BẢNG 4.15. CÁC CHỈ TIÊU VỀ LỢI NHUẬN
CHỈ TIÊU ĐƠN VỊ 2005 2006 2007
1.Tổng thu nhập triệu đồng 21.157 29.988 37.701 2.Tổng chi phí triệu đồng 14.928 26.567 31.091 3.Tổng lợi nhuận triệu đồng 6.229 3.422 6.610 4.Lợi nhuận ròng triệu đồng 4.485 2.463 4.759 5.Tổng tài sản triệu đồng 228.977 257.866 405.905
6.Tổng vốn tự có triệu đồng 3.653 6.958 7.229
7.Lợi nhuận ròng/Tổng tài sản % 1,96 0,96 1,17
9.Lợi nhuận ròng/Tổng thu nhập % 21,20 8,21 12,62
10.Tổng thu nhập/Tổng tài sản % 9,24 11,63 9,29
11.Tổng chi phí/Tổng thu nhập % 70,56 88,59 82,47
Nguồn: Phòng kinh doanh
Chỉ số ROA
Dựa vào Bảng 4.15 ta dễ nhận thấy chỉ số ROA biến động không ổn định, cụ thể ROA giảm từ 1,96% trong năm 2005 xuống còn 0,96% ở năm 2006, và lại tăng lên 1,17% trong năm 2007, điều này chứng tỏ suất sinh lợi của Ngân hàng không ổn định trong 3 năm qua. Mặc dù, khi xét về lợi nhuận tuyệt đối thì Lợi nhuận của Ngân hàng tăng trưởng đều qua các năm và năm sau cao hơn năm trước, nhưng khi tính toán các chỉ số đánh giá lợi nhuận thì ta phải lấy bình quân các số liệu trên Bảng Báo cáo thu nhập – chi phí (năm 2005 là bình quân của cuối năm 2004 và cuối năm 2005 và tương tự cho các năm sau) thì đã cho ta thấy rõ hơn sự thiếu ổn định của lợi nhuận qua các năm, cụ thể qua các nhân tố chính ảnh hưởng đến chỉ số ROA đã thể hiện: trong khi nhân tố Lợi nhuận bình quân
có sự tăng giảm, thì ngược lại nhân tố Tổng tài sản luôn tăng năm sau cao hơn năm trước, điều này chứng tỏ rằng sự dao động không ổn định lúc tăng lúc giảm của ROA là do nhân tố lợi nhuận tác động chủ yếu. Qua đó, cho ta thấy 2 điều sau:
Thứ nhất, trong năm 2006 tình hình kinh doanh của Ngân hàng không thuận lợi, cụ thể đã giảm sút rõ rệt về lợi nhuận bình quân của kỳ kinh doanh (giảm từ 6.229 triệu năm 2005 xuống còn 3.422 triệu đồng trong năm 2006), đây có thể là do nợ xấu gây ra là nguyên nhân chính vì dựa vào Báo cáo thu nhập - chi phí [phần phụ lục], ta thấy, trong năm 2005 nợ xấu là 2.872 triệu đồng đã tăng lên thành 3.774 triệu đồng, buộc Ngân hàng phải trích lập dự phòng từ nguồn vốn tự có của chi nhánh cũng chính là lợi nhuận của chi nhánh trong kỳ kinh doanh. Thứ hai, do trong năm 2006 Ngân hàng phải bỏ chi phí “nuôi thêm” chi nhánh cấp 1 ở Huyện Thốt Nốt (chi nhánh này khai trương và đi vào hoạt động từ tháng 10/2005 nhưng mãi đến cuối năm 2007 mới bắt đầu tự hoạt động độc lập được do tình trạng thiếu nhân sự tại chỗ cũng như thị phần kinh doanh chủ yếu là do của chi nhánh Cần Thơ chuyển qua), dù trên danh nghĩa là đồng cấp, nhưng thật ra chi nhánh mới này thuộc quyền kiểm soát của Chi nhánh Cần Thơ và phải hạch toán phụ thuộc cho đến cuối năm 2007). Cuối cùng, dù là nguyên nhân thứ yếu nhưng không thể kể đến đó chính là việc mở thêm các Chi nhánh Ngân hàng của TCTD khác trên địa bàn Thành