Hồ Chí Minh quyết định chọn Cao Bằng làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng

Một phần của tài liệu Quá trình chuẩn bị lực lượng và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở tỉnh Cao Bằng 1941-1945 (Trang 56 - 61)

QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ LỰC LƢỢNG TIẾN TỚI KHỞI NGHĨA VŨ TRANG GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1941 – 3-1945)

2.2.1.Hồ Chí Minh quyết định chọn Cao Bằng làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng

cứ địa cách mạng

Từ cuối năm 1938, đón trước sự chuyển biến của tình hình thế giới, Hồ Chí Minh rời Liên Xô qua Trung Quốc về nước. Nhưng “cơn lốc” của cuộc chiến tranh thế giới làm gián đoạn hành trình của Người, buộc Người phải ở lại Trung Quốc một thời gian, tham gia các hoạt động chống Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đầu năm 1940, Hồ Chí Minh về Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) để bắt liên lạc với bộ phận hải ngoại của Đảng. Tháng 6-1940, Pháp thua Đức, Người nhận định đây là cơ hội thuận lợi cho cách mạng nước ta. Người quyết định gọi Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đang trên đường đi Diên An quay

lại, cùng Người và một số cán bộ đang hoạt động ở Trung Quốc chuyển về Quảng Tây, chuẩn bị về nước.

Tháng 12-1940, tại Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc), Hồ Chí Minh đã gặp Hoàng Văn Thụ được Trung ương cử ra đón Người. Trong buổi gặp gỡ tại làng Tân Khư (Tĩnh Tây), Hoàng Văn Thụ báo cáo với Hồ Chí Minh về phong trào cách mạng trong nước, về Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, bảy và đề nghị Người về nước sẽ vào hướng Cao Bằng. Sau khi nghe báo cáo, Người chỉ thị đồng chí Hoàng Văn Thụ kíp về nước ngay để bàn với Ban Chấp hành Trung ương lâm thời chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ tám.

Khoảng thời gian nói trên, Hồ Chí Minh tiếp xúc với đoàn cán bộ Cao Bằng hơn 40 người từ trong nước ra, đang ở Tĩnh Tây. Trong đoàn có Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang… Qua tìm hiểu, Người đánh giá cao vị trí của Cao Bằng. Trước đây, khi lựa chọn xem xét các điều kiện, Người định chọn Lao Cai làm chỗ đứng chân khi về nước hoạt động. Nhưng nay Người quyết định chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng. Người nói: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra nhiều triển vọng lớn lao cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc

quốc tế rất thuận lợi” [51, tr.34]. Do đó, Hồ Chí Minh quyết định vào Cao

Bằng, chủ trương xây dựng Cao Bằng làm chỗ đứng chân cho cách mạng. Để phát huy tốt với vai trò là căn cứ địa cách mạng, đặc biệt với trung tâm căn cứ địa đầu não, Hồ chí Minh nhấn mạnh; “Từ Cao Bằng còn phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được, có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh

vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ ” [51, tr.34].

Như vậy, trên bước đường cách mạng lâu dài, gay go, tiến tới giải phóng toàn bộ đất nước, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề phải xây dựng căn cứ địa cách mạng làm điểm tựa ban đầu, để xây dựng lực lượng và làm bàn đạp cho khởi

nghĩa võ trang giành chính quyền. Ngoài ý nghĩa trên, chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng, Hồ chí Minh còn nhằm “lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế ”. “Đồng minh gần nhất và có quan hệ mật thiết đến việc chống Nhật ở Việt Nam là Trung Quốc” [71, tr.95].

Trong khi đó, Trung ương Đảng cũng chủ trương xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Do yêu cầu tất yếu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta sẽ “được kết liễu bằng cuộc khởi nghĩa vũ trang”, hai khu căn cứ địa cách mạng đã ra đời. Chính từ hai khu căn cứ này phát triển rộng ra, mấy năm sau thống nhất lại thành Khu giải phóng - một hình thái phát triển hoàn chỉnh của căn cứ địa Việt Bắc.

Để chuẩn bị cho công tác xây dựng căn cứ địa Cao Bằng, Hồ Chí Minh chủ trương mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ trong một tuần lễ tại Nặm Quang và Ngàm Tảy (thuộc Bình Văn, Tĩnh Tây, Trung Quốc) cho hơn 40 cán bộ, đảng viên Cao Bằng. Đây là lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh đầu tiên của nước ta.

Nội dung học gồm những vấn đề tình hình thế giới và trong nước về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại; chương trình, điều lệ, cách thức tổ chức các hội cứu quốc; các bước công tác: điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh. Hồ Chí Minh, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh đã trực tiếp giảng dạy lớp học này [47, tr.247-248]. Các bài giảng tại lớp huấn luyện này, đã được Hồ Chí Minh sau đó bổ sung hoàn chỉnh trong tác phẩm mang tên “Con đường giải phóng” - có tác dụng trang bị lí luận cách mạng, phương pháp cách mạng cho cán bộ đảng viên trước hết là ở Cao Bằng. Trong tác phẩm “Con đường giải phóng”, Hồ Chí Minh còn chỉ ra: Khởi nghĩa có thể nổ ra ở một vài địa phương rồi lan nhanh ra khắp cả nước.

