Vai trò cố kết cộng đồng

Một phần của tài liệu Vai trò của đền bắc cung đối với đời sống tinh thần của cư dân huyện yên lạc, tỉnh vĩnh phúc (Trang 43 - 49)

Cộng đồng là gì? Mỗi con người chúng ta đang sống trong một cộng đồng. Cộng đồng là một nhóm xã hội của các cơ thể sống chung trong cùng một môi trường thường là có các mối quan tâm chung. Trong cộng đồng người mối quan tâm chung đó là kế hoạch, là niềm tin, là nhu cầu, nguy cơ và một số điều kiện khác có thể có và có ảnh hưởng đến đặc trưng và sự thống nhất của các thành viên trong cộng đồng.

Cộng đồng người là một tập hợp dân cư sinh sống trên cùng một lãnh thổ và do vậy họ thường có ý thức, tình cảm và sự thống nhất trong một địa phương và có khả năng tham gia những hoạt động mang tính tập thể vì quyền lợi của địa phương đó.

Xét theo quy mô thì cộng đồng được nhìn nhận ở nhiều cấp độ, từ vi mô như gia đình, dòng họ (theo nguyên tắc thân thuộc), làng xã (theo nguyên tắc láng giềng) đến cấp độ vĩ mô như dân tộc (theo nguyên tắc chính trị xã hội), tộc người (theo tiêu chí cùng chung nguồn gốc) và ở giữa là các cộng đồng mang tính trung gian như nông trường, xí nghiệp. Trong mỗi cộng đồng, con người có mối liên hệ với nhau, có sự gắn bó với nhau, có gắn kết tình cảm với nhau tạo thành tính cố kết cộng đồng.

Mỗi cộng đồng đều có mức độ gắn kết khác nhau và do đó hành vi của con người cũng khác nhau trước những tác động từ bên ngoài. Mỗi cộng đồng đều có và

cần có tác nhân để gắn kết, hay cố kết cộng đồng. Những tác nhân để cố kết cộng đồng gồm có tác nhân kinh tế, xã hội và tác nhân về tôn giáo.

Trong vấn đề kinh tế, theo giáo sư Phan Ngọc: người Việt Nam là những người của một dân tộc đắp đê. Sự ra đời của nhà nước cổ Việt Nam gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, những hiện vật của di tích Đồng Đậu đã thể hiện rất rõ điều ấy. Khai quật Đồng Đậu các nhà nghiên cứu thu được nhiều loại hình di vật rất phong phú với hàng vạn mảnh gốm thuộc các giai đoạn khác nhau. Nhiều công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức bằng đá, xương, sừng và bằng đồng; nhiều xương răng cá và thú vật; nhiều tượng hình động vật. Điều này cho thấy nền nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi đã xuất hiện và phát triển ở đây từ sớm, cũng cho thấy kinh tế Việt Nam là kinh tế nông nghiệp.

Để có thể phát triển nền nông nghiệp lúa nước, con người phải biết cách đắp đê và giữ đê, đặc biệt ở một nước có khí hậu nóng ẩm, nắng lắm mưa nhiều lại có hệ thống kênh rạch chằng chịt như nước ta. Vì vậy, để làm được điều ấy họ phải có một nhà nước, một chính quyền trung ương thống nhất kết hợp với sự tự nguyện của các công xã. Nhà nước hình thành do sự đoàn kết tự nguyện của mọi người để chống lũ lụt, vì nước dâng lên thì không chỉ anh chết mà tôi cũng chết. Điều này cho thấy cộng đồng người Việt Nam được hình thành từ rất sớm, từ chính những nhu cầu thiết yếu của buổi ban đầu sơ khai. Trong cộng đồng Việt, những khái niệm cụ thể như đất nước, làng xóm, gia đình là vô cùng quen thuộc. Sợi dây kết nối cộng đồng đó chính là những điểm chung nhất của cộng đồng. Đó chính là lợi ích. Lợi ích đó gồm có kinh tế, vật chất và cả tín ngưỡng, đời sống tinh thần.

Trong khía cạnh xã hội, con người Việt sống trong một tập thể sống được gọi là làng. Làng là một kiểu cộng đồng vừa mang tính chất địa vực vừa mang tính dòng họ. Bởi làng xưa kia chủ yếu được thành lập nên bởi các dòng họ. “Tâm lý cộng đồng làng xã mang tính cục bộ, địa phƣơng và hầu nhƣ không có tính cá nhân” [6; 135].

