những khách hàng sử dụng kém hiệu quả dẫn đến nợ quá hạn, nợ tồn đọng kéo dài.
Một phần lớn khác là do nguyên nhân từ phía đạo đức của người cán bộ tín dụng cố tình cho vay để mưu lợi cá nhân, làm trái qui trình tín dụng như lập hồ sơ giả để vay tiền cá nhân, vay hộ, nhờ người vay hộ, vay tiền NH chuyển cho công ty TNHH gia đình; tẩy xoá, sửa chữa chứng từ chứng minh để vay tiền tín chấp tại NH,…; thông đồng với khách hàng; trực tiếp thu nợ gốc và lãi nhưng không nộp lại cho NH mà dùng cho mục đích khác,… Một số vụ án kinh tế lớn trong thời gian qua có liên quan đến NHTMCP đều do sự tiếp tay của một số cán bộ NH cùng với khách hàng làm giả hồ sơ vay NH, đánh giá khách hàng nhất là thu nhập của khách hàng vay tín chấp lên quá cao so với thực tế để rút tiền NH. Tóm lại, một cán bộ kém về năng lực có thể bồi dưỡng thêm, nhưng một cán bộ tha hóa về đạo đức mà lại giỏi về mặt nghiệp vụ thì thật vô cùng nguy hiểm khi được bố trí trong công tác tín dụng.
Thiếu giám sát và quản lý sau khi cho vay: Các NH thường có thói quen tập trung nhiều công sức cho việc thẩm định trước khi cho vay mà lơi lỏng quá trình kiểm tra, kiểm soát đồng vốn sau khi cho vay. Khi NH cho vay thì khoản cho vay cần phải được quản lý một cách chủ động để đảm bảo sẽ đựơc hoàn trả. Theo dõi nợ là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của cán bộ tín dụng nói riêng và của NH nói chung. Việc theo dõi hoạt động của khách hàng vay nhằm tuân thủ các điều khoản đề ra trong hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và NH. Tuy nhiên trong thời gian qua các NHTMCP chưa thực hiện tốt công tác này. Điều này một phần do yếu tố tâm lý ngại gây phiền hà cho khách hàng của cán bộ NH, một phần do hệ thống thông tin quản lý phục vụ kinh doanh đã quá lạc hậu, không cung cấp được kịp thời, đầy đủ các thông tin mà NHTMCP tư nhân yêu cầu.
Các NH hay TCTD đặt quá cao mục tiêu lợi nhuận: tình hình thực tế của các NHTMCP tư nhân hiện nay cho thấy khi các NH quá tập trung vào tăng trưởng tín dụng thì lại xuất hiện những diễn biến bất lợi cho NH như giá cả leo thang, khách hàng vay vốn gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là vấn đề lạm phát. Theo đánh giá của
ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN TP. HCM, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của không ít NH đặt ra ở mức khá cao trong năm 2009 sẽ là thách thức lớn cho việc quản lý rủi ro nợ xấu.
Mặt khác chính vì mục tiêu tăng lợi nhuận ròng và giảm gánh nặng của các khoản phải trích DPRR theo quy định, các NH hay TCTD sẵn sàng cơ cấu lại các khoản nợ không chỉ một lần mà diễn ra nhiều lần qua đó có những sự chuyển biến từ nợ xấu thành các khoản tín dụng thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 – những nhóm có độ an toàn tín dụng cao. Khi cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng này các NH hay TCTD sẽ có hệ số nợ xấu thấp làm tăng độ tin cậy hay xếp hạng về độ an toàn tín dụng ở hệ thống NH, nâng cao uy tín trong hệ thống liên NH, giảm thiểu các khoản trích dự phòng, tăng lợi nhuận ròng. Tuy nhiên chính do sự liên tục cơ cấu lại các khoản nợ như trên đã tạo ra một sự mập mờ trong phân định nợ quá hạn và nợ xấu và có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho các NHTMCP tư nhân.
Sự cạnh tranh lãi suất giữa các NH: Các NH hay các TCTD kinh doanh trong cơ chế thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt với nhau, dẫn đến việc cạnh tranh về lãi suất để huy động được vốn trở nên ngày càng phổ biến và phức tạp. Kết quả là làm cho lãi suất huy động vốn cao hơn lãi suất cho vay hoặc lãi suất cho vay được đẩy cao quá mức bình thường. Khi lãi suất huy động vốn lớn hơn lãi suất cho vay thì NH hoạt động không hiệu quả, gây ra thua lỗ. Còn khi lãi suất cho các khách hàng vay tăng lên do lãi suất huy động vốn quá cao thì những khách hàng có tài chính mạnh và ổn định sẽ không chấp nhận mức lãi suất quá cao đó, họ có khả năng tìm đến những nguồn vốn khác. Nghi vấn được đặt ra đối với những khách hàng dám chấp thuận mức lãi suất cao. Phần lớn sự chấp thuận đó xuất phát từ sự thiếu vốn trầm trọng, năng lực tài chính hạn chế, độ tín nhiệm thấp nên không tiếp cận được những nguồn vốn khác. Và tất nhiên, nguy cơ nợ xấu NH tăng lên từ nhóm đối tượng vay tín chấp này là rất lớn.
Như vậy, trong trường hợp phát sinh nợ quá hạn do vay tín chấp cá nhân, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động qua lại đan xen lẫn nhau tạo nên nhiều khó khăn, vướng mắc lớn cho các NHTMCP tư nhân trong quá trình xử lý
nợ quá hạn. Tuy nhiên, công tác quan trọng nhất vẫn là việc các NHTMCP xây dựng các chính sách quản lý tín dụng cho vay hợp lý thì vấn đề nợ quá hạn do các nguyên nhân trên gây ra hoàn toàn có thể được giải quyết.