3. Yêu cầu
1.5.1. Tình hình sản xuất và tiêu thụ hoa ở Việt Nam
Việt Nam có điều kiện khí hậu phù hợp cho nhiều loài hoa và cây cảnh phát triển. Tính đến năm 2005, nước ta có khoảng 13.200ha diện tích trồng hoa cây cảnh (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2007)[2]. Sản xuất hoa cho thu nhập cao, bình quân đạt khoảng 70-130 triệu đồng/ha nên rất nhiều địa phương trong cả nước đang mở rộng diện tích trồng hoa trên những vùng đất có tiềm năng (http://www.rauhoaquavietnam.vn)[64].
Tại miền Bắc, sản xuất hoa tập trung ở một số địa phương : Thành Phố Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lao Cai, Sơn La và Hà Giang. Loại hoa sản xuất nhiều nhất ở vùng này là hoa Cúc, chiếm khoảng 35%, thứ 2 là hoa Hồng chiếm 32%; còn lại là các loại hoa khác, như: Lay ơn, Đồng tiền, Cẩm chướng, Huệ, Lan... (http://xttm.agroviet.gov.vn)[53]. Vùng sản xuất nhiều hoa như : Tây Tựu-Từ Liêm-Hà Nội : 330ha ; Vĩnh Phúc 867ha ; Hải Phòng : 755ha ; Hoành Bồ-Quảng Ninh 10ha; Lao Cai 95,7ha; Sơn La 22ha, Hà Giang 18ha.
Các tỉnh phía Nam, Thành Phố Hồ Chí Minh là địa phương có diện tích trồng hoa cây cảnh lớn khoảng 700ha, với 1.400 hộ sản xuất trên 8 quận huyện, các loại hoa trồng chính là: hồng môn, lay ơn, đồng tiền, thiên điểu...
Lâm Đồng được coi là trung tâm sản xuất hoa cắt cành lớn nhất cả nước, với diện tích trồng hoa cây cảnh năm 2005 là 2027ha
(http://www.rauhoaquavietnam.vn)[64]. Hoa được sản xuất chủ yếu ở Thành
Phố Đà Lạt, các xã Hiệp Thành, Hiệp An, sản lượng hoa khoảng 640 triệu cành. Nghề trồng hoa ở Đà Lạt đang có xu hướng phát triển mạnh, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, sử dụng giống mới, cải tiến quy trình canh tác, áp dụng các loại phân bón thế hệ mới với đặc tính phân giải chậm, sử dụng các vật liệu hỗ trợ sản xuất…. nhưng ứng dụng mang lại hiệu quả rõ rệt nhất là sản xuất hoa trong nhà màng, sử dụng các hệ thống tưới cải tiến và sử dụng giống thông qua kỹ thuật nhân cấy mô thực vật (Nguyễn Văn Tới, 2007)[20].
Diện tích trồng hoa, cây cảnh của nước ta tăng trưởng ổn định trong suốt 12 năm qua; so năm 1994, diện tích hoa cây cảnh năm 2006 tăng 3,8 lần (diện tích hoa cây cảnh năm 1994 : 3.500ha, năm 2006 : 13.400ha) giá trị tăng 6 lần, đạt 1.045 tỷ đồng (Đỗ Tuấn Khiêm, 2007)[11]. Hiệu quả kinh tế từ trồng hoa gấp 10 lần so với lúa và 7 lần so với cây trồng khác; nếu đầu tư 28
triệu cho 1 ha hoa thì lợi nhuận thu được 90 triệu đồng (Nguyễn Xuân Linh, 1998)[12].
Mặc dù diện tích trồng hoa cây cảnh ở nước ta tăng, nhưng việc sử dụng hoa cắt ở nước ta chưa nhiều, bình quân khoảng 1USD/người/năm, so sánh với các nước khác trên thế giới, như: Mỹ, Đức, Nhật, Hà Lan, Ytalia...(bình quân 1 người 16,6USD/năm) thì nước ta sử dụng hoa cắt còn rất ít. Tiêu thụ hoa trong nước đa dạng về chủng loại, nhưng chất lượng hoa thấp, giá rẻ, hiệu quả kinh tế không cao; hoa được tiêu thụ tập trung chủ yếu vào những ngày lễ, tết, các ngày kỷ niệm. Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu được một số loại hoa cắt cành như : hồng, phong lan, cúc, đồng tiền, cẩm chướng, Lily sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Australia, Ả rập, nhưng số lượng chưa nhiều bình quân khoảng 10 triệu USD/năm. Sở dĩ sản phẩm hoa cây cảnh của Việt Nam khó thâm nhập thị trường thế giới là do chủng loại, chất lượng, kích cỡ không đồng đều, chưa đáp ứng được thị hiếu của khách hàng quốc tế (http://www.rauhoaquavietnam.vn)[64].