Hệ thống màu sắc trong thơ

Một phần của tài liệu biểu tượng màu sắc trong thơ chế lan viên (Trang 35 - 38)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Hệ thống màu sắc trong thơ

2.1.1.1. Tiêu chí thống kê

- Thứ nhất, trong quá trình khảo sát, chúng tôi chỉ thống kê các trường hợp màu sắc cụ thể thuộc các màu cơ bản gồm 9 màu: trắng (trắng, ngà, bạc, bạch), đen (đen, chì), đỏ (đỏ, đào, son, thắm, hồng), xanh (xanh, biếc, chàm, lam, bích, lục), vàng, hồng, tím, nâu, xám. Các màu sắc này chúng tôi nhận thấy tồn tại trong nhận thức của con người trên thế giới và ở Việt Nam. Quan niệm màu cơ bản của chúng tôi khác với lí thuyết về màu sắc của giải quang phổ ánh sáng mặt trời, vốn chỉ có 7 màu cơ bản (đỏ, vàng, cam, lục, lam, chàm, tím).

Chúng tôi loại trừ những trường hợp sau:

+ Từ đồng âm, chẳng hạn như: vàng, bạc (kim loại); son (son phấn); hồng, đào (chỉ hoa, trái), trắng (trong trắng)…

+ Các màu mang tính chất trừu tượng: màu biệt li, màu rách xé, màu lãng quên, màu hạnh phúc, màu nhớ nhung…

+ Màu sắc trong cách nói chung chung: Kia kìa nắng nở hoa muôn sắc (Đọc sách),

Mắt theo rõi tinh hoa bao màu sắc (Ta), Những sắc màu hình ảnh của Trần Gian (Tạo lập)…

- Thứ hai, trong thơ mình, Chế Lan Viên dùng từ “hồng” với hai ý nghĩa khác nhau: khi thì chỉ màu đỏ (cờ hồng, máu hồng…) khi thì chỉ màu hồng (phù sa hồng, viên gạch hồng, hoa phong lan hồng). Với từ “thắm”, có trường hợp ông dùng chỉ màu xanh (lá thắm, cành cây thắm…), có khi dùng chỉ màu đỏ (môi thắm, hoa thắm, sắc thắm…). Với các trường hợp này, chúng tôi vô cùng cân nhắc, đối chiếu kĩ lưỡng, xem xét ngữ cảnh văn bản để nhìn nhận chính xác ý nghĩa của nó.

- Thứ ba, con đường thơ của nhà thơ Chế Lan Viên bắt đầu khá sớm (năm 17 tuổi đã ra mắt tập Điêu tàn gây sửng sốt cho thi đàn bấy giờ) và kết thúc vào những ngày cuối đời, khi nằm trên giường bệnh. Cũng như bao nhà thơ khác, qua mỗi thời kì, chịu tác động của thời đại lịch sử, nội dung cũng như bút pháp Chế Lan Viên cũng có những thay đổi nhất định. Khảo sát, thống kê màu sắc trong tác phẩm Chế Lan Viên, chúng tôi chia làm ba thời kì:

giai đoạn trước Cách mạng tháng 8/1945 (1937 - 1945), giai đoạn chống Pháp và chống Mĩ xâm lược (1945 - 1975) và giai đoạn cuối đời (1975 - 1989). Như đã nói, ý nghĩa của biểu tượng không giới hạn ở một hay một số ý nghĩa mà luôn sinh sôi nảy nở những ý nghĩa mới khi đi vào từng nền văn hóa, từng lĩnh vực nghệ thuật. Đặc biệt, trong văn học, dưới sự cảm nhận và tư duy của từng nhà văn nhà thơ, biểu tượng lại phát sinh những ý nghĩa mới. Biểu tượng màu sắc trong thơ Chế Lan Viên cũng vậy. Chúng tôi chia sáng tác của ông thành ba thời kì nhằm tìm ra cách sử dụng màu sắc của nhà thơ trong từng thời kì có gì giống và khác nhau cũng như sự biến chuyển ý nghĩa màu sắc qua các thời kì đó.

2.1.1.2. Kết quả thống kê

Chúng tôi đã khảo sát 1017 tác phẩm thơ của Chế Lan Viên thuộc 12 tập thơ, và thu được kết quả như bảng dưới đây.

Bảng 2.1. Số lượng tác phẩm có từ chỉ màu sắc trong thơ Chế Lan Viên

Thời kì Số lượng tác phẩm khảo sát Số lượng tác phẩm có từ chỉ màu sắc Tỉ lệ (%) Số lượng màu sắc sử dụng Tổng tần số xuất hiện Tần suất 1937 – 1945 70 43 61,43 7 145 3,37 1945 – 1975 292 160 54,79 9 716 4,48 1975 - 1989 655 209 32,06 9 504 2,41 Tổng 1017 412 40,51 9 1365 3,31

Trong bảng trên, tỉ lệ là số lượng tác phẩm có từ chỉ màu sắc trên số lượng tác phẩm được khảo sát, tần suất là tần số xuất hiện trung bình của từ ngữ chỉ màu sắc trên một tác phẩm có màu sắc. Chẳng hạn, trong thời kì 1937-1945, tỉ lệ tác phẩm có từ chỉ màu sắc được tính là 43/70x100 = 61,43%, tần suất được tính là 145/43 = 3,37.

