Đặc điểm của hệ thống kiến thức, kĩ năng địa lí

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng địa lí qua hướng dẫn học sinh làm các bài thực hành trong sách giáo khoa địa lí 12 thpt tỉnh thái nguyên.pdf (Trang 52 - 55)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1. Đặc điểm của hệ thống kiến thức, kĩ năng địa lí

Kiến thức địa lí là kết quả phản ánh trong nhận thức của con người về sự tồn tại khách quan, mối quan hệ của các sự vật hiện tượng cũng như các quy luật địa lí, là cơ sở để hình thành thế giới quan duy vật biện chứng, góp phần vào giảng dạy các môn khoa học khác cũng như sự hình thành kiến thức tổng hợp về môi trường tự nhiên, xã hội. Kiến thức địa lí được dạy trong nhà trường phổ thông gồm có một hệ thống kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo địa lí được lựa chọn trong hệ thống tri thức của Khoa học Địa lí, được sắp xếp theo một trình tự nhất định, nhằm cung cấp một dung lượng kiến thức, phù hợp với chương trình và mục tiêu đào tạo, đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi HS. Sự hình thành các kiến thức được thực hiện qua các thao tác trí tuệ như phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hoá, khái quát hoá, giúp HS gắn kết lí thuyết môn học với các khoa học khác và đời sống.

Đặc trưng của kiến thức địa lí là tính không gian, hệ thống kiến thức địa lí được lựa chọn và đưa vào chương trình học ở nhà trường phổ thông rất cơ bản. Hệ thống kiến thức địa lí là hệ thống mở được tồn tại và phát triển trong mối quan hệ nhân quả, dựa trên kiến thức đã nắm bắt được HS có thể tiếp tục học tập và tham gia vào cuộc sống xã hội.

Trong những năm gần đây, các nhà tâm lí học và nghiên cứu phương pháp giảng dạy đã phân biệt ra hai loại kĩ năng: kĩ năng ban đầu, có trước kĩ xảo và kĩ năng hoàn thiện thường được hình thành sau khi có kĩ xảo (ngoài kiến thức và kĩ năng, kĩ xảo ban đầu có thêm kinh nghiệm thực tiễn và yếu tố sáng tạo).

Kĩ năng, nếu được thường xuyên rèn luyện và lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành kĩ xảo. Trong kĩ xảo, hành động của HS đã trở thành máy móc và có

tính chất tự động. Ví dụ: khi đọc bản đồ nếu HS biết đối chiếu các kí hiệu trên bản đồ với kí hiệu trong bảng chú giải để hiểu ý nghĩa của chúng thì họ đã có kĩ năng ban đầu về đọc các kí hiệu trên bản đồ, HS đã hình dung ra ngay được các đối tượng biểu hiện trên bản đồ mà không phải dò dẫm để giải mã các kí hiệu thì việc đọc bản đồ bước đầu của các em đã trở thành kĩ xảo.

Kĩ năng ban đầu có trước kĩ xảo và kĩ năng hoàn thiện thường được hình thành sau khi đã có kĩ xảo. Kĩ năng ban đầu thực chất là năng lực vận dụng tri thức vào hành động một cách đơn giản, còn kĩ năng hoàn thiện là loại kĩ năng đã có tính phức tạp cao hơn kĩ năng ban đầu, vì nó khó hơn, đòi hỏi HS phải có kinh nghiệm và mức độ sáng tạo nhất định trong hành động.

Trong địa lí, các loại kĩ năng có thể phân ra 4 nhóm:

Nhóm kĩ năng bản đồ, khai thác kiến thức địa lí tàng trữ trong bản đồ Nhóm kĩ năng làm việc với các số liệu thống kê, các tài liệu địa lí

Nhóm kĩ năng thực địa bao gồm quan sát, sử dụng các dụng cụ đo đạc... Nhóm kĩ năng học tập, nghiên cứu địa lí

Trong các nhóm trên, 3 nhóm kĩ năng ban đầu là những kĩ năng bắt nguồn từ các phương pháp nghiên cứu khoa học địa lí. Chỉ có nhóm kĩ năng thứ 4 là mang tính chất nhà trường.

Vì mỗi nhóm kĩ năng đều có tác dụng rèn luyện nên trong các bài thực hành địa lí nhất thiết phải rèn luyện cho HS cả 4 loại kĩ năng này.

Ví dụ: Đối với các loại bản đồ, HS phải biết cách sử dụng chúng để học tập, khai thác các tri thức địa lí (cả tự nhiên và kinh tế, xã hội) ẩn tàng trong đó. Đối với các số liệu thống kê và tài liệu địa lí, HS cần phải biết cách phân tích, xử lí, đánh giá và thông qua đó rút ra những kiến thức cần thiết về các hiện tượng và quá trình địa lí. Đối với học tập địa lí trước mắt HS cũng cần nắm được cách sử dụng bản đồ trong SGK, phân tích các bảng số liệu...

