Chăm sóc nuôi dưỡng heo con theo mẹ 1 Đặc điểm sinh lý heo con theo mẹ

Một phần của tài liệu giáo trình chăn nuôi heo (Trang 38 - 43)

2.1. Đặc điểm sinh lý heo con theo mẹ

Trong giai đoạn này heo con có những đặc điểm sinh lý đặc trưng mà chúng ta cần quan tâm để có chế độ dinh dưỡng và chăm sóc thích hợp cho chúng.

- Heo con có tốc độ sinh trưởng phát triển nhanh:

Trong giai đoạn này heo con sinh trưởng rất nhanh, tầm vóc và thể trọng tăng dần theo tuổi. Từ lúc sơ sinh đến lúc cai sữa, trọng lượng của heo con tăng từ 10 đến 12 lần. Một đặc điểm quan trọng nhất của heo mẹ là sản lượng sữa mẹ tăng dần từ khi mới đẻ ra tới ngày thứ 15. Tại thời điểm này sản lượng sữa cao nhất và ổn định cho tới ngày thứ 20 và sau đó giảm dần cho tới ngày thứ 60 là ở mức thấp nhất. Nhu cầu dinh dưỡng của heo con ngày càng tăng, trong khi đó sữa mẹ sau 3 tuần giảm đi rõ rệt, dẫn tới heo con thiếu dinh dưỡng nếu như không có thức ăn bổ sung thêm.

- Đặc điểm về khả năng miễn dịch: Khả năng miễn dịch của heo con trong giai đoạn này cũng có những đặc điểm đặc biệt. Heo con mới đẻ trong máu không có γ Globulin nhưng sau khi bú sữa có chứa hàm lượng γ globulin cao, khi đó hàm lượng kháng thể trong máu tăng lên một cách nhanh chóng nhưng sau 3 đến 4 tuần tuổi hàm lượng γ globulin giảm xuống, đến 5 tháng nó tăng lên. Ngoài ra, hệ vi sinh vật trong đường ruột của heo con (microflora) cũng là hệ thống ngăn ngừa các nhân tố gây bệnh xâm nhập vào đường ruột.

- Đặc điểm phát triển của cơ quan tiêu hóa: Bộ máy tiêu hóa của heo con phát triển nhanh nhưng chưa hoàn thiện về chức năng:

Khả năng tiêu hóa của heo con rất hạn chế dễ gây nên hiện tượng tiêu chảy ở heo con. Khả năng tiêu hóa các chất dinh dưỡng của heo con: Heo con trong 3 tuần tuổi đầu chỉ có khả năng tiêu hóa cazein, các đường, lipid của sữa, còn các chất khác từ các thức ăn nhân tạo thì tiêu hóa kém. Để nuôi heo con thành công trong giai đoạn này là cần thiết phải cho heo con ăn những thức ăn dễ tiêu hóa và chia thành nhiều bữa trong ngày.

- Đặc điểm về cơ năng điều tiết nhiệt: heo con dưới 3 tuần tuổi cơ năng điều tiết nhiệt chưa hoàn chỉnh nên thân nhiệt heo con chưa hoàn chỉnh, nghĩa là sự sinh nhiệt và thải nhiệt chưa được cân bằng, khả năng điều hòa thân nhiệt kém.

Nhiệt độ bên ngoài có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tỏa nhiệt và tốc độ sinh trưởng của heo con. Nếu nhiệt độ thấp heo con mất nhiều nhiệt và có thể dẫn tới chết. Vậy,

trong tuần lễ đầu thân nhiệt của heo con hoàn toàn phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường. Do heo con có khả năng điều hòa thân nhiệt kém nên cơ thể dễ bị lạnh và phát sinh bệnh tật, nhất là bệnh tiêu chảy phân trắng. Nếu độ ẩm cao thì heo con dễ bị mất nhiệt và có thể bị cảm lạnh. Độ ẩm thích hợp cho heo con ở nước ta là 65 – 70% (theo Tomer là 69,8%). Các kết quả nghiên cứu trong nước và nước ngoài cho thấy rằng khả năng chịu đựng và sự thích nghi của heo con đối với môi trường bên ngoài còn thấp, làm cho khả năng sinh trưởng phát triển của heo con bị hạn chế và có thể dễ nhiễm bệnh dẫn đến tỷ lệ nuôi sống thấp. Trong chăn nuôi, chúng ta thường sử dụng một số biện pháp kỹ thuật để hạn chế những tác động của các yếu tố nói trên đối với heo con, nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi cũng như điều hòa nhiệt độ và ẩm độ ở tiểu khí hậu chuồng nuôi sao cho thích hợp với heo con.

