Đây là vùng có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị nhanh nhất cả nước, trung tâm là thành phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp, đô thị lớn. Là trung tâm thương mại, xuất khẩu, viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng, khoa học và công nghệ, văn hóa, đào tạo đối với khu vực phía Nam và cả nước. Phát triển công nghiệp khai thác dầu khí; sản xuất điện, phân bón và hóa chất, nhiều khu chế xuất, khu công nghệ cao. Giống như với Hà Nội, cần phối hợp giữa quy hoạch đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh với quy hoạch vùng theo hướng tập trung ưu tiên cho thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệm các chức năng cao cấp, phân cấp các chức năng sản xuất và dịch vụ thông thường cho toàn vùng. Phân tán các khu công nghiệp, khu dịch vụ, trung tâm khoa học, các khu dân cư ra các thành phố vệ tinh trên toàn vùng.
Xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và hệ thống đô thị nông thôn nhằm cung cấp hợp lý lao động, nông sản, nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Hình thành các vùng nông nghiệp đa chức năng phục vụ đô thị theo hướng dãn các khu đô thị vệ tinh và các khu công nghiệp về nông thôn. Xây dựng một số trung tâm công nghệ cao thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế phát triển trang trại, gia trại, doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất thâm canh quy mô lớn cây công nghiệp như cao su, cà phê, hạt tiêu,… cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày kết hợp với chăn nuôi công nghiệp lợn, gia cầm và gia súc. Huy động cư dân nông thôn và doanh nghiệp tham gia phát triển rừng phòng hộ, môi trường ven biển và đầu tư phát triển rừng sản xuất. Định hướng nông nghiệp chung là: phát triển vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu và cây ăn quả; phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô công nghiệp; phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản vùng triều, trên biển, hệ thống sông, hồ chứa; đẩy mạnh chế biến nông lâm sản, dịch vụ; xây dựng cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn tiên tiến.
Nông nghiệp: phát triển vùng cây công nghiệp hàng hóa có lợi thế như: cao su, điều, hồ tiêu, cà phê, mía đường, sắn và cây ăn quả chuyên canh tạo thành vùng nguyên liệu quy mô lớn gắn với chế biến. Nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản; Phát triển vùng cây trái kết hợp du lịch sinh thái. Phát triển chăn nuôi bò, bò sữa, lợn, gia cầm tập trung nuôi công nghiệp cung cấp cho vùng trong các thành phố lớn.
Lâm nghiệp: phát triển và bảo vệ các diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Bảo vệ các khu rừng đặc dụng kết hợp phát triển du lịch
sinh thái, nghỉ dưỡng. Phát triển trồng rừng sản xuất thâm canh với các loài keo lai, bạch đàn, cây họ dầu, cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật,… nhằm đáp ứng một phần nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu trong vùng. .
Thủy sản: phát triển nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa, vùng ven biển, trên biển và ven đảo với các sản phẩm chủ lực là tôm sú, rô phi, và nhuyễn thể. Phát triển các loài thủy đặc sản như baba, lươn, cá sấu, ếch, phục vụ tiêu dùng tại chỗ. Phát triển nuôi cá cảnh phục vụ du lịch và xuất khẩu. Hình thành vùng sản xuất giống thủy sản mặn lợ, chất lượng cao ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Xây dựng các đội tàu khai thác viễn dương đánh bắt cả thu, cá chim..., ghẹ, tôm, mực nang, mực ống. Xây dựng phát triển các khu bảo tồn biển và nội địa. Hình thành các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Đảo Phú Quí (Bình Thuận), Côn Đảo, Cát Lở (Bà Rịa, Vũng Tàu) và ven biển Bà Rịa, Vũng Tàu. Nâng cấp, phát triển hệ thống nhà máy chế biến.
Phát triển nông thôn: phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Mô hình phát triển nông thôn chính là cụm dân cư gia trại, trang trại kết nối với đô thị. Phát huy lợi thế sản xuất hàng hóa lớn với các cây công nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của trang trại, gia trại liên kết với hệ thống các nhà máy chế biến nông sản. Xây dựng các đô thị vừa và nhỏ cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cho trang trại, gia trại và doanh nghiệp. Mô hình này sẽ tạo ra một mô hình nông thôn với nông nghiệp hiện đại, công nghiệp chế biến phát triển. Để có thể tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp lớn, cần có chính sách đầu tư thích đáng để đào tạo, hỗ trợ thu hút một lượng lớn lao động nông thôn chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phục vụ công nghiệp và đô thị.