6. Cấu trúc luận văn
3.2.3. Đối lập về bản chất của các đối tượng
Là một nhà thơ nổi tiếng với phong cách thơ giàu tính trí tuệ, bao giờ Chế Lan Viên cũng hướng đến khám phá những cái bên trong, tìm ra bản chất của đối tượng. Sử dụng màu sắc cùng với nghệ thuật tương phản là một trong những cách giúp ông thể hiện bản chất của đối tượng một cách rõ nét.
Trong cuộc đối đầu dưới đây:
Những cuộc cãi cọ giữa chân lí và bọ cầm cờ trắng, cờ đen nghiêng ngả Giữa cờ đỏ thiêng liêng và những kẻ đổi màu
(Tranh luận)
thì màu đỏ là biểu trưng của cách mạng, của chân lí nhân loại, của những ai kiên quyết giữ vững lập trường, còn màu trắng, màu đen biểu trưng cho những thế lực độc ác, tàn bạo, những kẻ a dua khi nghiêng bên này, khi lại thay đổi sang bên kia. Cách biểu đạt của nhà thơ giàu hình tượng và giá trị biểu cảm.
Trong bài thơ “Tóm truyện phim” ông kể lại câu chuyện của một con cừu đen giữa hai bầy cừu đen trắng. Vì muốn hòa nhập vào bầy cừu trắng, chú cừu đen lấy tuyết trắng phủ lên mình. Khi không được chấp nhận, chú trở về với bầy cừu đen, nhưng cũng không được vì người chú bây giờ lổ đổ, không còn đen như trước. Sự đối lập gay gắt giữa hai màu trắng đen cho thấy một điều: hãy giữ nguyên vẹn bản chất của mình, đừng cố che phủ bằng những thứ bên ngoài, bởi không ai chấp nhận những thứ ngoại lai như thế.
Khi nói về cuộc đời và sự cống hiến của người nghệ sĩ, Chế Lan Viên cũng dùng đến nghệ thuật đối lập:
Anh chụp ảnh đời trắng đen hay là ngũ sắc?
(Đọc thơ mạch ngầm văn bản)
Thi sĩ, anh sống trắng đen thôi mà anh cứ san ra những chiếc ảnh màu.
(Ảnh màu)
Sự đối lập giữa hai sắc trắng đen với nhiều màu biểu trưng cho lối sống bình dị, mộc mạc, hòa mình giữa cuộc sống đời thường của nghệ sĩ với sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật, tìm tòi và sáng tạo không ngừng. Người nghệ sĩ có thể sống giản đơn, tự hài lòng nhưng không được phép sáng tạo giản đơn.
Đối lập màu sắc cũng giúp thể hiện giá trị của sự vật:
Ngựa hồng! Có nó không? Anh mất nó bao giờ? Đầy rẫy ngựa bạch, ngựa ô… anh đều chán ghét
(Ngựa hồng)
Ngựa hồng là biểu tượng của sự quý giá, trái ngược với sự tầm thường của ngựa bạch, ngựa ô. Đây là cách mà Chế Lan Viên nói về bản chất của thơ: thơ phải hay, phải có giá trị, phải phản ánh được những thứ nhân loại cần, còn những lối viết tầm thường, đơn giản không làm nên nghệ thuật, và rồi cũng bị đào thải theo thời gian.
Nhận xét:
Thơ Chế Lan Viên thường nói đến sự đối lập. Ông phát hiện sự vật ở mọi chiều kích của nó, phản ánh sự đối lập ở mọi phương diện: giữa cái nhỏ bé với cái rộng lớn mênh mông; giữa bóng đêm tăm tối với bình minh chói lòa ánh sáng; giữa cái đói nghèo khổ đau với hạnh phúc yên vui, giữa hòa bình với chiến tranh; giữa cánh đồng vàng óng ả, cửa sổ sơn hồng với những vùng đất chết, vành đai trắng xóa; giữa quá khứ với hiện tại; giữa héo tàn với sinh sôi....
Khi sử dụng màu sắc với vai trò là một biểu tượng, Chế Lan Viên thường chú trọng khai thác, suy ngẫm về các quan hệ đối lập: giữa sự héo tàn với sinh sôi, giữa hình thức bên ngoài với nội dung bên trong, giữa những đối tượng mang bản chất trái ngược, giữa quá khứ với hiện tại và tương lai... Ông khai thác sự đối lập ở mọi khía cạnh: tình yêu, nội tâm, sự sống và cái chết, lối sống, những giá trị đáng trân trọng…Từ những mối quan hệ đối lập đó, nhà thơ thể hiện sự nhận thức rõ nét về cuộc sống ở bề chưa thấy, “ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa”. Có thể nói, bằng việc sử dụng biểu tượng màu sắc cùng với cách tư duy và thể hiện trên, Chế Lan Viên đã đem lại cho thơ những cách thể hiện mới lạ. Những ý tưởng và tình cảm trong thơ Chế Lan Viên nhờ đó trở nên gợi cảm hơn và tạo được dấu ấn lâu bền hơn trong lòng người đọc.