Những biến đổi trong nền kinh tế

Một phần của tài liệu Làng bản cổ truyền của dân tộc tày ở huyện võ nhai thái nguyên.pdf (Trang 94 - 99)

7. Cấu trúc của đề tài

3.2.2. Những biến đổi trong nền kinh tế

Những chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, nhà nước qua các thời kỳ từ sau cách mạng tháng Tám cũng như những biến đổi về mặt không gian sinh tồn là những nguyên nhân cơ bản nhất làm cho kinh tế và đời sống vật chất của người Tày ở Võ Nhai có những thay đổi khá nhanh chóng so với giai đoạn đầu thế kỷ XX trở về trước.

Trước khi xét những chuyển biến trong kinh tế và đời sống vật chất của đồng bào, chúng ta hãy tìm hiểu về những quan hệ sản xuất đã được xác lập và thay đổi trong cộng đồng Tày từ năm 1954 đến nay. Bởi vì nó có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống kinh tế, vật chất cũng như các quan hệ trong làng bản. Năm 1954 là mốc đánh dấu miền Bắc nước ta được giải phóng và tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Theo chủ trương lúc đó, tiến lên chủ nghĩa xã hội trong nông nghiệp, việc quan trọng là phải dần xoá bỏ nền kinh

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

tế tiểu nông gia đình. Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp được phát động, thực hiện trên toàn miền Bắc. Gia đình mất dần vai trò là một đơn vị kinh tế độc lập. Mỗi bản được biên chế thành vài đội sản xuất nhỏ, rồi một bản thành một đội sản xuất. Khi phong trào hợp tác hoá đạt đến đỉnh cao thì hợp tác xã liên bản ra đời gồm vài bản gần nhau. Bản lúc này trở thành một đội sản xuất thuộc hợp tác xã. Mọi tư liệu sản xuất đều được công hữu hoá. Làng bản không còn chức năng điều tiết với mọi vấn đề của cộng đồng. Cơ cấu kinh tế của đồng bào do vậy đã thay đổi rõ rệt. Các nghề thủ công gia đình bị mai một nhiều. Có thể nói mô hình hợp tác xã nông nghiệp đã tỏ ra không mấy phù hợp với trình độ sản xuất của đồng bào. Nó kìm nén phần nào sức sản xuất của nông thôn vùng Tày.

Đường lối đổi mới của Đảng được đề ra tại Đại hội VI (1986) và nhất là chính sách Khoán 10 đã mang lại luồng gió mới cho kinh tế của người Tày ở Võ Nhai. Gia đình được xác lập lại như một đơn vị kinh tế tự chủ và nó đã nhanh chóng phát huy được vai trò truyền thống của mình. Xu hướng tư hữu hoá công cụ sản xuất và các tư liệu sản xuất khác ngày càng phát triển. Tư liệu sản xuất gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Các công cụ cơ bản do hợp tác xã quản lý trở về thuộc quyền quản lý của các gia đình. Các gia đình tích cực đầu tư mua sắm những trang thiết bị hiện đại như: Máy cày mini, máy kéo, máy xay xát…đã có một số nơi có sự liên doanh tự nguyện giữa các hộ gia đình chủ yếu là cùng dòng tộc. Họ hùn vốn để làm kinh doanh dịch vụ. Cũng như nhiều vùng nông thôn trên cả nước, nền kinh tế tiểu nông được tái lập và đang là chủ đạo trong vùng dân tộc Tày ở Võ Nhai. Nó phù hợp với trình độ phát triển của đồng bào và là động lực cho sự thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.

Trải qua rất nhiều những thăng trầm về kinh tế, văn hoá nhưng đến nay kinh tế nông nghiệp lúa nước vẫn là ngành kinh tế chủ đạo của người Tày ở

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Võ Nhai. Các ngành nghề khác vẫn chỉ mang tính chất phụ trợ, nông nghiệp lúa nước của đồng bào tính đến nay đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể về tất cả các mặt như: tư liệu lao động, cơ cấu giống lúa, năng suất và chất lượng lúa gao.