2.2. Chăm sóc - Nuôi dưỡng heo con theo mẹ

* Sưởi ấm

Sử dụng chuồng nái đẻ tuy có tiết kiệm nhân công nhưng cũng khó tránh tình trạng nái hay đạp con gây thương tích, chuồng nái đẻ cũng làm cho heo nái mệt do heo con bú liên tục nái không có thời gian nghỉ ngơi. Điều kiện trong ổ úm phải thoát nước tốt, thông thoáng để tránh nhiễm bẩn do phân và nước tiểu chúng bài thải ra.

Sử dụng đèn tròn hoặc đèn hồng ngoại để úm heo con. Cách bố trí đèn trong ổ úm phải hợp lý không quá cao, cũng không quá thấp. Quan sát heo con trong ổ úm để điều chỉnh treo đèn, nếu heo con nằm chồng lên nhau đó là biểu hiện heo bị lạnh do nhiệt độ trong chuồng úm thấp.

Thường từ tuần lễ thứ 3 người ta đóng kín không cho heo con vào ổ úm để tránh tình trạng heo con tiêu, tiểu vào trong đó, lúc này heo con cũng đã lớn không cần đến ổ úm nữa, ổ úm chỉ còn là vai trò nhốt heo con khi cần thiết (để tiêm chích, cấp thuốc, tẩy uế chuồng).

* Cho heo con bú sữa đầu

Vai trò của sữa đầu đối với heo con rất quan trọng. Vì vậy, cho heo con bú sữa đầu càng sớm càng tốt và kết hợp tập cho heo con có phản xạ trong khi bú để nâng cao sản lượng sữa mẹ. Sữa đầu chỉ hiên diện trong vòng 24 h sau khi heo con sinh ra do đó tất cả heo con sinh ra phải được bú sữa đầu để nhận được kháng thể từ heo mẹ truyền qua heo con

* Tập heo bú vú cố định

- Việc bú vú cố định có tác dụng:

+ Tạo ra phản xạ có điều kiện bú sữa mẹ của heo con để có điều kiện nâng cao sản lượng sữa của heo mẹ. Khi heo con mới đẻ ra và được đỡ đẻ, những con có trọng lượng sơ sinh nhỏ ta cho bú vú trước ngực và những con có trọng lượng sơ sinh lớn ta cho bú vú ở vùng bụng và cố định núm vú cho từng con.

- Heo con theo mẹ cần được nhốt riêng và cho bú cữ trong thời gian ít nhất là 3 - 4 ngày sau khi sinh để tránh tình trạng nái mệt hay vụng về đè đạp chết con, và cũng để dễ theo dõi tình trạng tiết sữa của nái. Mỗi cữ bú thường cách nhau 1g30 hoặc 2 giờ tuỳ theo tình trạng tiết sữa của nái, nái dư sữa (bệ sữa phát triển to) heo con bú không hết dễ gây tình trạng đọng sữa viêm vú hoặc giảm sữa thì nên hạn chế thức ăn cho nái và cho heo con bú nhiều cữ hơn. Sau khi heo con bú xong gom chúng vào ổ úm cũng là biện pháp tốt để tránh tình trạng heo con bị lạnh về đêm dễ bị rối loạn tiêu hoá.

- Mỗi lần cho heo con bú và thu gom vào ổ úm người chăm sóc phải quan sát kỹ tình trạng sức khoẻ của heo con, cần tái sát trùng rốn, kiểm tra sức bú của heo con, sự xuống sữa của nái, tình trạng tiêu chảy của heo con, nhịp thở và phát hiện sớm những con thiếu vú mẹ, vú mẹ không sữa, để sớm ghép sang những đàn khác.

