2. Các quá trình hình thành và biến đổi đất rừng
2.7. Quá trình podzol hoá ở vùng nhiệt đới ẩm Việt Nam
Quá trình podzol hoá dẫn đến hình thành đất podzol điển hình thường xảy ra ở vùng ôn đới với các điều kiện tối thiểu: khí hậu ôn hoà hay lạnh, rừng lá kim và vũ lượng (hoặc tuyết) đủ lớn. Trong phẫu diện đất hình thành một tầng A2 điển hình (tầng chẩn đoán) hay tầng chỉ thị podzol. Trong tầng này, Fe và Al đã bị hoà tan rửa đi, mất mầu vàng hay đỏ, còn lại chủ yếu là các oxit silic có mầu tro bạc. Trường hợp keo đất dịch chuyển không bị phá huỷ thì chỉ coi là rửa trôi đơn thuần (lessivage). Ở vùng nhiệt đới ẩm, không có những điều kiện podzol hoá điển hình như vùng ôn đới, tuy vậy hệ quả của một khối lượng axit mùn chua đối với sự phá huỷ keo hữu cơ-khoáng là rất rõ ràng và xét về hình thái học phẫu diện thì sự hiện diện của tầng A2 giữa mầu tro bạc là khá phân biệt một cách tương phản với mâù đỏ (của oxit sắt) hay mầu vàng (của oxit nhôm) phổ biến trong đất feralit nhiệt đới ẩm, tuy tích luỹ SiO2 không nhiều. Thành phần chất hữu cơ hoàn toàn là mùn thô. Vì thế một nhóm nhỏ loại đất vùng núi
cao của Việt Nam, theo phân loại trên quan điểm nặng về lịch sử phát sinh học, đã được tạm xếp vào nhóm đất podzol nhiệt đới.
Các khoanh đất podzol đã gặp ở các vùng núi cao Tây Côn Lĩnh, Sìn Hồ, Ngọc Linh, Sa Thầy và cao nguyên Lang Biang. Diện tích nhóm đất này không lớn và chưa có thống kê chính xác. Hầu hết diện tích đất này hình thành trên đá mẹ thô, độ dốc lớn, rất mẫn cảm với sự rửa trôi vì thế một khi mất rừng lập tức bị thoái hoá nặng nề (ví dụ ở xã Diên Bình, Kon Tum).