GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TẠI LÀNG GỐM BÁT TRÀNG
3.2.3. Giải pháp giữ gìn trật tự trị an.
Phát triển hoạt động du lịch có quy mô, tổ chức cụ thể, từng ban ngành có trách nhiệm quản lý rõ ràng.
Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân trong việc phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ của làng - những thanh thiếu niên, thông qua các phong trào, các lễ phát động về phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trong các dịp hè.
Tăng cường lực lượng, nâng cao chất lượng của đội ngũ an ninh thôn xóm, thành lập các đội tự quản của từng xóm.
Chính quyền địa phương và người dân cùng phối hợp thực hiện trong việc phòng chống, bài trừ các tệ nạn xã hội.
KẾT LUẬN
Một vấn đề lớn, cũng là một câu hỏi lớn buộc các nước đang phát triển như nước ta phải giải đáp. Đó là: trong thời đại của công nghệ cao, của nền công nghiệp tiên tiến, chúng ta có thế và lực gì để cạnh tranh với thế giới, để có thể tự cường mà đem nói chuyện với các nước công nghiệp phát triển, nếu không phải trước hết là các sản phẩm truyền thống, những sản phẩm được làm ra ở trình độ nghệ thuật, kỹ thuật và chất lượng cao. Những sản phẩm phản ánh sâu sắc tư tưởng, tình cảm, quan điểm thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và bạn bè quốc tế. Giá trị của mỗi sản phẩm thủ công truyền thống được khách hàng, du khách trong và ngoài nước đánh giá, nhìn nhận chủ yếu dưới góc độ văn hóa, nghệ thuật dân tộc, sau đó mới là kỹ thuật, công nghệ và tính kinh tế.
Sản phẩm gốm Bát Tràng cũng vậy, nó chứa đựng trong mình tâm hồn của người Việt, mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Nó được du khách, các bạn hàng trong và ngoài nước đánh giá cao không chỉ bởi giá trị kinh tế mà còn bởi các giá trị văn hóa, nghệ thuật mà nó mang trong mình.
Vì vậy nếu chúng ta gìn giữ được những nét tinh hoa, những vốn quý trong các sản phẩm thủ công truyền thống nói chung và sản phẩm gốm Bát Tràng nói riêng thì chúng ta sẽ khẳng định được mình trên thị trường quốc tế. Đồng thời, chúng ta sẽ thúc đẩy được hoạt động du lịch tại các làng nghề phát triển sao cho tương xứng với tiềm năng vốn có của từng làng nghề.
Và như vậy chúng ta sẽ khai thác được nguồn tài nguyên du lịch làng nghề một cách có hiệu quả nhất theo như đánh giá của Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Viện phát triển du lịch: “Làng nghề truyền thống được xem như một dạng tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi các sản
phẩm du lịch làng nghề luôn bao hàm trong nó cả những giá trị vật thể và phi vật thể. Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch làng nghề, nếu được đầu tư đúng mức, khai thác hợp lý, đây sẽ là phương tiện giao lưu, quảng bá đất nước, con người mạnh mẽ và sâu rộng nhất. Khi văn hoá được giao thoa một cách tích cực thì giới hạn về không gian, địa lý sẽ không còn ý nghĩa, lợi ích kinh tế, văn hoá và vị thế cuả địa phương, quốc gia sẽ tăng lên gấp bội”.