Ngày 28-1-1941, Sau 30 năm bôn ba, hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Bước đầu Người chọn Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) làm nơi ở và làm việc. Tại Pác Bó, với bí danh Già Thu, Người đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ địa Cao Bằng. Từ đây, Pác Bó với ngọn núi Các Mác, dòng suối Lênin do Người đặt tên đã đi vào trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc ta, gắn liền với đời hoạt động của Người.

Ở Pác Bó, cuộc sống của Người rất gian khổ, thiếu thốn, song Người vẫn lạc quan cách mạng:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang

(Tức cảnh Pác Bó) [13, tr.33].

Tại Pác Bó, Người liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện về tổ chức các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh cho cán bộ người Cao Bằng, đồng thời Người bắt tay vào việc chỉ đạo thực hiện Chương trình thí điểm Mặt trận Việt Minh và tổ chức các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận tại các châu Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình.

Phong trào Việt Minh đã thâm nhập vào từng chòm xóm, làng bản; nơi nào đã tổ chức được từ ba đến năm hội viên thì lập ra một tiểu tổ cứu quốc, có hai, ba tiểu tổ cứu quốc (như thanh niên, nông dân, phụ nữ) thì bầu ra ban chấp hành từng giới; ở xã nào có hai, ba ban chấp hành như vậy thì cử ra Ban Việt Minh xã. Những hội viên cứu quốc sau khi đã thấm nhuần lại tiếp tục đi tuyên truyền, vận động, phát triển tổ chức các hội viên mới.

Công tác thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh của Hồ Chí Minh sở dĩ nhanh chóng thấm sâu vào trong quần chúng, các tổ chức cứu quốc phát triển

nhanh mạnh là đã đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của quần chúng. Thêm nữa, các cán bộ, đảng viên đã biết vận dụng các hình thức vận động tuyên truyền phù hợp với từng tầng lớp từng lứa tuổi và từng giới. Phong trào tuy phát triển rầm rộ nhưng được tổ chức một cách thận trọng kĩ lưỡng. Những buổi kết nạp hội viên mới được tổ chức nghiêm trang, các hội viên của các tổ chức cứu quốc tự nguyện thề:

“- Tuyệt đối trung thành với đoàn thể.

- Nỗ lực hoạt động vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

- Hết sức giữ bí mật. - Bị bắt không khai báo.

- Đoàn kết các dân tộc để đánh Pháp, đuổi Nhật” [9, tr 66].

Sau ba tháng thí điểm phong trào Việt Minh, số hội viên cứu quốc ở ba châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình đã lên tới 2.000 người, thuộc đủ các thành phần dân tộc tham gia: Tày, Nùng, Kinh, Dao, H’Mông... đủ các tầng lớp: thanh niên, phụ nữ, nông dân. Các tổng, xã có phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ như Tĩnh Oa, Nhượng Bạn, Tượng Yên, Xuân Sơn (Hoà An); các xã Nà Sác, Trường Hà, Kéo Yên, Hoà Mục, Phù Ngọc, Phù Tang, Đào Ngạn, Sóc Hà, Đa Thông, Yên Lũng (Hà Quảng); Gia Bằng, Kì Chỉ (Nguyên Bình).

Khi phong trào Việt Minh tại vùng thí điểm lan rộng và ngày càng mạnh mẽ, các đồng chí lãnh đạo của Đảng đã triệu tập hội nghị ở Goọc Mu (Hà Quảng) để rút kinh nghiệm, nhằm chuẩn bị phát động phong trào rộng rãi ra phạm vi cả nước. Hội nghị đã kiểm điểm việc tổ chức, phát triển các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh để báo cáo Trung ương Đảng; chấn chỉnh hàng ngũ đảng viên, củng cố các cơ sở đảng, các cơ sở tổ chức quần chúng; tổ chức các trạm giao thông liên lạc từ tỉnh xuống tới châu, xã.

Công tác thí điểm mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng thành công có một ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng chung của cả nước, chứng tỏ rằng chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, các tổ chức cứu quốc rất phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân, nên đã tập hợp được đông đảo quần chúng, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển đi lên dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng, nhằm đoàn kết các dân tộc đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Kết quả công tác thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng là cơ sở thực tiễn vững chắc cho Hội nghị Trung ương lần thứ tám quyết định chính thức thành lập Mặt trận Việt Minh.

Một phần của tài liệu Quá trình chuẩn bị lực lượng và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở tỉnh Cao Bằng 1941-1945 (Trang 56 - 61)