Như đã trình bày, chính sách Khoán 10 được thực hiện từ năm 1988 đã tác động tích cực tới nông nghiệp nông thôn trong vùng Tày ở Võ Nhai. Các gia đình được tự chủ về kinh tế nên phát huy tối đa khả năng lao động sáng tạo, trước nhất là trong nông nghiệp. Cơ cấu giống lúa và giống cây trồng nói chung có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Tỷ lệ các giống lúa lai có năng suất cao ngày càng được người dân đưa vào sản xuất. Cây chè được trồng mới ở một số nơi, cây thuốc lá vẫn được đồng bào ưa trồng. Các loại rau màu và một số cây ăn quả đều tăng cả về diện tích và sản lượng. Hiện nay trong các bản Tày như ở xã Vũ Chấn và Cúc Đường thì hầu hết các gia đình đã sắm được máy cày mini để phục vụ sản xuất nông nghiệp, thay cho sức trâu bò. Việc mua sắm máy móc của đồng bào được nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ cho vay vốn. Ngoài ra các lớp tập huấn về kỹ thuật cho đồng bào được tổ chức thường xuyên và miễn phí tại trung tâm các xã vùng cao.

Rừng và nghề rừng vẫn là thế mạnh của các xã vùng cao ở Võ Nhai. Chương trình 327 của Chính phủ được triển khai với kế hoạch giao đất, giao rừng tới từng hộ nông dân đã góp phần thúc đẩy kinh tế nghề rừng phát triển. Các loại cây lấy gỗ như keo, mỡ, bạch đàn được trồng nhiều, thêm vào đó là những loại cây công nghiệp như: trám, hồi…Điều này vừa bảo vệ được rừng, lấy lại được cân bằng sinh thái và cũng góp phần đáng kể tăng thêm thu nhập cho mỗi hộ gia đình. Tuy nhiên, do hiện trạng giao thông chưa được cải thiện nên sản phẩm nông lâm nghiệp do đồng bào làm ra có giá thành rất thấp và lại khó tiêu thụ. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho người dân ở khu vực này.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Ngành kinh tế chăn nuôi của người Tày những năm gần đây có nhiều nét mới so với chăn nuôi truyền thống của họ. Địa bàn chăn nuôi bị thu hẹp và sự xuất hiện của những chiếc máy cày mini, máy kéo đã làm cho đàn trâu trong các bản Tày suy giảm nhanh về số lượng. Tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng qua khảo sát ở vài nơi, chúng tôi thấy có rất ít gia đình còn nuôi trâu. Nếu có thì số lượng cũng ít, thường nhà có cũng chỉ từ 1 - 2 con. Đồng bảo chủ yếu nuôi với mục đích bán thịt thương phẩm. Phương thức chăn thả trâu đàn cũng gần như không còn. Việc tậu trâu không được coi là việc hệ trong đời đối với người dân như trước đây. Tuy nhiên với tiềm năng chăn nuôi của vùng còn khá thì việc chăn nuôi trâu như vậy là không tương xứng. Lợn, gà và một số loại vật nuôi khác đã thấy có sự tăng trưởng về số lượng trong vùng. Nhưng phương thức chăn nuôi tập trung chưa thấy phổ biến. Kỹ thuật chọn giống và kỹ thuật chăn nuôi chưa được cải tiến nhiều. Đồng bào vẫn chủ yếu chăn lợn, gà, vịt với quan điểm tận dụng thức ăn thừa cũng như phụ phẩm nông nghiệp và các loại thức ăn từ tự nhiên nên năng suất rất thấp. Một năm họ thường chỉ cho xuất chuồng từ 1-2 lứa lợn. Gia cầm còn thả rông tự nhiên nhiều. Một số gia đình Tày ở vùng thấp như thị trấn Đình Cả, xã Phú Thượng qua học hỏi kỹ thuật sản xuất đã đầu tư chăn nuôi lợn gà tập trung với những giống hiện đại nên năng suất khá cao. Đây sẽ là mô hình được phát triển nhân rộng trong thời gian không xa tại những địa bàn cư trú của người Tày.