phố Cần Thơ tăng nhanh trong năm 2006, cụ thể trong năm 2006 trên địa bàn do Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ quản lý có đến 6 TCTD mới “đặt chân” xuống thành phố Cần Thơ, trong đó có thêm 5 chi nhánh cấp 1, 23 Phòng giao dịch được thành lập mới, nâng tổng số Cơ sở có giao dịch tín dụng ngân hàng từ 94 lên 105 cơ sở (Nguồn : NHNN Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ), đây là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc Chi nhánh bị “vuột mất” nhiều khách hàng lớn, từ đó dẫn đến tăng nhanh tiếp thị để tìm kiếm khách hàng mới để bù đắp cho lỗ hổng dư nợ mà khách hàng cũ bỏ đi, dẫn đến thiếu sự thẩm định kỹ lưỡng và tìm hiểu thận trọng khách hàng và hệ quả là vướng nợ xấu. Đây là bài học “xương máu” cho Ban giám đốc và nhân viên tín dụng, bởi sau vụ việc này Ban giám đốc Chi nhánh đã bị khiển trách trước Hội đồng tín dụng, và 2 cán bộ tín dụng lâu năm đã bị chuyển công tác.
Chỉ số ROE: Chỉ số này không tính được vì Ngân hàng SGCT chi nhánh Cần Thơ là Ngân hàng chi nhánh không có vốn tự có đúng nghĩa (vốn tự có của Ngân hàng chỉ là Lợi nhuận hàng năm và Quỹ dự phòng).
Chỉ số Lợi nhuận ròng trên tổng thu nhập (NPMM): Chỉ số này biến động rất khác nhau qua các năm. Nếu như ở năm 2005 chỉ số này khá cao đạt
21,20% thì đến năm 2006 chỉ giảm còn 8,21%, và sang năm 2007 đạt 12,62%, như ta biết chỉ số này cho ta biết lợi nhuận mà ngân hàng đạt được tính trên 1 đồng tổng thu nhập. Chỉ số này biến động nhiều thể hiện 2 vấn đề:
Thứ nhất, cấu trúc vốn hoạt động của ngân hàng không ổn định qua các năm nghĩa là cơ cấu giữa 3 loại vốn chính (vốn huy động, vốn điều hòa, vốn ủy thác) có sự khác nhau rất lớn qua các năm, mà chúng ta đều biết chi phí của các nguồn vốn này là khác nhau (vốn ủy thác là có chi phí thấp nhất nhưng lại hạn chế về đối tượng và điều kiện cho vay, kế đến là vốn huy động nhưng với tình hình cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, cũng như cạnh tranh giữa thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán, vàng, bất động sản như hiện nay thì tăng nguồn vốn huy động là bài toán khó giải vì như phân tích ở trên để tăng vốn huy động mà chi phí lên quá cao thì việc tăng nguồn vốn này lên không còn nhiều ý nghĩa; cuối cùng có chi phí cao nhất là nguồn vốn điều hòa từ hội sở nhưng bù lại đây là nguồn vốn có thể “dễ dàng” điều chuyển đáp ứng ngay nhu cầu vốn). Như vậy, do cấu trúc vốn không ổn định như vậy thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sử dụng vốn nói riêng, chi phí hoạt động nói chung, mà từ đó sẽ tác động ngay đến nguồn thu nhập ròng từ hoạt động (là hiệu số giữa tổng thu nhập với chi phí hoạt động). Cuối cùng, những điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số Lợi nhuận ròng trên tổng thu nhập như đã trình bày ở trên.
