3.3.1 Đối với NHNo & PTNT Việt Nam
NHNo & PTNT Việt Nam là ngân hàng “mẹ” của tất cả các Chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống, đây là nơi đưa ra các chỉ tiêu thực hiện và định hướng hoạt động. Do vậy, nhằm phát triển hơn nữa hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu bằng phương thức tín dụng chứng từ nói riêng và hoạt động thanh toán quốc tế nói chung, Chi nhánh Thăng Long cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, kiến nghị đề xuất là:
Thứ nhất, NHNo & PTNT Việt Nam cần ban hành các quyết định bổ sung, chỉnh sửa một số quy trình nghiệp vụ thanh toán quốc tế trong đó có phương thức tín dụng chứng từ theo hướng linh hoạt, gọn nhẹ và thuận tiện hơn cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Trong đó cần làm rõ những yêu cầu nào về mặt thủ tục, giấy tờ, cũng như quy trình thỏa thuận, nộp, thanh toán tiền hàng cho khách hàng nắm vững, tránh mất thời gian đi lại, giao dịch không cần thiết. Đặc biệt đối với khách hàng, Ngân hàng nên đề ra các chính sách ưu đãi cụ thể không chỉ để giữ vững mối quan hệ với khách hàng cũ, mà còn để thu hút và khuyến khích khách hàng mới, khách hàng tiềm năng gắn bó lâu dài và sử dụng tối đa mọi dịch vụ mà Ngân hàng có thể cung cấp.
Thứ hai, cần tạo điều kiện, tăng cường hoạt động đào tạo cán bộ nhất là việc cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài. Hiện nay, cán bộ thanh toán quốc tế của Chi nhánh Thăng Long còn rất trẻ, trong đó có nhiều người mới tuyển và được luân chuyển từ đơn vị khác đến, do đó trong nhiều trường hợp việc giao dịch, xử lý tình huống với đối tác của thanh toán viên còn nhiều máy móc, chưa linh hoạt, đôi khi còn chưa biết xử lý ra sao. Việc hướng dẫn, chỉ bảo từ cán bộ có kinh nghiệm trong phòng và tự Chi nhánh đào tạo mới chỉ bao quát được quy trình chung, mà chưa thật sự bài bản. Vì vậy, nếu nhận được sự hỗ trợ này từ NHNo & PTNT Việt Nam thì các cán bộ sẽ có cơ hội học hỏi rất
nhiều kinh nghiệm từ nước ngoài – nơi mà nghiệp vụ thanh toán đã được đưa vào sử dụng từ mấy chục năm trước.
Thứ ba, nhanh chóng đầu tư công nghệ hiện đại bởi đây là việc làm cần thiết, hệ thống kỹ thuật mới sẽ là cơ sở cho việc giảm thiểu chi phí, thời gian, tiết kiệm nguồn nhân lực. Thăng Long là một trong những chi nhánh mang lại thu nhập lớn cho toàn hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp, việc đầu tư ban đầu tốn nhiều chi phí, tuy nhiên được xếp vào nhóm chi nhánh trọng điểm của Agribank nên Thăng Long có đủ khả năng để đi tiên phong áp dụng công nghệ mới và được ưu tiên tập trung phát triển.
