III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH NGHIỆP VỤ BẢO HIỂM TNDS CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI ĐỐI VỚI NGƯỜI THỨ BA
4. Công tác tổ chức nhân sự
Trong mọi doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó. Để đảm bảo hoạt động kinh doanh của Công ty nói chung và của nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba nói riêng có tổ chức, có hướng đích và đạt hiệu quả cao thì cần phải có đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cũng như trình độ tổ chức quản lý công việc. Các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng cạnh tranh nhau gay gắt, không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước mà cả các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Do đó để có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh ấy cán bộ bảo hiểm cần phải có năng lực thực sự về chuyên môn nghiệp vụ của mình.
Hiện nay cạnh tranh không chỉ biểu hiện ở hình thức giảm phí, tăng các khoản chi cho khách hàng, đại lí mà cạnh tranh dựa trên cơ sở năng lực, trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ. Doanh nghiệp bảo hiểm nào có đội ngũ cán bộ giỏi, tạo được sự tín nhiệm, tin tưởng của khách hàng thì sẽ có lợi thế cạnh tranh.
Để có được đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, Bảo Việt Hà Nội cần chú trọng đến khâu tuyển chọn lao động đầu tiên, chuyển từ chiến lược phát triển từ lượng là chính sang chất là trọng tâm trong tất cả các khâu, các nghiệp vụ. Lao động được tuyển chọn vào làm việc trong ngành bảo hiểm phải đáp ứng về trình độ chuyên môn, chuyên ngành bảo hiểm. Đội ngũ cán bộ này phải có khả năng giao tiếp, giao dịch với khách hàng trong nước cũng như nước ngoài, phải có tinh thần hăng say với công việc, năng động và quyết đoán trong công việc.
Do sự phát triển không ngừng của các cuộc cách mạng, phân công lao động luôn đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cao trong tất cả các ngành nói chung và bảo hiểm nói riêng. Do đó Công ty cần thường xuyên chú trọng đến khâu đào
tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực cho phù hợp với tình hình thực tế. Để công tác đào tạo đạt kết quả cao, cần bảo đảm các điều kiện:
- Công tác đào tạo phải căn cứ vào hệ thống chất lượng của công ty (ISO) mà sản phẩm của chất lượng đào tạo là phần “giá trị tăng thêm” của “học viên đầu ra” so với “học viên đầu vào” theo các tiêu chuẩn mà mỗi cán bộ nhân viên bảo hiểm phải đạt được tuỳ thuộc vào chức trách của từng người.
- Công ty phải xác định khối lượng đào tạo, trình độ đào tạo nào là hợp lí và ở trình độ nghiệp vụ đó thì cần học những nghiệp vụ gì? Đối với những đối tượng chưa được đào tạo đầy đủ hoặc đã được đào tạo nhưng chương trình đó không còn phù hợp với thực tế nữa thì cần được đào tạo bổ sung và đào tạo lại.
- Chương trình học phải theo các thứ tự nhất định từ cơ bản đến nâng cao. Tuy nhiên đối với những học viên có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thì có thể được đặt cách học các chương trình cao hơn.
- Giảng viên phải là người có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy, có thể mời các chuyên gia, các giảng viên của trường đại học…
- Có các biện pháp hỗ trợ cho đào tạo như: tạo điều kiện về mặt thời gian, hỗ trợ tài chính, đảm bảo quyền lợi cho họ khi đi học.
- Công ty cũng cần có cơ sở vật chất đầy đủ như nhà cửa, trường lớp, các phương tiện máy móc, trang thiết bị phục vụ khác để đáp ứng nhu cầu đào tạo thường xuyên.
Bên cạnh việc tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhân viên, Công ty cũng phải chú trọng đến việc sàng lọc, sa thải các cán bộ nhân viên không có năng lực chuyên môn, làm việc kém hiệu quả, có hành vi sai phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tin, chất lượng sản phẩm của Công ty đối với khách hàng trên thị trường. Công ty cũng nên có biện pháp xử phạt thích hợp đối với mỗi hành vi sai phạm của cán bộ nhân viên.