Cộng đồng làng xã với những đặc trưng riêng về địa vực, văn hóa, lối sống và có những mối liên kết cộng đồng riêng. Những làng liên kết với nhau thành xã,

thành tổng… thành một nước. Văn hóa làng xã là sợi dây kết nối cộng đồng của người Việt Nam. Trong một làng, người Việt có những quy chế riêng, luật lệ riêng, “phép vua còn thua lệ làng”, có những mối liên kết riêng trong cộng đồng. Chính vì vậy con người sống trong làng có mối quan hệ hết sức mật thiết. Mặc dù cá nhân con người trong làng có những xích mích, nhưng khi đã là việc làng thì mọi người đều có những đóng góp và tuyệt đối đoàn kết với nhau để đạt được kết quả tốt nhất. Sự liên kết của làng xã quay xung quanh những lợi ích về kinh tế, văn hóa, chính trị, tôn giáo tín ngưỡng.

Thứ ba, cộng đồng được kết nối bởi yếu tố tôn giáo. Bởi nước ta là một nước nông nghiệp, mọi hoạt động gắn liền với thiên nhiên trong thời kỳ hồng hoang, chính vì vậy mọi thế lực từ thiên nhiên là vô cùng to lớn. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của các tôn giáo nguyên thủy, của các tín ngưỡng mà nhân dân hiện nay còn gìn giữ.

Tín ngưỡng thể hiện niềm tin của con người đối với thế giới tâm linh. Đồng thời cũng thể hiện lòng mong muốn sự che chở, phù hộ từ những thế lực ấy. Cuộc sống hiện thực của con người càng nhiều bế tắc, con người càng tin tưởng vào thế giới tâm linh. Hơn thế nữa các tín ngưỡng còn thấm đậm truyền thống của người dân Việt. Chính vì vậy các loại hình tín ngưỡng còn tồn tại tới ngày nay. Tín ngưỡng, niềm tin vào thế giới tâm linh cũng chính là một trong những sợi dây kết nối cộng đồng. Bởi cộng đồng được kết nối bởi những lợi ích, quyền lợi. Thế giới tâm linh mang lại quyền lợi cho con người – an ủi tinh thần và xóa nhòa những nỗi đau.

Hiện nay có rất nhiều tôn giáo khác nhau, mọi người có quyền tự do tôn giáo. Chính vì vậy, nên tôn giáo, tín ngưỡng nào cho họ được niềm tin, sự thanh thản trong cuộc sống thì họ theo. Như chúng ta đã biết, tư tưởng của các tôn giáo, tín ngưỡng ngoại lai khi vào Việt Nam ta đều được dung hòa với nhau, dung hòa với tín ngưỡng bản địa, đồng thời tín ngưỡng bản địa cũng chịu tác động bởi các tín ngưỡng này. Ba tôn giáo ảnh hưởng sâu đậm nhất trong tư tưởng của người dân Việt Nam nói chung và cư dân Yên Lạc nói riêng là Tam giáo: Nho giáo, Phật giáo,

Đạo giáo. Tư tưởng của ba tôn giáo này đã sớm ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân Việt nói chung, ảnh hưởng, hòa quyện với tín ngưỡng bản địa. Ngược lai, tín ngưỡng bản địa cũng có ảnh hưởng tới ba tôn giáo lớn này.

Tư tưởng của Tam giáo ăn sâu vào ý thức của nhân dân Việt, đồng thời hòa quyện vào nhau khó có thể phân biệt được. Trong ý thức của nhân dân Việt thì có nhân ắt có quả, sống phải hướng thiện, phải biết tích đức cho con cái sau này, đó là ý thức của đạo Phật. Sống phải biết trung quân ái quốc, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết nghe lời người lớn, biết trọn đạo vợ chồng, đó là ý thức của Nho giáo. Tu luyện cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn là tư tưởng của Đạo giáo. Những ý thức này hòa quyện vào nhau trong ý thức hệ của người dân Việt. Những ảnh hưởng của ba tôn giáo lớn này thể hiện không chỉ ở nhân sinh quan mà còn thể hiện trong chính các loại hình kiến trúc tôn giáo như đình, đền.

Sự hòa nhập về các tư tưởng trong tôn giáo khiến cho con người cảm thấy sự hòa đồng trong mọi không gian tôn giáo khác nhau.