3.3.2 Đối với Ngân hàng Nhà nước
3.3.2.1 Phát triển thị trường tiền tệ và thị trường ngoại tệ liên ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước phải có những bước đổi mới về cơ chế điều hành và quản trị ngân hàng trong bối cảnh thực trạng thị trường tiền tệ hoạt động không quy chuẩn, có như vậy mới tạo được điều kiện nhằm hoàn thiện và phát triển thị trường tiền tệ Việt Nam. Thứ nhất, đối với thị trường nội tệ liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa hệ thống thanh toán bù trừ, thanh toán liên ngân hàng đảm bảo sự luân chuyển vốn nhanh giữa các tổ chức tín dụng. Thứ hai, để gia tăng vị thế đồng Việt Nam trên cả thị trường trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước cần sớm hoàn thiện thị trường ngoại hối trong đó đặc biệt chú ý tới thị trường ngoại tệ liên ngân hàng theo hướng đa dạng hóa các loại ngoại tệ giao dịch trên thị trường, nhất là các ngoại tệ mạnh, có khả năng chuyển đổi trên thế giới không chỉ là USD mà còn là EUR, JPY, GBP... và cả những ngoại tệ mà Việt Nam cũng hay giao dịch như CNY, SGD... Biện pháp này sẽ giúp cho hoạt động giao dịch trên thị trường sôi động hơn, không những vậy còn giúp hoạt động kinh
doanh ngoại tệ của các ngân hàng phát triển. Với kết quả tích cực thì việc này còn kéo theo được nhiều lợi ích cho cả Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý điều hòa thị trường và còn mang lại nguồn cung cấp ngoại tệ dồi dào cho các ngân hàng thương mại tránh tình trạng có nơi thì thừa ngoại tệ, có nơi thì không có ngoại tệ để bán cho khách hàng. Đây cũng là một trong các điều kiện quan trọng để hoạt động thanh toán quốc tế bằng phương thức tín dụng chứng từ phát triển.
Bên cạnh đó một trong các chính sách được dư luận quan tâm, tác động không chỉ tác động đến các doanh nghiệp, ngân hàng mà còn tác động đến cả người dân đó là chính sách tỷ giá. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi có điểu tiết để điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, tỷ giá chính thức được thiết lập trên cơ sở tỷ giá bình quân của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và tỷ giá kinh doanh trong hệ thống các ngân hàng thương mại chỉ được phép dao động trong biên độ +/-5% so với tỷ giá chính thức. Tuy nhiên có thể nói tỷ giá này vẫn chưa phản ánh đúng quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường, với tình trạng nền kinh tế của chúng ta có tỷ lệ “đôla hóa” khá cao, thị trường “chợ đen” hoạt động rất sôi động mặc dù chỉ chiếm khoảng 30% thị phần thì việc kinh doanh ngoại tệ trong các ngân hàng có hiện tượng khá gượng ép. Theo đánh giá, tính toán của các chuyên gia cả trong và ngoài nước thì hiện nay VND vẫn được định giá khá cao so với USD (xét với tỷ giá chính thức – tỷ giá bình quân của thị trường liên ngân hàng). Vì vậy, trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước cần nới rộng biên độ xác định tỷ giá kinh doanh, tiến tới dần dần xóa bỏ can thiệp mang tính chất hành chính lên tỷ giá. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể tác động gián tiếp đến tỷ giá thông qua hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.
3.3.2.2 Gia tăng quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia, đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc quản lý dự trữ ngoại hối, sử dụng hiệu quả nguồn ngoại tệ quốc gia, và tăng cường các biện pháp kinh tế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại. Nếu Ngân hàng trung ương thực hiện tốt được vấn đề này sẽ tránh tình trạng căng thẳng về ngoại tệ trong tương lai cho hệ thống ngân hàng thương mại.
Trong những năm gần đây, nguồn kiều hối đổ về trong nước tiếp tục gia tăng cộng thêm việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng khiến cho Ngân hàng nhà nước đã phát hành thêm VND để mua phần lớn số USD đổ vào này. Chính điều này đã làm cho dự trữ ngoại tệ đã không ngừng tăng lên, tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là chỗ phần lớn lượng dự trữ ngoại tệ của ta là các loại giấy tờ có giá niêm yết bằng USD. Do đó, trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay với bối cảnh kinh tế của các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới có nguy cơ rất lớn lâm vào suy thoái khiến cho giá trị của USD lên xuống thất thường. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dự trữ của Việt Nam khi đồng đôla xuống giá so với các ngoại tệ tham chiếu khác.
Vì vậy, trong dài hạn, Ngân hàng nhà nước với chức năng giám sát, điều hành thị trường cần tính toán xây dựng cơ cấu dự trữ ngoại tệ hợp lý, đa dạng hóa các loại ngoại tệ theo hướng tăng cường dự trữ các đồng tiền chủ chốt khác như EUR, GBP, JPY... từ đó bảo đảm khả năng điều tiết thị trường ngoại tệ và giảm thiểu những tổn thất xảy ra cho nền kinh tế khi tỷ giá có biến động lớn.
