Đối lập bên trong – bên ngoài

Một phần của tài liệu biểu tượng màu sắc trong thơ chế lan viên (Trang 74 - 75)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1.Đối lập bên trong – bên ngoài

Bằng trí tuệ sắc sảo và ngòi bút tài hoa, Chế Lan Viên biến mọi thứ trong tay mình thành những quặng vàng quý giá. Với màu sắc cũng vậy. Màu sắc vốn là thuộc tính bên ngoài của sự vật, nhưng qua cách tư duy độc đáo của ông, chúng có thể biểu hiện những đặc trưng bên trong một cách đặc sắc. Ông sử dụng thủ pháp tương phản giữa cái bên trong với cái bên ngoài, giữa nội dung và hình thức để biểu đạt nhiều điều.

Để khẳng định tình yêu chung thủy qua thời gian, ông đối lập giữa hai sắc trắng – đỏ:

Anh tặng em yêu chùm hoa sắc trắng Nhưng khi yêu, anh yêu đỏ hoa hồng Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ Mà bên ngoài vẫn cứ trắng như không

(Hoa trắng đỏ)

Trắng là màu của giản đơn, mộc mạc, đối lập với đỏ là màu của sự rực rỡ, nhiệt huyết. Dùng sắc trắng đối lập với đỏ là cách Chế Lan Viên biểu đạt sự khác biệt giữa vẻ bên ngoài với tình yêu bên trong, nhất là tình yêu ở độ tuổi chớm già. Tuổi trẻ yêu nồng nàn, sôi nổi và người ta có thể nhận ra tình yêu đó qua những biểu hiện bên ngoài. Với tuổi năm mươi, khi đã trải qua biết bao biến động của cuộc đời, khi đã cùng nhau chia bùi sẻ ngọt thì tình

yêu càng đằm thắm hơn, nồng nàn hơn, vững bền hơn. Tình yêu lắng sâu, mãnh liệt và kiên nhẫn cháy ở bên trong, dù cho bên ngoài lặng thinh, âm thầm. Dùng hai sắc trắng – đỏ với tính chất đối lập cao, Chế Lan Viên đã thể hiện thật giản dị một nội dung đặc sắc.

Chế Lan Viên có một cảm quan rất riêng về màu sắc. Từ những đặc điểm về mức độ phân sắc của màu, ông gán cho chúng những ý nghĩa rất riêng và cũng rất hợp lí. Như màu đỏ và tím trong bài “Hoa súng”:

Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc Chỉ lặng yên sắc tím để mà đau

Người ta chỉ biết màu sen anh đỏ rực Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu

Bằng thị giác, ta dễ dàng nhận ra sự nổi bật, rực rỡ, phô trương bên ngoài của màu đỏ. Còn màu tím lại gợi cho ta cảm giác ngược lại, sâu lắng, lặng im, âm thầm. Đối lập giữa hai màu tím và đỏ, Chế Lan Viên muốn nói đến những biểu hiện bên ngoài và nội tâm bên trong, nỗi lòng sâu lắng bên trong của con người. Người ta có thể dễ dàng nhận ra những thứ bên ngoài nhưng nội tâm bên trong với những buồn vui trăn trở, những hi sinh hay chịu đựng âm thầm thì khó ai có thể đồng cảm sẻ chia. Rõ ràng, chỉ dùng hai màu đỏ và tím, Chế Lan Viên cũng đã chạm đến những góc rất riêng của con người, chạm đến những điều rất nhân văn.

Thủ pháp đối lập cũng được vận dụng với hai màu trắng – tím nhằm thể hiện nội tâm:

Ôi hoa lau đường 9 Trắng làm chi anh buồn Giá được màu hoa tím Hẳn hồn nhẹ đau hơn.

(Hoa lau đường 9)

Màu trắng biểu trưng cho tang tóc, buồn thương. Sự tác động của màu trắng hoa lau trong một không gian ngút ngát khiến người ta cảm thấy lạnh lẽo, cô đơn. Ông dùng sắc tím để đối lập với màu trắng, đó là sắc tím của nội tâm, sắc màu của thinh lặng nhưng thấu hiểu. Màu tím này cũng xuất hiện nhiều trong giai đoạn cuối, trong những ngày nhà thơ bệnh nặng. Chính màu tím đã “chữa lành” ông khỏi những nỗi đau thể xác và tâm hồn.

Một phần của tài liệu biểu tượng màu sắc trong thơ chế lan viên (Trang 74 - 75)