Rõ ràng, muốn vận dụng được tri thức vào hành động thì cần phải có kĩ năng, mà kĩ năng xuất phát từ kiến thức. Vì vậy, muốn hình thành cho HS

được kĩ năng, nhất thiết phải làm cho HS vừa có kiến thức lí thuyết vừa có kiến thức hành động. Thực hành là một loại bài học dạy về kĩ năng, trong đó có nhiệm vụ cung cấp kiến thức lí thuyết làm cơ sở cho kĩ năng, cung cấp kiến thức hành động của kĩ năng, và mở rộng kiến thức.

Như trên đã chỉ rõ, trong môn Địa lí ở nhà trường phổ thông có bốn loại kĩ năng cần phải từng bước rèn luyện cho HS. Trước hết là kĩ năng bản đồ, đây là loại kĩ năng quan trọng nhất và đặc trưng nhất của môn Địa lí, ngoài ra còn ba loại kĩ năng khác là kĩ năng quan sát và sử dụng một số phương tiện nghiên cứu ngoài thực địa, kĩ năng nghiên cứu, phân tích các tài liệu địa lí, kĩ năng có liên quan đến việc học tập môn địa lí của HS như: kĩ năng làm việc với SGK và các tài liệu tham khảo, kĩ năng làm bài tập thực hành.

Tương tự như việc nắm kiến thức, việc nắm các kĩ năng, kĩ xảo của HS cũng là một quá trình. Quá trình đó bao gồm các công việc phải làm theo một trình tự nhất định. Trước hết việc nắm kĩ năng, kĩ xảo của HS là một quá trình hành động theo mẫu (hoặc nếu không có mẫu thì phải được chỉ dẫn từng động tác theo trình tự nhất định). Nếu HS chưa tận mắt nhìn thấy cách thực hiện kĩ năng thì khó có thể hình dung được kĩ năng một cách đầy đủ.

Điều kiện thứ hai cũng hết sức cần thiết trong việc nắm kĩ năng của HS, đó là vấn đề phương tiện. Ví dụ: muốn nắm kĩ năng về bản đồ, không thể không có phương tiện triển khai kĩ năng là bản đồ hoặc muốn nắm kĩ năng khai thác tri thức địa lí từ tranh ảnh thì không thể không có tranh ảnh...

Cũng tương tự như việc nắm kiến thức, việc nắm kĩ năng của HS được thực hiện theo hai giai đoạn lớn: giai đoạn nắm lí thuyết và giai đoạn rèn luyện kĩ năng.

Trong giai đoạn nắm lí thuyết trước hết HS phải hiểu rõ mục đích của hành động, tức là biết kĩ năng sẽ thực hiện là kĩ năng gì? (ví dụ: vẽ biểu đồ hoặc phân tích số liệu, đọc bản đồ...), kĩ năng dùng để làm gì? (biểu hiện sự phát triển dân số hay cơ cấu xuất, nhập khẩu...), có tác dụng như thế nào trong việc

học tập địa lí? (minh hoạ cho một quá trình phát triển sản xuất hay nghiên cứu một hiện tượng kinh tế của một ngành hay một vùng...).

Sau khi đã nắm được những vấn đề trên, HS cần nắm được quá trình hành động của kĩ năng, ví dụ: tính toán hay phân tích, so sánh dựa trên các số liệu, các bản đồ nào và trình tự tiến hành ra sao? Tất cả những vấn đề trên là những vấn đề lí thuyết cần thiết cho việc nắm một kĩ năng mới.

Trong giai đoạn rèn luyện kĩ năng, trước hết HS cần được quan sát tận mắt ít nhất một lần việc thực hiện mẫu kĩ năng cần nắm, hoặc được chỉ dẫn từng động tác theo trình tự nhất định, sau đó mới tự mình thực hiện kĩ năng theo cách thức và quy trình đã biết. Cuối cùng, việc nắm kĩ năng của HS phải được kết thúc bằng việc rút kinh nghiệm, tổng kết, đánh giá.

Trong SGK Địa lí 12 (Chương trình Chuẩn), việc rèn luyện kĩ năng trong 9 bài thực hành bao gồm kĩ năng vẽ lược đồ Việt Nam, điền vào lược đồ trống một số dãy núi và đỉnh núi, kĩ năng đọc bản đồ địa hình, kĩ năng vẽ biểu đồ, phân tích, nhận xét và giải thích các bảng biểu, viết báo cáo ngắn theo chủ đề cho trước…

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng địa lí qua hướng dẫn học sinh làm các bài thực hành trong sách giáo khoa địa lí 12 thpt tỉnh thái nguyên.pdf (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)