3.3.3 Đối với Chính phủ
3.3.3.1 Tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động thanh toán quốc tế
Một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro pháp lý trong hoạt động thanh toán quốc tế bằng phương thức tín dụng chứng từ là sự thiếu vắng các văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa các bên trong quy trình thanh toán. Thực tế hiện nay bên cạnh Luật thương mại và Luật doanh nghiệp đã có từ lâu, Pháp lệnh ngoại hối và Luật các công cụ chuyển nhượng 2005 là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần giúp cho hoạt động thanh toán quốc tế ở nước ta được thực hiện một cách thuận lợi hơn. Tuy nhiên ta lại chưa có một đạo luật và văn bản dưới luật nào điều chỉnh mối quan hệ pháp lý giữa giao dịch hợp đồng ngoại thương của người mua và người bán với giao dịch tín dụng chứng từ của ngân hàng. Do đó với phương thức này, thỏa thuận giữa các bên với điều kiện nguồn luật áp dụng chỉ là UCP600 và một số thông lệ quốc tế khác.
Không chỉ như vậy, trong quan hệ thanh toán giữa khách hàng và ngân hàng, phần lớn các chứng từ chỉ đơn giản là các giao dịch ngân hàng, không thể được tính chất pháp lý và ràng buộc giữa hai bên nên gây khó khăn cho tòa án khi xét xử tranh chấp. Từ đó tăng rủi ro trong quan hệ thanh toán giữa khách hàng và ngân hàng.
Kiến nghị đối với Chính phủ đó là cần sớm ban hành các văn bản pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ trên, trong đó quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia vào quan hệ tín dụng chứng từ (bên xuất khẩu, bên nhập khẩu và các ngân hàng tham gia vào hoạt động thanh toán) sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta; đồng thời nêu lên một cách rõ ràng về các ràng buộc trong giao dịch để tạo sự thống nhất về mặt pháp lý.
3.3.3.2 Tạo môi trường thuận lợi cho công tác xuất nhập khẩu
Bên cạnh việc ban hành các văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh hoạt động thanh toán quốc tế, Chính phủ cùng cần quan tâm, chú trọng tạo môi trường thuận lợi hơn cho công tác xuất nhập khẩu, đây chính là biện pháp gián để phát triển hoạt động thanh toán quốc tế bằng phương thức tín dụng chứng từ.
Theo đó, đề xuất đưa ra là:
Cần tiếp tục tiến hành cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu trong việc xin cấp các giấy phép hay chứng từ chứng nhận nguồn gốc, phẩm chất, chất lượng hàng hóa... Bên cạnh đó, sự chỉ đạo của các Bộ ngành có liên quan cần có sự phối hợp liên kết với nhau, tránh tình trạng chồng chéo.
Cần mở rộng hơn nữa thông tin về giá cả các mặt hàng trên thế giới, đặc biệt những mặt hàng phổ biến, chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta một cách đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, thông tin về tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới cũng cần phải cập nhật để giúp các doanh nghiệp có thể dự đoán được xu hướng biến động để tránh rủi ro tỷ giá.
KẾT LUẬN
Gia nhập WTO mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn cho hầu hết tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó có ngành Ngân hàng. Các ngân hàng thương mại của nước ta bên cạnh những ưu thế sân nhà sẵn có, còn phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh gay gắt từ phía ngân hàng nước ngoài với tiềm lực mạnh mẽ về vốn, nhân lực, công nghệ… Vấn đề cấp thiết đặt ra chính là làm sao phát triển hơn nữa hoạt động thanh toán quốc tế, trong đó thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ đóng vai trò quan trọng nhất.
Chi nhánh NHNo & PTNT Thăng Long trong thời gian qua đã có nhiều sự đổi mới mạnh mẽ về điều kiện và phương pháp làm việc… chính vì vậy nên doanh thu của ngân hàng tăng trưởng không ngừng. Trong đó có sự đóng góp một phần không nhỏ từ các khoản thu phí dịch vụ từ hoạt động thanh toán quốc tế bằng phương thức tín dụng chứng từ.