Đồng bằng sông Hồng

Một phần của tài liệu CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011- 2020 (Trang 54 - 56)

Đây là vùng kinh tế trọng điểm phát triển các khu công nghiệp, công nghệ cao, xuất khẩu (công nghiệp điện tử, thông tin, cơ khí, luyện kim,…); các dịch vụ tri thức cao về đào tạo, khoa học và công nghệ, thương mại,... Sẽ hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng, trước hết là các tuyến trục quốc lộ và liên tỉnh lộ trên toàn vùng, hoàn chỉnh các cảng Hải Phòng, Cái Lân và các sân bay quốc tế. Cần phối hợp với công tác xây dựng quy hoạch và chiến lược đô thị để xác định đúng vai trò của thành phố Hà Nội theo hướng tập trung vào thực hiện các chức năng chính của thủ đô (trung tâm hành chính, thực hiện các dịch vụ cao cấp). Các chức năng sản xuất, cung cấp dịch vụ thông thường, gắn với các khu đô thị là nơi cư trú của thị dân sẽ được phân tán ra các đô thị vệ tinh lan tỏa ra toàn Đồng bằng sông Hồng. Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn với quy hoạch phát triển Hà Nội, các đô thị cấp 2 lớn và các khu công nghiệp trong vùng.

Định hướng nông nghiệp chung là: sản xuất thâm canh lúa đặc sản, rau, hoa và cây trồng vụ đông; phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm; nuôi thủy sản nước lợ, nước ngọt và nuôi hải sản trên biển; phát triển khai thác hải sản Vịnh Bắc bộ vùng đánh cá chung Việt Nam- Trung Quốc và thương mại thủy sản với Trung Quốc; phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới và

dịch vụ; lâm nghiệp chú trọng trồng cây phân tán, khôi phục rừng ngập mặn ở vùng thuận lợi.

Phát triển nông nghiệp thâm canh cao. Nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, từng bước xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao. Cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho các thành phố và cho vùng. Phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại tập trung thâm canh lúa, màu trên quy mô trung bình và lớn, phát triển các vùng rau, hoa, tổ chức lại chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp trên địa bàn tập trung ngoài khu dân cư, phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ ven biển. Trồng rừng phòng hộ môi trường, đô thị, khu công nghiệp và rừng phòng hộ ven biển. Củng cố và phát triển hệ thống giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương và cải tiến quản lý để đảm bảo hiệu quả khai thác, sử dụng tổng hợp hệ thống thủy lợi.

Nông nghiệp: Phát triển vùng lúa hàng hoá, rau, hoa chất lượng cao, đẩy mạnh canh tác vụ đông. Phát triển và xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả đặc sản, phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng công nghiệp, tập trung gắn liền cơ sở giết mổ, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Lâm nghiệp: Bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới, phát triển rừng phòng hộ ven biển. Phát triển trồng cây xanh trong các khu dân cư, khu đô thị, công nghiệp, trồng cây phân tán ở nông thôn để tạo môi trường sống xanh sạch đẹp.

Thuỷ sản: Chuyển nuôi trồng thủy sản nước ngọt từ ao hồ nhỏ ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản tập trung trong các trang trại, áp dụng tiêu chuẩn GAP và CoC trong nuôi thủy sản để đạt năng suất, hiệu quả cao, phát triển nuôi trồng sinh vật cảnh, đặc biệt cá cảnh biển. Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ và viễn dương, chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ và trong nội địa sang các hoạt động kinh tế khác, hình thành hai trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Hải Phòng là Cát Bà và đảo Bạch Long Vĩ.

Phát triển nông thôn: đến năm 2020 phấn đấu 70% số xã trong vùng đạt xã nông thôn mới. Đẩy mạnh đào tạo nghề lao động để chuyển một phần đáng kể lao động sang phục vụ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Hình thành các khu dân cư và thị trấn, thị tứ ở nông thôn phục vụ lao động và dịch vụ cho hoạt động công nghiệp và kinh tế đô thị lớn của vùng. Phát triển nông

nghiệp đa chức năng (sản xuất, cảnh quan, môi trường, du lịch, văn hóa), kết hợp hài hòa không gian nông thôn, nông nghiệp và không gian đô thị, công nghiệp. Thực hiện li nông bất li hương, tăng thu nhập và tạo việc làm cho phần lớn cư dân nông thôn từ hoạt động phi nông nghiệp.

Bốn mô hình phát triển nông thôn chính cho vùng này là:

- Mô hình làng nghề nông thôn tách bạch giữa khu dân cư và khu sản xuất. Không gian làng được hiện đại hóa về hạ tầng, nhưng cần gìn giữ các đặc trưng về kết cấu không gian, kiến trúc thôn quê, các công trình văn hóa, tâm linh. Sản xuất nghề truyền thống được đưa vào khu qui hoạch, tạo ra không gian sản xuất chuyên nghiệp, để chuyển làng nghề ra khỏi không gian cư trú. Khu qui hoạch sản xuất làng nghề cần có hạ tầng tốt để xử lí môi trường, dịch vụ kinh doanh… - Mô hình làng nông thôn truyền thống gắn với các trang trại nông nghiệp tại những vùng có lợi thế sản xuất nông nghiệp. Làng nông thôn hạ tầng hiện đại, là chỗ cư trú cho dân cư sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp. Bên ngoài làng là các trang trại nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…) sản xuất tập trung và khu qui hoạch công nghiệp dịch vụ với các cơ sở chế biến thóc gạo, thực phẩm.

- Mô hình đô thị nhỏ gắn với các làng truyền thống ở những vùng mật độ dân cư cao, không có các nghề phụ và khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Tạo ra không gian chung: sản xuất công nghiệp, dịch vụ gắn với không gian nông thôn truyền thống. Thị tứ, thị trấn với hạ tầng tốt, có công nghiệp, dịch vụ phát triển thu hút lao động nông thôn. Những mô hình nông thôn này dựa trên liên kết các làng (cung ứng lao động, thực phẩm, không gian nghỉ ngơi...) cho các đô thị nhỏ và công nghiệp. Đổi lại công nghiệp sẽ cung cấp việc làm, thị trường cho các làng này.

- Mô hình nông thôn ven đô gắn với du lịch, khu vui chơi giải trí, tạo ra một không gian nông thôn giàu bản sắc văn hóa địa phương và có môi trường sinh thái sạch đẹp dành cho nghỉ ngơi, cư trú. Xây dựng các đô thị vệ tinh để giảm tải cho thành phố Hà Nội. Người dân đô thị có thể sống trong không gian thôn quê. Người dân nông thôn làm việc ở đô thị... Để xây dựng mô hình này, cần xác định các vành đai nông thôn cho các nhu cầu cư dân đô thị, hỗ trợ cho cư dân nông thôn tham gia vào xây dựng cơ sở dịch vụ cung ứng cho đô thị.

Một phần của tài liệu CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011- 2020 (Trang 54 - 56)