Thứ hai, thể hiện quy mô phát triển của ngân hàng qua các năm cũng như khả năng kiểm soát chi phí hoạt động của Ngân hàng qua các năm. Thật vậy, sở dĩ năm 2006 chỉ số NPMM giảm mạnh là do chi phí hoạt động của Ngân hàng từ năm 2005 chuyển sang 2006 tăng quá nhanh, lên đến 77,96%, trong khi thu nhập chỉ tăng 41,74%; còn ở năm 2007 do kiểm soát tốt chi phí hoạt động chỉ giữ tổng chi phí tăng ở mức 17,03% trong khi thu nhập tăng đến 25,72%, chính vì lẽ đó mà ở năm 2007 chỉ số NPMM lại tăng lên lại 12.62%, nhưng con số 12.62% này còn kém xa con số 21,20% ở năm 2005 chứng tỏ có một trong hai khả năng sau xảy ra: Một là, hoạt động của Ngân hàng trong năm 2007 không tốt bằng 2005 xét một cách tương đối, thật vậy tuy tổng thu nhập bình quân của năm 2005 không cao nhưng do tổng chi phí bình quân của năm này lại ở mức thấp, dẫn đến lợi nhuận ròng bình quân cao và từ đó làm cho tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng thu nhập của năm 2005 đạt rất cao; Hai là, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng nói riêng, hoạt
động ngân hàng trên địa bàn nói chung không còn dễ dàng như trước do sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ không phải ở một mảng thị trường mà toàn bộ hoạt động ngân hàng của các chi nhánh như mua bán ngoại tệ, cho vay, huy động vốn, phát hành thẻ, đặt máy ATM, máy POS,… làm cho tình hình cạnh tranh diễn biến theo chiều hướng ngày càng vượt khỏi sự cạnh tranh lành mạnh như sẵn sàng cấp tín dụng khi có tài sản đảm bảo mà không tính đến khả năng trả nợ của khách hàng, phương án sản xuất; hoặc cử nhân viên giả làm khách hàng đến xin vay để dò hỏi về lãi suất cho vay rồi lôi kéo khách hàng của Ngân hàng để cho vay với mức thấp hơn chút đỉnh trong lần đầu, rồi đến kỳ sau lại cho vay với lãi suất cao hơn ; hoặc mở rộng cho vay tiêu dùng, cho vay bán lẻ quá mức chỉ dựa trên sự bảo lãnh của thủ trưởng cơ quan, chỉ tính khả năng trả lãi của khách hàng mà không tính đến họ không thể trả gốc với mức thu nhập đó, hoặc định giá tài sản đảm bảo theo giá mà khách hàng mua chứ không theo quy định về nhà đất hay quy chế về thẩm định giá của NHNN ban hành đang diễn ra công khai lẫn lén lút ở nhiều chi nhánh Ngân hàng trên địa bàn Thành phố Cần Thơ. Về mặt quy mô phát triển của Ngân hàng, ta thấy Ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng ở mức khá, tuy nhiên, ở năm 2006 do vướng nợ xấu lớn làm ảnh hưởng đến tình hình dư nợ cũng như kết quả kinh doanh của năm, nhưng sau đó ngân hàng đã kịp thời đưa ra những giải pháp kiểm soát được tình hình như: báo cáo ngay với Ban tổng giám đốc và Kiểm soát nội bộ, chịu trách nhiệm và hứa sẽ thu hồi sớm món nợ xấu này trước Hội đồng tín dụng của Ban quản trị Ngân hàng Hội sở, sau đó xin được trích lập dự phòng trực tiếp cho món nợ này luôn trong năm, sau đó thu nợ bằng tiền mặt được một phần, bán tài sản để thu tiền được một phần, đến nay món nợ này đã hoàn toàn được xử lý xong.
Cuối cùng, chỉ số này tăng lại ở mức khá trong năm 2007 chứng tỏ rằng trong năm 2007 ngân hàng đã tìm ra được chiến lược phù hợp với điều kiện của ngân hàng mình, hạn chế được các tác động xấu từ việc cạnh tranh không lành mạnh của một số chi nhánh khác trên địa bàn (điều này đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến tâm lý của ban giám đốc và toàn thể nhân viên phòng kinh doanh, do đó mất một thời gian dài toàn chi nhánh mới “đả thông” được tư tưởng là bất chấp sự cạnh tranh không lành mạnh từ các chi nhánh ngân hàng khác, ngân hàng mình vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược “tiếng lành đồn xa” nhưng cũng không quên
cảnh tỉnh với khách hàng và tập huấn cho toàn bộ anh chị em phòng kinh doanh, phòng kế toán về các thủ thuật lôi kéo khách hàng không lành mạnh của các đối thủ”). Chính việc lựa chọn chiến lược cạnh tranh và phát triển an toàn nhưng hiệu quả, thích ứng được với thị trường, đã mang lại kết quả kinh doanh tốt cho Ngân hàng trong năm 2007.