Sự thâm nhập của nền kinh tế thị trường cũng như sự thay đổi trong tâm lý sản xuất của đồng bào đã làm cho những nghề chăn nuôi cổ truyền không còn tồn tại. Đó là nghê trồng dâu, nuôi tằm, thả cá ruộng. Nghề nuôi ong mật vẫn được duy trì và đang có cơ sở để phát triển. Tại một số xã phía bắc, người Tày đã có nghề mới là nuôi tắc kè. Nghề này xuất hiện từ việc đồng bào có thói quen bắt và sử dụng tắc kè tự nhiên để ngâm rượu và làm thuốc.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Nói chung, kinh tế nông nghiệp của người Tày ở Võ Nhai đã có những nét chuyển biến tích cực và đáng kể, năng suất và sản lượng tăng, do kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất được cải tiến đáng kể, cơ cấu giống có chuyển biến. Những hoạt động trong nền kinh tế nông nghiệp của đồng bào đã chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hoá phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Ở nông thôn vùng Tày các nghề tiểu thủ công nghiệp đã bị mai một rất nhiều. Nghề mộc và đan lát còn được duy trì nhưng phát triển theo quy mô gia đình nhỏ bé, chưa có tính chất sản xuất hàng hoá. Tại đa số các làng bản, một số nghề chế biến nông lâm sản đang được đồng bào quan tâm phát triển như: ép dầu thực vật, làm đường mật, làm đậu phụ, nấu rượu, xay xát gạo…Những nghề này đang khẳng định vai trò của nó trong nền kinh tế của đồng bào.

Rừng tự nhiên bị thu hẹp, lâm sản khan hiếm đã làm cho kinh tế tự nhiên của đồng bào không còn giữ được vị trí quan trọng như trước đây. Săn bắn chỉ còn là thú vui tiêu khiển. Sự khai thác quá mức và trái phép đã làm cho các loại hải sản nước ngọt cũng trở nên khan hiếm nhanh chóng. Kinh tế hái lượm vẫn giữ được một phần vai trò trong việc cải thiện bữa ăn của đồng bào. Mùa nào thức nấy, trong rừng hoặc ven sông suối vẫn cung cấp các loại rau sạch, măng, các loại nấm,…

Trao đổi buôn bán của người Tày ở Võ Nhai đã phát triển tấp nập hơn trước khá nhiều với các trung tâm thương nghiệp như thị trấn Đình Cả, La Hiên, các chợ khu vực cụm xã như Cúc Đường, Thượng Nung. Hiện nay, đồng bào có thể bán bất cứ sản phẩm gì do họ làm ra và mua bất cứ thứ hàng thiết yếu nào ngay trong bản của họ. Trong các bản đều có những hộ gia đình người Tày tham gia kinh doanh, luân chuyển hàng hoá, khi hệ thống giao thông liên xã được hoàn thiện thì việc trao đổi buôn bán của vùng dân tộc Tày

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

sẽ có điều kiện phát triển hơn rất nhiều. Đó là động lực cực kỳ quan trọng cho sự phát triển kinh tế của vùng, tránh bị tụt hậu quá xa so với các vùng khác trong huyện, trong tỉnh.

Như vậy, nền kinh tế của người Tày ở Võ Nhai đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sự biến đổi này đã diễn ra với một tốc độ chậm chạp. Đời sống kinh tế vật chất của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sản xuất hướng ra thị trường chưa có điều kiện phát triển. Cơ cấu kinh tế trong vùng tuy có chuyển biến nhưng chưa đủ mạnh để làm thay đổi diện mạo làng bản theo hướng phát triển hiện đại. Vùng này cần thêm nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà nước và sự chỉ đạo sát sao, linh hoạt của chính quyền địa phương.

Một phần của tài liệu Làng bản cổ truyền của dân tộc tày ở huyện võ nhai thái nguyên.pdf (Trang 94 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)