- Sau 3 - 4 ngày nái khoẻ, con mạnh thì có thể tự do cho chúng ra vào ổ úm. Trong vòng 3 ngày sau khi sinh nếu heo con không phát triển thể vóc, da lông bóng mượt mà vẫn còn đỏ, yếu ớt, da nhăn, nằm chồng đống lên nhau, gầy còm trơ xương… là tình trạng nái mất sữa kém sữa, cần có biện pháp can thiệp kịp thời

* Tiêm sắt và thiến heo đực

- Do dự trữ sắt trong cơ thể heo mới sinh thấp và tốc độ tăng trưởng của heo con trong giai đoạn này cao nên nhu cầu về sắt cần đến 7mg/ngày. Bên cạnh đó lượng sắt trong sữa đầu cũng chỉ từ 2ppm (trung bình 1ppm). Trong các phương pháp nuôi trên nền xi măng hay chuồng sàn heo không được tiếp xúc với đất, nên heo không được thu nhận sắt từ đất.

- Do đó khi được 3 ngày tuổi thì cần tiến hành tiêm chất sắt cho heo con (khoảng 1ml chế phẩm chứa 100 mg Fe++/con) và tiến hành tiêm lặp lại lần hai lúc 7 ngày tuổi, để chống khủng hoảng về thiếu chất sắt lúc 3 tuần tuổi. Thiếu sắt là nguyên nhân chính gây bệnh thiếu máu ở heo con. Một số chế phẩm có chứa các yếu tố cần thiết cho sự tạo hồng cầu như đồng, vitamin B12… cũng rất hữu dụng.

* Chú ý không tiêm sắt quá liều vì sẽ gây ngộ độc sắt.

- Đối với heo con đực không làm giống thì tiến hành thiến vào ngày tuổi thứ 7 vì lúc này dịch hoàn còn nhỏ, vết mổ nhỏ, mau lành, nên cắt hai đường trên da dịch hoàn (scrotum) để dễ thoát chất dịch từ vết thiến, tránh ứ đọng gây viêm. Trước khi tiến hành thiến heo con cần chuẩn bị đầy đủ thuốc, dụng cụ và trang thiết bị để thực hiện

việc thiến heo con như: vitamin K, thuốc sát trùng vết thương, dao mổ, kẹp cầm kim, pen, kim chỉ để may vết thương trong trường hợp vết mổ rộng quá…

Đối với heo cái các giống heo ngoại, lai ngoại, nếu không làm giống thì không cần thiến để nuôi thịt.

* Tập heo con ăn sớm

- Khi được 10 ngày tuổi tiến hành tập cho heo con ăn sớm để tránh khủng hoảng vì thiếu sữa mẹ trong tuần tuổi thứ 4 (sữa mẹ giảm sau tuần thứ 3). Việc tập ăn giúp cho heo con biết ăn sớm, không lệ thuộc sữa mẹ sẽ giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu dinh dưỡng ngày càng cao của heo con và khả năng cung cấp sữa giảm của heo mẹ, tập ăn sớm giúp heo con tăng trưởng nhanh hơn, giảm stress khi cai sữa đồng thời tăng vòng quay lứa đẻ/ nái/ năm. Thường người ta sử dụng các loại tấm, bắp, đậu nành rang xay hoặc nấu chín, có mùi thơm, nhét cho heo con vài lần và luôn luôn để phần thức ăn tập ăn vào ổ úm hay máng bán tự động để heo con tự do liếm láp khi chúng cần. Thức ăn tập ăn có thể không cần chứa hàm lượng protein cao vì heo con đang có nguồn sữa mẹ dinh dưỡng dồi dào. Phải cho heo con làm quen với nguồn glucid, lipid, protid của các loại thực liệu thông thường để hệ thống tiêu hoá heo con sớm tiết ra các enzyme tiêu hoá thích hợp. Tốt nhất nên cho sử dụng thức ăn hỗn hợp toàn phần dành riêng cho heo con. Thức ăn đối với heo con trong 1 kg thức ăn phải đảm bảo hàm lượng CP là 18 – 19 %, ME là 3200 Kcal, chất xơ không quá 4 %.

