Tác dụng của bảo vệ và cải tạo đất của cây họ đậu đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu, cho nhiều kết quả rất phong phú và đa dạng, song cụ thể tác dụng của cây họ đậu đối với chè và đất trồng chè là vấn đề chúng tôi muốn tìm hiểu.
Tác giả Obaga và Othieno 1987 [93] khi nghiên cứu tác dụng chống xói mòn của một số loại cây họ đậu cho biết: đất trồng chè sau 4 năm, không
được trồng cây họ đậu lượng đất bị mất 143 tấn/ha do bị xói mòn, khi trồng xen cây Crolataria lượng đất bị mất 39 tấn/ha, cây Weeds lượng đất bị mất 15 tấn, cây Eragrostis lượng đất bị mất 15 tấn, còn trồng cây Cymbopogon lượng đất chỉ mất 10 tấn.
Barua và Gogoi 1979 [75] cho thấy thời kỳ cây chè con (4 năm), là thời gian mà đất bị rửa trôi, xói mòn nhiều nhất, nếu trồng chè mà không trồng xen cây họ đậu, cây phủ đất. 2 năm đầu lượng đất bị mất tới >95% tổng lượng đất bị mất của cả 4 năm, còn khi được trồng cây họ đậu phủ đất lượng đất bị mất chỉ tập trung ở năm đầu (khoảng 70-75% lượng đất bị mất của 4 năm).
Kulasegaram và Kathiravetpillai 1980 [88] nghiên cứu ảnh hưởng của mức độ che bóng của cây họ đậu đến năng suất chè đã đi đến kết luận: với 3 mức độ che phủ 10%, 30% và 60% diện tích đất, so với không trồng cây họ đậu bóng mát, năng suất chè tăng 10,50 và 30% theo thứ tự.
Theo quan sát của tác giả Othieno-1980 [94], trồng cây họ đậu phủ đất cho chè trước khi mùa khô đến sẽ có tác dụng làm giảm bốc hơi nước của đất, giữ ẩm, đảm bảo cho cây chè sinh trưởng bình thường không bị chết do thiếu nước.
Nhiều kết quả nghiên cứu trong nước cũng cho thấy trồng xen cây họ đậu che bóng và che phủ đất đã giúp chè sinh trưởng tốt. Trong 2-3 năm đầu có tác dụng làm hạ thấp nhiệt độ ở lớp đất mặt, trong mùa nắng nóng chè không bị chết do táp lá (Lê Văn Khoa-1993) [19]. Trồng các loại cây lưu niên là biện pháp tốt bảo vệ cây chè non cũng như chè trưởng thành ở thời kỳ bị đốn. Có tác dụng làm giảm hiện tượng khô cành hoặc héo búp sau khi đốn do ảnh hưởng của ánh nắngtrực xạ quá mạnh.
Đối với những cây lâu năm như cây cà phê tác giả Nguyễn Khả Hòa- 1994 [17] đã cho nhận xét trong những năm đầu mới trồng cà phê, không xen
muồng lượng đất rửa trôi 76 tấn/ha, nếu trồng xen muồng lượng đất mất đã giảm chỉ còn 26 tấn/ha/năm.
Kết quả theo dõi của Hà Học Ngô, khi trồng chè có xen cốt khí đã làm giảm lượng nước chảy trên bề mặt từ 10-12%, tăng lượng nuớc thấm vào đất 6-15%, lượng đất bị rửa trôi giảm từ 31-57% (dẫn theo Đỗ Ngọc Quỹ-1980) [41].
Ngoài tác dụng hạn chế rửa trôi và xói mòn đất, khi trồng chè có xen cốt khí tác giả Lê Văn Khoa, Phạm Cảnh Thanh-1988 [20] đã xác định. Sau 2-3 năm hàm lượng mùn của đất tăng được 40% (140% so với hàm lượng mùn ở đất đồi trọc), hàm lượng lân tổng số tăng 80%, lượng kali tổng số tăng 260%.
Qua một số kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy bất luận là cây phân xanh lưu niên hay cây ngắn ngày khi trồng xen với chè hoặc các loại cây trồng chính khác đều có tác dụng giúp cho cây trồng chính sinh trưởng tốt, ngăn cản xói mòn và tăng cường chất dinh dưỡng cho đất.