Mặc dù việc định ra mức tỷ giá cụ thể cho từng thời kỳ sẽ do NHNN quyết định dựa vào tình hình kinh tế cụ thể, tuy nhiên trong khuôn khổ luận văn này, tác giả căn cứ vào các dự báo tỷ giá đã tính toán được ở chương hai để đưa ra đề nghị về mức tỷ giá cho năm 2009 theo quan điểm chủ quan của mình.
11 Theo tính toán của WB, vào năm 2005 người Mỹ phải bỏ ra 3,4 USD để mua được một rổ hàng hóa tương đương có giá 1 USD ở Việt Nam
Phương án 1
Theo kết quả dự báo tỷ giá mà tác giả đã tính, tỷ giá VND/USD vào cuối quý 4 năm 2009 là 17.834 VND/USD. Với mức tỷ giá này tiền đồng bị định giá cao tới 13,85% vào cuối 2009. Mức tỷ giá được dự báo theo số liệu lịch sử, mà trong quá khứ tỷ giá VND/USD được kiểm soát rất chặt chẽ và can thiệp sâu bởi NHNN theo hướng giữ tỷ giá khá cố định, nên thông tin thị trường chứa trong tỷ giá dự báo này cũng rất thấp. Vì vậy, đường đi của tỷ giá có thể đã được nắn theo quan điểm của NHNN. Một sự thay đổi trong quan điểm quản lý tỷ giá có thể sẽ có một tác động mạnh đến mức dự báo tỷ giá trên.
Mức dự báo tỷ giá của tác giả rất gần với dự báo của nhóm nghiên cứu thuộc ngân hàng Đầu tư và Phát Triển (BIDV), theo đó “trong năm 2009, VND sẽ mất giá khoảng 3,5 - 5% so với USD, tỷ giá VND/USD sẽ tăng dần và đạt mức đỉnh 18.000 - 18.200 VND/USD cuối quý 2/2009 và giảm dần về mức 17.600 - 17.800 vào cuối năm.” (Ứng xử như thế nào với biến động tỷ giá năm 2009? -Vneconomy ngày 9/12/2008).
Mặc dù mức tỷ giá nêu trên làm tiền đồng bị định giá cao, nhưng theo tác giả đây lại là mức tỷ giá có nhiều khả năng xảy ra nhất vào cuối 2009. Tuy nhiên, đây không phải là mức tỷ giá mà tác giả đề nghị vì nó không phản ánh các quan điểm thị trường và có thể tiếp tục làm căng thẳng thị trường ngoại hối và quan trọng nhất là nó làm tiền đồng bị định giá cao.
Phương án 2
Theo phương án này tiền đồng có thể bị phá giá đến mức 20.700 đồng/USD vào cuối 2009. Ở mức tỷ giá này REER đạt 100, theo lý thuyết tiền đồng có ngang giá sức mua so với rổ tiền.
Khả năng này chỉ được xét đến khi các nền tảng vĩ mô thật sự ổn định và phải kết hợp với vài nghiên cứu khác để đo lường tác động của phá giá lên toàn bộ nền nền kinh tế, chẳng hạn phải xem xét mặt lợi, mặt hại của việc đánh đổi giữa gia tăng cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu và những rủi ro tỷ giá mà các doanh nghiệp gặp phải, nợ nần chính phủ… từ đó, NHNN đưa ra quyết định có chọn mức tỷ giá này hay không. Dự đoán mức tỷ giá 20.700 VND/USD ít có khả năng thành hiện thực
trong năm 2009 nếu chúng ta biết rằng NHNN công khai ưu tiên chính sách ổn định tỷ giá.
Mặc dù vậy, đây là mức tỷ giá rất đáng quan tâm vì nó là mức tỷ giá mà tại đây tiền đồng có ngang giá sức mua so với một rổ tiền tệ. Vì thế, nếu trong thời gian sắp tới tỷ giá thị trường có đạt được mức này cũng không phải là điều quá bất ngờ.
Phương án 3
Có một mức tỷ giá khác cũng cần được xem xét. Đó là đối với rổ tiền, Việt Nam đồng có thể lựa chọn phá giá ở tỷ lệ từ 6% đến 9%. Tại sao là những con số này? Vì đây là những mức tỷ giá có thể giải quyết vấn đề kỳ vọng của thị trường và không quá cao để có thể ảnh hưởng lớn lên sự ổn định của thị trường.
Theo tính toán tỷ giá thực đa phương, trong năm 2008 tiền đồng đã bị định giá cao khoảng hơn 6% (năm cơ sở là 1999) hay 9% (năm cơ sở là 2000). Do đó, tỷ giá cần được điều chỉnh chí ít cũng phải đáp ứng chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và các đối tác thương mại trong năm 2008.
Ngoài ra, nếu tiền đồng mất giá ở mức 6% sẽ đáp ứng chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD theo hướng giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn USD và bù đủ cho chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và các đối tác trong năm 2008. Với mức mất giá 9% cũng không phải là mức quá cao, tín hiệu từ thì trường đang rất ủng hộ cho mức giá này vào cuối năm 2009.