Để đánh giá việc sử dụng màu sắc trong thơ Chế Lan Viên một cách khách quan, người viết tiến hành đối chiếu với số liệu mà người viết khảo sát và thống kê được ở một số tác giả khác. Cụ thể như sau:

Bảng 2.2. Số lượng tác phẩm có từ chỉ màu sắc ở các tác giả khác

Tác giả Số lượng tác phẩm khảo sát Số lượng tác phẩm có từ chỉ màu sắc Tỉ lệ (%) Số lượng màu sắc sử dụng Tổng tần sốxuất hiện Tần suất

Xuân Diệu 100 68 68 9 179 2,63 Tố Hữu 100 74 74 9 318 4,30 Nguyễn Bính 100 59 59 8 199 3,37 Xuân Quỳnh 100 75 75 8 216 2,88 Nhận xét:

Có thể thấy, so với các tác giả khác, tỉ lệ tác phẩm có sử dụng màu sắc trên tổng số tác phẩm được khảo sát của Chế Lan Viên tương đối thấp. Tuy nhiên, tỉ lệ 40,51% cũng là con số đáng chú ý, cho thấy màu sắc cũng là yếu tố đáng quan tâm trong thơ ông.

Xét về tần số xuất hiện của màu sắc, ta thấy trung bình số lần xuất hiện màu sắc trên một tác phẩm của Chế Lan Viên là 3,31. Tỉ lệ này gần tương đương với Nguyễn Bính, cao hơn so với Xuân Diệu, Xuân Quỳnh và thấp hơn Tố Hữu.

Tuy nhiên, vấn đề mà luận văn quan tâm là tính biểu trưng của màu sắc được các tác giả sử dụng. Người viết đã thống kê số lượng từ chỉ màu sắc mang tính biểu trưng trong số những từ chỉ màu sắc xuất hiện. Kết quả như sau:

Bảng 2.3. Tần số từ chỉ màu sắc mang tính biểu trưng

Tác giả Tổng tần số từ chỉ màu sắc

Tổng tần số từ chỉ màu

sắc mang tính biểu trưng Tỉ lệ (%)

Chế Lan Viên 1365 665 48,72

Xuân Diệu 179 48 26,82

Tố Hữu 318 106 33,33

Nguyễn Bính 199 68 34,17

Xuân Quỳnh 216 47 21,76

- Thứ nhất, màu sắc là một nội dung được quan tâm trong tác phẩm thơ ca của các tác giả được khảo sát. Màu sắc được sử dụng khá đa dạng, phản ánh được đặc trưng của sự vật. Tuy nhiên, mỗi tác giả dùng một bảng màu với mức độ đậm nhạt khác nhau.

- Thứ hai, tỉ lệ từ ngữ chỉ màu sắc mang tính biểu trưng không tỉ lệ thuận với tổng số từ ngữ chỉ màu sắc của văn bản. Có tác giả dùng rất nhiều màu trong tác phẩm, nhưng chủ yếu với ý nghĩa biểu thị thuộc tính của sự vật.

- Thứ ba, Chế Lan Viên là một nhà thơ rất có ý thức trong việc dùng màu sắc để chuyển tải ý nghĩa hình tượng, ý nghĩa văn bản. Bảng màu của Chế Lan Viên có đầy đủ các màu trong hệ thống màu cơ bản cũng như các màu cụ thể khác. Hệ thống màu sắc trong thơ ông vừa có sự ổn định, vừa có sự thay đổi theo thời gian. Sự ổn định thể hiện ở chỗ: thứ nhất, một số màu sắc được ông dùng xuyên suốt trong các thời kì sáng tác, như màu đỏ, trắng, xanh; thứ hai, có những ý nghĩa biểu trưng của một số màu sắc không thay đổi. Còn sự thay đổi chính là việc cùng một màu sắc nhưng có thời kì ông dùng ít, có thời kì lại dùng nhiều, và ý nghĩa biểu trưng của một số màu sắc cũng thay đổi theo từng thời kì và tùy theo những vấn đề mà ông quan tâm thể hiện. Đặc biệt, số lượng từ chỉ màu sắc mang tính biểu trưng trong tác phẩm của Chế Lan Viên khá lớn, cao hơn hẳn những tác giả được khảo sát. Điều này càng cho thấy màu sắc trong thơ Chế Lan Viên không chỉ là một thuộc tính của sự vật được miêu tả mà còn có ý nghĩa khác. Những ý nghĩa cụ thể chúng tôi sẽ lí giải chi tiết ở phần sau.

Một phần của tài liệu biểu tượng màu sắc trong thơ chế lan viên (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)