Chỉ số Hiệu quả sử dụng tài sản (Tổng thu nhập trên tổng tài sản)
Chỉ số này không biến động nhiều trong 3 năm, chỉ nằm trong khoảng từ 9 đến 11%, chứng tỏ hiệu quả sử dụng tài sản của Ngân hàng khá ổn định trong các năm vừa qua. Cụ thể, nếu như từ năm 2005 sang năm 2006 chỉ số này tăng từ 9,24% lên 11,63% là do tốc độ tăng của tổng tài sản (12,62%) chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng thu nhập (41,74%), còn từ năm 2006 chuyển sang năm 2007, chỉ số Hiệu quả sử dụng tài sản của Ngân hàng lại giảm xuống còn 9,27% là do tốc độ tăng của Tổng tài sản (57,41%) nhanh hơn tốc độ tăng của Tổng thu nhập (25,72%). Qua đó, ta thấy rõ chỉ số này khá cao và ổn định trong các năm chứng tỏ ngân hàng đã phân bổ tài sản đầu tư một cách hợp lý và hiệu quả, tạo nền tảng cho việc tăng lợi nhuận của Ngân hàng.
Chỉ số Tổng chi phí trên tổng thu nhập: Chỉ số này có tăng có giảm qua 3 năm nhưng nói chung là cao (chỉ số này cao là chưa tốt vì chứng tỏ rằng chi phí tăng bằng tốc độ tăng của thu nhập mà điều này sẽ dẫn đến lợi nhuận đạt được tính trên tổng thu nhập sẽ không cao hay nói cách khác tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận không cao), cụ thể Tổng chi phí trên tổng thu nhập tăng từ 70,56% (2005) lên 88,59% (2006) và giảm xuống còn 82,47% (2007). Điều này, xét về mặt số học thì ta dễ dàng nhận ra được là do tốc độ tăng của chi phí bình quân qua 3 năm đến 47% trong khi tốc độ tăng của tổng thu nhập chỉ là 34%, cho nên việc chỉ số này cao là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu hoạt động của chi nhánh qua 3 năm ta sẽ biết được các nhân tố chính làm cho chỉ số này cao: Thứ nhất, việc trích lập dự phòng tổn thất tín dụng trực tiếp cho các khoản nợ xấu của chi nhánh như đã trình bày ở trên, chính điều này đã đẩy chi phí lên cao trong năm tài chính và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận hàng năm; thứ hai, là do chi phí biến đổi (chi phí trả lãi) của ngân hàng là rất khó kiểm soát, hay nói rõ hơn Ngân hàng phụ thuộc quá nhiều vào Nguồn vốn hội sở trong tổng nguồn vốn kinh doanh của mình, mà chi phí của nguồn vốn này luôn biến động tăng, khi muốn tăng dư nợ
cho vay thì phải tăng vốn huy động cùng tốc độ, mà khối lượng vốn huy động quá thấp so với nhu cầu cho vay; thứ ba, do tốc độ tăng trưởng tín dụng “quá nóng” trong năm 2007, dư nợ tín dụng trong năm 2007 đạt đến 405.225 triệu đồng, cao hơn năm 2006 (255.830 triệu đồng) đến 149.395 triệu đồng tức 58.40%, đây cũng là tình hình chung của các Ngân hàng trên địa bàn Thành phố Cần Thơ nói riêng, toàn hệ thống ngân hàng nói chung trong năm 2007, chính việc tăng trưởng tín dụng quá nóng nhưng thiếu sự bền vững này là một trong những nguyên nhân chính tác động đến lạm phát ở Việt Nam trong năm 2007 (sẽ nói kỹ ở phần Giải pháp) và từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược kinh doanh nói chung, chiến lược tăng trưởng tín dụng nói riêng tại chi nhánh trong năm 2008.