- Khi heo con bắt đầu biết ăn mạnh thì thay thế dần thức ăn tập ăn bằng thức ăn hỗn hợp. Nên cho heo con ăn tự do trong các máng bán tự động, tránh dùng thức ăn ẩm, nếu thức ăn nấu hoặc ẩm thì cho ăn theo bũa ăn, phần dư thừa thường phải chuyển đi để tránh sự lên men ôi chua, sình… nếu có điều kiện, cho ăn thêm thức ăn xanh càng tốt, nhưng phải rửa thật sạch để tránh nhiễm ký sinh trùng đường ruột.

- Mặc dù sữa mẹ có chứa nhiều nước, nhưng cũng phải cung cấp đầy đủ nước uống vệ sinh cho heo con. Nếu sử dụng máng uống, phải chú ý tập quán heo vừa ăn vừa uống, nên máng uống cũng chứa nhiều cặn thức ăn dễ bị sình thối, ô nhiễm nước uống. Heo con cũng có tập quán hay chui vào máng nước vừa tiểu vừa uống, hoặc vừa đi phân vừa uống. Một số heo con thích vào ổ úm để tiêu, tiểu nên ổ úm cần được vệ sinh kỹ.

* Cai sữa sớm

- Hiện nay heo con được cai sữa lúc 21 hoặc 28 ngày tuổi. Việc cai sữa heo con sớm làm cho nái động dục sớm và rút ngắn chu kỳ sinh sản của nái.

- Ngày tuổi thứ 22, 23, 24 đại đa số heo con mọc răng tiền hàm sữa thứ 3 hàm dưới nên cai sữa ngày thứ 21 thường có ảnh hưởng đến sức khoẻ heo con vì làm tăng thêm stress. Tương tự ngày tuổi thứ 28 và 29 đại đa số heo con mọc răng tiền hàm sữa

4 hàm trên nên cai sữa ngày thứ 28 có thể làm tăng stress cho heo con. Thường khi mọc răng heo con bị sốt, tiêu chảy trước, sau khi răng nhú khỏi nướu một vài ngày. Tình trạng này làm heo con mức sức, kém sức kháng bệnh.

- Khi cai sữa, heo con cần giảm bớt khẩu phần thức ăn chừng 10 - 20% để chống stress, giữ chuồng trại khô ráo thoáng mát (thường được nuôi trên lồng, mỗi lồng là một ổ heo con, tránh nhập nhiều đàn với nhau gây tình trạng đánh cắn nhau). Có thể pha kháng sinh vào thức ăn để phòng chống bệnh trong 3 - 5 ngày. Cũng có thể chọn những con cùng tầm vóc cho ở chung với nhau để dễ chăm sóc nuôi dưỡng, nhất là nhóm heo nhỏ vóc cần có chế độ bồi dưỡng đặc biệt hơn. Nếu khí hậu lạnh, cần sưởi ấm heo con cai sữa, nhất là về ban đêm. Thức ăn cho heo con sau cai sữa vẫn là thức ăn hỗn hợp sau cai sữa cho đến khi heo con đạt thể trọng từ 15kg trở lên mới chuyển đổi sang sử dụng thức ăn hỗn hợp cho heo thịt . Sau 2 - 3 ngày hạn chế khẩu phần, nếu heo con khoẻ mạnh thì cho ăn tự do. Cần cung cấp đầy đủ nước uống cho heo con vì sau khi mất nguồn sữa mẹ heo con uống nước nhiều hơn. Khi được 60 - 70 ngày tuổi heo con chuyển thành heo nuôi thịt hoặc heo hậu bị làm giống và có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng khác nhau.

- Sau khi cai sữa, nếu nuôi thêm 1 tháng heo con có thể tăng gấp đôi, gấp ba trọng lượng cai sữa.

Thực hành và câu hỏi ôn tập: Chăm sóc - Nuôi dưỡng heo cai sữa

*Câu hỏi

- Trình bày đặc điểm sinh lý và phương pháp nuôi heo nái nuôi con và heo con theo mẹ?

- Những điều cần chú ý khi chăm sóc nuôi dưỡng heo nái nuôi con và heo con theo mẹ?

Thực hành: Chăm sóc - Nuôi dưỡng heo nái nuôi con và heo con theo mẹ

Một phần của tài liệu giáo trình chăn nuôi heo (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(50 trang)
w