Nếu tỷ giá bị phá giá ở mức đề nghị như trên, có thể dự đoán chắc chắn rằng tiền đồng sẽ không thể đạt ngang giá sức mua vào cuối 2009 (theo phương pháp tính tỷ giá thực của tác giả). Tuy nhiên, điều này lại có thể tạo ra cảm giác NHNN đang rất quyết tâm điều chỉnh tỷ giá để nó đạt được mức cân bằng và tỷ giá sẽ ít có khả năng tăng vọt trong thời gian sắp tới. Hay nói cách khác, đây là mức tỷ giá mang tính tâm lý nên sẽ góp phần ổn định thị trường, đồng thời nó cũng có tác dụng làm giảm mức độ định giá cao của tiền đồng.
Về mức tỷ giá, để đơn giản tác giả chọn đồng USD để tiến hành tính tỷ giá kỳ vọng cho năm 2009. Theo phương án điều chỉnh tăng tỷ giá 6%, tỷ giá VND/USD sẽ là 17.486 * 106% = 18.535 VND/USD; theo phương án tăng 9%, tỷ giá VND/USD sẽ là 17.486 * 109% = 19.060 VND/USD.
Về thời điểm phá giá, để đảm bảo các mục tiêu tổng thể ít bị ảnh hưởng, tránh các cú sốc cho nền kinh tế việc phá giá phải được áp dụng từ từ nên theo từng giai đoạn (mỗi giai đoạn có thể là 3 tháng). Mỗi giai đoạn sẽ tiến hành phá giá “mini” khoảng 2% đến 3% (không công bố chính thức).
Với các phân tích như trên, cộng với những diễn biến trên thị trường ngoại hối trong thời gian gần đây tác giả đưa ra đề nghị về mức tỷ giá vào cuối năm 2009 ở vào khoảng 18.500 đến 19.000 VND/USD.
Phương án 4
Tăng giá mạnh tiền đồng vượt mức 20.700 VND/USD để khuyến khích hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho hoạt động xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân vãng lai cũng là khả năng cần xem xét. Ở quan điểm này, có một số ý kiến của các nhà kinh tế cho rằng cần phải phá giá tiền đồng mạnh để nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, phá giá mạnh có thể sẽ làm nợ nần của chính phủ và doanh nghiệp có vay ngoại tệ tăng mạnh. Mặc khác, giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao có thể sẽ gây ra nguy cơ lạm phát tăng cao. Do đó, xét tình hình thị trường những tháng gần đây, dựa trên các mục tiêu của chính sách tỷ giá đã đề ra ở trên, có thể quan điểm phá giá mạnh tiền đồng sẽ không thích hợp vì nó gây quá nhiều bất ổn cho thị trường (không đạt được mục tiêu thứ hai của chính sách tỷ giá). Ngoài ra, do những hạn chế của REER nên mức tỷ giá này cần thiết phải đưa ra cho thị trường kiểm định. Để xác định một mức tỷ giá nào đó, NHNN cần theo dõi sát tình hình tài chính thế giới và cũng nên có một số nghiên cứu khác để đánh giá tác động của tỷ giá đối với các biến số vĩ mô khác – trong phạm vi đề tài, tác giả không phân tích các đánh giá này). Chẳng hạn, để điều chỉnh tỷ giá nên theo dõi sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, một nền kinh tế lớn nhất thế giới với đồng tiền vẫn còn ở thế độc tôn. Theo một số dự báo gần đây, với chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng, nước Mỹ sẽ tiếp tục có thâm hụt thương mại lớn trong năm 2009. Vì vậy, nguy cơ đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác là rất lớn. Đây cũng là một nhân tố cần xem xét đến khi quyết định mức tỷ giá hợp lý cho nền kinh tế Việt Nam.
Sau khi cân nhắc các khả năng trên, phương án phá mạnh hay giữ nguyên mức tỷ giá vào cuối năm 2008 là không khả thi. Tiền đồng sẽ bị mất giá là xu hướng khá chắc chắn, nhưng mất giá ở mức nào cần phải lựa chọn. Tác giả thiên về lựa chọn phương án tăng tỷ giá ở mức từ 6% đến 9%, và có kiến nghị mức độ phá giá diễn ra từ từ, trong khi theo dõi chặt chẽ diễn tiến lạm phát và nhập siêu của năm 2009. Mặc dù mức điều chỉnh này không đủ để tỷ giá năm 2009 có ngang giá sức mua (theo các tính toán của tác giả), nhưng nó có thể làm an lòng các nhà đầu tư và doanh nghiệp (nếu NHNN có những giải thích hợp lý), đáp ứng một phần các tín hiệu hiện tại của thị trường, làm suy yếu các hoạt động đầu cơ tiền tệ, găm giữ ngoại tệ… góp phần ổn định thị trường ngoại hối, nên trong một chừng mực nhất định có thể chấp nhận được.
Tóm lại, mức tỷ giá mà tác giả đề nghị vào cuối năm 2009 là từ 18.500 đến 19.000 VND/USD (thậm chí nếu NHNN để cho tỷ giá đạt mức 20.700 VND/USD cũng không phải là điều quá đáng). Theo ý kiến tác giả, biên độ tỷ giá ±5% như hiện nay là khá thích hợp.
Căn cứ kết quả tính toán và dự báo, tỷ giá đạt mức 21.757 VND/USD thì tiền đồng có ngang giá sức mua vào năm 2010. Đồng thời, kết quả dự báo từ hồi quy số liệu quá khứ cũng cho thấy tiền đồng vào 2010 sẽ tiếp tục bị định giá cao. Vì vậy, tác giả đề nghị tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ giá trong năm 2010 theo hướng để nó tiến dần về mức tỷ giá 21.575 VND/USD.