Đền là một trong các loại hình kiến trúc tôn giáo. Đền là nơi tồn tại của tín ngưỡng dân gian – thờ thánh. Người dân đến với đền là để cầu cúng, cầu xin những điều tốt đẹp, xua đuổi những điều xui rủi. Đó chính là lợi ích mà họ có thể thấy khi đến cửa đền. Mọi người đến đền để cầu xin không chỉ cho mình mà còn cho cả người thân những điều tốt đẹp. Khi đến với đền, đặc biệt là trong những ngày lễ tiết, số lượng người đến lễ đông, tại đây, họ có thể trao đổi với nhau những câu chuyện, những ước mong, những kinh nghiệm sống… với nhau. Thậm chí còn có thể hợp tác với nhau.

Tại đền Bắc Cung, sự hòa quyện của Tam giáo là vô cùng rõ nét. Sự hòa quyện của Tam giáo và tín ngưỡng cũng được thể hiện khá rõ ràng qua loại hình kiến trúc tôn giáo này.

Đền là nơi thờ Thánh, ở đây là đức thánh Tản Viên Sơn. Đó là tín ngưỡng dân gian của nhân dân ta. Tuy nhiên trong đền, bên trái có chùa thờ đức Phật tổ, đó là ảnh hưởng của Phật giáo; các hoành phi câu đối, các văn tự cổ của đền được viết bằng chữ Hán, đó là ảnh hưởng của Nho giáo. Chính sự đồng điệu, hòa hợp của các

tôn giáo trong một loại hình kiến trúc tôn giáo, đặc biệt là sự hòa quyện các tư tưởng của các tôn giáo trong chính tư tưởng của nhân dân đã tạo nên sự thân thuộc trong hệ tư tưởng. Điều này khiến cho con người dễ thích ứng và hòa nhập, tạo nên cảm giác thân quen. Trong tư tưởng của nhân dân Việt nói chung “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một loài”. Chính vì vậy khi cùng tư tưởng, cùng chung một mục đích và lợi ích, con người có thể đến gần với nhau hơn.

Tư tưởng người Việt nói chung và cư dân Yên Lạc nói riêng có rất nhiều điểm chung. Đó là sự ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng khác nhau, nhưng những luồng tư tưởng đó lại hòa nhập với nhau, hòa nhập trong tư tưởng thuần nông bản địa, tạo nên một hệ tư tưởng riêng và ăn sâu vào trong tiềm thức của con người. Họ chịu ảnh hưởng rất nhiều của tam giáo như ngày rằm họ lên chùa thắp hương, ngày giỗ họ làm cỗ cúng ông bà tổ tiên, dịp hội đền họ mang lễ lên đền cầu khấn. Tháng tám hội cha tháng ba hội mẹ, họ cau trầu lễ vật tới phủ các cô, các cậu cầu xin. Ở nhà họ tập Yoga, tập thể dục cho thân thể khỏe mạnh… Hiện nay, ở Yên Lạc còn có một bộ phận chịu ảnh hưởng của Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, tư tưởng của Thiên chúa giáo không có tác động nhiều đến hệ tư tưởng chung của cư dân nơi đây.

Đền Bắc Cung quy tụ đầy đủ tất cả những yếu tố tư tưởng trong nhân dân, thỏa mãn đầy đủ những yêu cầu về tâm linh và sinh hoạt tinh thần của cư dân Yên Lạc. Chính vì vậy, con người Yên Lạc có ý thức rất rõ nét về vai trò của đền Bắc Cung đối với đời sống tinh thần của mình.

Điều đặc biệt là hàng năm, vào mồng 6 tháng Giêng âm lịch, UBND xã và BQLDT đền Bắc Cung tổ chức lễ hội nhằm tri ân với đức thánh Tản Viên, đồng thời cũng là dịp để người dân có thể vui chơi sau một năm lao động mệt nhọc.

Lễ hội đền Bắc Cung có vai trò cố kết cộng đồng. Lễ hội là dịp vui chơi, là nơi đông người nhộn nhịp, được tổ chức sau thời gian lao động, sản xuất, đồng thời để ghi nhớ công ơn Đức thánh Tản Viên Sơn, Người có công lao to lớn đối với nhân dân trong vùng. Đây là sự kiện của cả cộng đồng dân cư Yên Lạc chư không phải là chuyện của riêng một ai. Chính vì vậy người dân tham gia rất náo nhiệt, đóng góp

