Đầu tư phát triển nguồn điện

Một phần của tài liệu Hoạt động đầu tư phát triển tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 63 - 65)

Mục tiêu phát triển của ngành Điện Việt Nam đến năm 2010 là: sử dụng tốt các nguồn thuỷ năng (kết hợp với thuỷ lợi), khí và than để phát triển cân đối nguồn điện. Xây dựng các cụm khí - điện - đạm ở Phú Mỹ và khu vực Tây Nam. Xúc tiến nghiên cứu, xây dựng thuỷ điện Sơn La. Nghiên cứu phương án sử dụng năng lượng nguyên tử. Đồng bộ hoá, hiện đại hoá mạng lưới phân phối điện quốc gia. Đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện; có chính sách thích hợp về sử dụng điện ở nông thôn, miền núi. Các biện pháp trước mắt cần triển khai là:

============================================================

Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp của đất nước như nguồn thuỷ năng (kết hợp với thuỷ lợi), khí, dầu, than cho sản xuất điện, áp dụng thiết bị sử dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và giảm ô nhiễm môi trường. Cần xác định hướng ưu tiên phát triển thuỷ điện, nhất là các công trình có lợi ích tổng hợp (cấp nước, chống lũ, chống hạn...). Khuyến khích đầu tư các nguồn thuỷ điện nhỏ với nhiều hình thức để tận dụng nguồn năng lượng sạch, tái sinh này. Trong khoảng 20 năm tới sẽ xây dựng hầu hết các nhà máy thuỷ điện tại những nơi có khả năng xây dựng. Dự kiến đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy thủy điện khoảng 13.000 - 15.000 MW.

Phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu:

- Nhiệt điện than: dự kiến đến năm 2010 có tổng công suất khoảng 4.400 MW. Giai đoạn 2011 - 2020 cần xây dựng thêm khoảng 4.500 - 5.500 MW (phụ tải cơ sở), 8.000 - 10.000 MW (phụ tải cao). Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xem xét xây dựng các nhà máy điện sử dụng than nhập.

- Nhiệt điện khí: đến năm 2010 có tổng công suất khoảng 7.000 MW, giai đoạn 2011 - 2020 cần xây dựng thêm khoảng 3.500 MW (phương án cấp khí cơ sở), trong trường hợp nguồn khí phát hiện được nhiều hơn cần xây dựng thêm khoảng 7.000 MW.

Phát triển các nhà máy sử dụng năng lượng mới và tái tạo. Tận dụng các nguồn năng lượng mới tại chỗ để phát điện cho các khu vực mà lưới điện quốc gia không thể cung cấp được hoặc cung cấp kém hiệu quả, đặc biệt đối với các hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục dự án "Phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng, cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa". Dự án này được vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á với trị giá 205 triệu USD. Dự án trên được phê duyệt sẽ góp phần khai thác hiệu quả hơn nguồn năng lượng đa dạng như NL mặt trời, NL gió và địa nhiệt...và đặc biệt là thuỷ điện nhỏ.

Đa dạng hoá phương thức đầu tư phát triển ngành và chuẩn bị các phương án nhập khẩu điện của các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc. Theo hiệp định hợp tác năng lượng đã ký kết, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 2.000 MW công suất từ Lào. Tiếp theo sẽ xem xét nhập khẩu điện từ Campuchia và Trung Quốc.

Đầu tư khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam với quy mô công suất khoảng 2.000 MW, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn sau năm 2015. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi năng lượng toàn cầu bị mất cân bằng, giá các loại năng lượng hoá thạch ngày càng tăng cao và với nguy cơ

============================================================

khủng hoảng năng lượng toàn cầu, năng lượng hạt nhân ngày càng trở thành một nguồn năng lượng quan trọng góp phần đáp ứng sự gia tăng nhu cầu năng lượng, tăng cường an ninh cung cấp năng lượng và giảm thiểu phát thải carbon. Ở Việt Nam, việc phát triển điện hạt nhân nói riêng và việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình nói chung đã được Đảng, Nhà nước định hướng và chỉ đạo thực hiện trên chục năm qua. Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét triển vọng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/07/2007, dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được đưa vào vận hành năm 2020, và Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao là chủ đầu tư của dự án. Gần đây nhất, ngày 04/06/2008, Luật Năng lượng nguyên tử đã được Quốc hội chính thức thông qua tại Kỳ họp thứ III Quốc hội khóa XII. Với trọng trách là đảm bảo cung cấp điện năng đầy đủ và tin cậy cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân và đời sống sinh hoạt của nhân dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được coi là chủ đầu tư tiềm năng nhất của dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam và là đơn vị tiên phong trong đầu tư và ứng dụng năng lượng tái tạo và năng lượng không truyền thống tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho sứ mệnh này, tháng 09/2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thành lập Ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo (NRPB) với chức năng nhiệm vụ chính: Thay mặt Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án Nhà máy điện hạt nhân bao gồm các công việc:

- Quản lý thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân theo các quy định của Luật Xây dựng và các nghị định liên quan, bao gồm các khâu: Báo cáo Đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng công trình.

- Chuẩn bị về cơ sở vật chất kĩ thuật, nhân lực và đào tạo nhân lực để phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế để chuẩn bị đầu tư, nhận chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế về nhà máy điện hạt nhân.

Một phần của tài liệu Hoạt động đầu tư phát triển tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 63 - 65)