Những bài ca có cốt truyện

Một phần của tài liệu Yếu tố tự sự trong dân ca Tày (Trang 29 - 31)

7. Bố cục của luận văn

2.1.Những bài ca có cốt truyện

Với đặc trưng thuộc về loại hình trữ tình dân gian, dân ca Tày xuất hiện với chức năng chính là để biểu hiện diễn biến tâm trạng. Trong các bài ca này, nổi lên bình diện thứ nhất và tâm tư tình cảm của nhân vật trữ tình chứ không phải sự kiện khách quan. Hệ quả có thể suy ra từ điều này là sự xuất hiện của yếu tố trong một bài ca không phải là điều bắt buộc và lại càng không phải là yếu tố quyết định có thể chi phối. Nhưng khi tìm hiểu về dân ca Tày chúng tôi nhận thấy có rất nhiều bài ca chất tự sự kết hợp chặt chẽ với mạch trữ tình dàn trải. Điều đó đã đem đến một loại bài ca mà các âm hưởng chủ đạo hoàn toàn là trữ tình nhưng lại được bao bọc bởi cái vỏ bề ngoài đậm tính tự sự. Chúng tôi gọi đây là những bài ca có cốt truyện

Đó là những bài ca ghi chép sự việc tương đối hoàn chỉnh, hợp thành một thể thống nhất, có những chỗ bước đầu cấu thành tình tiết câu chuyện sinh động thú vị, thể hiện tương đối xuất sắc nghệ thuật tự sự.

Ở những bài ca này dù dài hay ngắn, ghi một phiến đoạn hay một trường diện của cuộc sống thì những sự kiện trong đó vẫn được kể lại tương đối hoàn chỉnh. Cho dù một người đứng ngoài khách quan kể lại hay chính người trong cuộc tự giãi bày tâm sự thì những bài ca này đều khắc hoạ nhân vật tương đối tinh tế, miêu tả cụ thể những sự kiện quan trọng bước đầu có dáng dấp câu chuyện, hé lộ sức sống của nghệ thuật tự sự trong loại hình trữ tình dân gian.

Yếu tố tự sự biểu hiện trong những bài ca có cốt truyện còn có thể chia nhỏ làm hai cấp độ biểu hiện: những bài ca có cốt truyện hoàn chỉnh và những bài ca có cốt truyện đơn giản.

Trước khi đi vào từng tiểu loại cụ thể, ở đây xin nói rõ về thêm về quan niệm cốt truyện trong thơ ca dân gian Tày.

Khi tìm hiểu thơ ca dân gian Nga, nhà nghiên cứu T.M Akimova cho rằng: “Trong bài hát trữ tình dân gian bao giờ cũng có cốt truyện cho dù cốt truyện có nhỏ kém phát triển tới đâu đi chăng nữa”.

Thực ra chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng có một số lượng lớn các bài ca trữ tình dân gian không có một chút tính tự sự nào và dù một số bài có yếu tố tự sự đi chăng nữa thì cũng không thể gọi là cốt truyện được. Xuất phát từ hai phương thức phản ánh cuộc sống khác nhau, cốt truyện trong dân ca khác xa so với cốt truyện trong các thể loại tự sự như: truyện cổ tích, truyện cười, truyện thơ... Nếu như trong các thể loại tự sự khác, cốt truyện là phương tiện chính để tạo ra các hiện tượng nghệ thuật, qua đó mở ra nội dung cơ bản của thể loại này thì trong các bài hát trữ tình dân gian, các tình huống cốt truyện lại là nguyên cớ để biểu đạt những tư tưởng tình cảm nhất định. Các tình huống cốt truyện, nếu có, trong các bài hát dân gian không phải là yếu tố chủ đạo xác định kết cấu. Ngược lại chính nó phụ thuộc vào yếu tố khác của kết cấu, đóng vai trò phụ thuộc. Mặt khác, theo đúng nghĩa của “Từ

điển thuật ngữ văn học”: “Cốt truyện là hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc loại hình tự sự và kịch” [88, 11].

Nếu đối chiếu vào dân ca Tày thì với ý nghĩa chặt chẽ nhất của khái niệm này sẽ không thể tồn tại một cốt truyện nào trong một bài ca cụ thể.

Như vậy, chỉ có thể hiểu một cách hết sức quy ước về yếu tố cốt truyện của thơ ca dân gian truyền thống. Về mặt nguyên tắc chúng không có cốt truyện đúng theo quan điểm và ý nghĩa của thuật ngữ này khi ta dùng cho tác phẩm tự sự. Tuy nhiên chúng ta cũng vẫn cần và có thể nói về tính cốt truyện mang màu sắc riêng có thể thấy trong một số bài ca có sự xuất hiện của yếu tố tự sự.

Một phần của tài liệu Yếu tố tự sự trong dân ca Tày (Trang 29 - 31)