công sức cho lễ hội thêm phần đặc sắc. Trong lễ hội mọi người có thể cảm thấy mình bình đẳng với tất cả mọi người, đều là người được sự che chở của Đức thánh, không bị Ngài bỏ rơi. Theo lời của một cụ ông trong đền, đối với xã hội xưa kia, lễ hội Bắc Cung là dịp để cho tất cả mọi người cùng vui chơi. Đó còn là niềm động viên đối với bộ phận người dân nghèo quanh năm lam lũ. Trong lễ hội, mỗi con người có ý thức chung về về sự bình đẳng về nghĩa vụ cũng như quyền lợi của mình trước đức Thánh. Bởi lễ hội tuy phát triển từ giai đoạn xã hội có giai cấp nhưng tính bình đẳng trong lĩnh vực này là nguyên tắc hàng đầu trong văn hóa ứng xử ở đây. Lễ thánh của làng được đóng góp theo xuất đinh, không phân biệt giàu nghèo. Chính vì vậy ai cũng nhận được sự bảo trợ của Thánh như nhau. Điều này thể hiện ở việc “thụ lộc thánh” hoặc quyền cầu xin thánh phù hộ của mỗi người, ai cũng có quyền nói lên ước mơ chính đáng của mình trong cuộc sống.

Cuộc sống hiện nay tuy đã khác xưa kia, tuy nhiên, nhu cầu về vui chơi giải trí không vì thế mà mất đi. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường khiến đời sống kinh tế của người dân ngày càng đi lên. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, đó là điều tất yếu của mọi xã hội. Sự phát triển của kinh tế dẫn đến nhu cầu tâm linh ngày càng cao của cư dân Yên Lạc. Lễ hội đền Bắc Cung đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tinh thần, giải quyết những khát khao, mơ ước của cộng đồng cư dân Yên Lạc. Thông qua lễ hội, cư dân Yên Lạc còn có niềm tin lạc quan yêu đời, yêu đời, yêu chân lý, nhân văn để khi rời khỏi không gian lễ hội, trở về cuộc sống đời thường, con người cảm thấy thỏa mãn hơn trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh, đặc biệt là sự giao lưu. Điều này làm cho đời sống tâm linh cũng như hiện thực trở nên tốt đẹp hơn.

Điều này thể hiện qua số lượng người tới viếng thăm đền vào dịp lễ hội, đặc biệt là số lượng người tới thắp hương làm lễ tại đền. Đền Bắc Cung mở cửa và phục vụ nhu cầu tâm linh cho người dân vào tất cả các ngày trong năm. Điều này cho thấy số lượng người tới chiêm bái vào những ngày lễ tiết là vô cùng lớn, cùng với đó là niềm tôn kính và biết ơn, sự tin tưởng vào sự mầu nhiệm của Đức thánh Tản Viên Sơn, Người đã có công với cư dân nơi đây.

Ngoài ra, lễ hội đền Bắc Cung còn là dịp để cư dân nơi đây có thể hòa nhập cùng các lễ hội, được hóa thân vào các trò chơi. Tất cả mọi người đều được hưởng lễ vật mà mình dâng cúng, đều tham gia các hoạt động vui chơi giải trí trong quá trình hoạt động lễ hội.

Trong lễ hội đền Bắc Cung có các trò chơi tiêu biểu như đả ngư, cờ người, kéo co… Những trò chơi này cần có sự đoàn kết, khéo léo và sức khỏe của mỗi thành viên trong đội, sự cổ vũ động viên của những người tới xem. Đây không chỉ là tái hiện lại lịch sử của địa phương mà còn là niềm vui trong ngày hội của con người. Những trò chơi là một trong những yếu tố để con người, đặc biệt là trong xã hội ngày nay đến tham gia cùng các lễ hội.

Trong lễ hội, con người có thể giao lưu giữa các làng, các địa phương khác nhau. Tuy quan niệm “trống làng nào làng ấy đánh – Thánh làng nào làng ấy thờ” nhưng trong niềm vui chung của toàn thể địa phương, tất cả người dân Yên Lạc có thể chung tay xây dựng cộng đồng giàu đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.

Như vậy đến với yếu tố tôn giáo, con người luôn cảm thấy bình đẳng về lợi ích. Tôn giáo, hay nói đúng hơn là thế giới tâm linh, yếu tố tinh thần là sợi dây kết nối cộng đồng vô cùng quan trọng, đặc biệt là một dân tộc coi trọng truyền thống tín ngưỡng như dân tộc Việt ta.

Sự bình đẳng trong quyền lợi, thỏa mãn được nhu cầu về tinh thần và tâm linh, cùng chung trách nhiệm là những tiêu chí để đền Bắc Cung có thể gắn kết người dân Yên Lạc với nhau.

Một phần của tài liệu Vai trò của đền bắc cung đối với đời sống tinh thần của cư dân huyện yên lạc, tỉnh vĩnh phúc (Trang 43 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(59 trang)