Chăm sóc Nuôi dưỡng heo mang tha

Một phần của tài liệu giáo trình chăn nuôi heo (Trang 46 - 50)

Mục tiêu chính của việc chăn nuôi heo nái mang thai là làm sao để heo nái đẻ sai con, heo con sinh ra khỏe mạnh, có khối lượng sơ sinh lớn. Heo mẹ đủ năng lượng dự trữ để tiết sữa trong thời kỳ nuôi con, nếu là heo đẻ lứa đầu cần tiếp tục sinh trưởng để đạt khối lượng theo quy định.

Phân chia giai đoạn trong thời gian mang thai: 2 giai đoạn: - Chửa kỳ 1: từ khi phối giống có chửa đến 84 ngày.

- Chửa kỳ 2: từ ngày chửa thứ 85 đến ngày dự kiến đẻ (ngày 114).

3.1. Giai đoạn chửa kỳ 1

- Thời kỳ này phôi và thai còn nhỏ, sử dụng ít dưỡng chất trong máu của mẹ, dưỡng chất còn lại nái dùng để dự trữ tạo sữa sau này. Thiếu dưỡng chất trong thức ăn heo nái giai đoạn này có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phôi thai như tăng hiện tượng tiêu phôi, nái còn ít thai sống khi đẻ mà chứa nhiều thai khô (thai gỗ). Thừa dưỡng chất cũng gây ảnh hưởng tiêu phôi và làm nái trở nên mập mỡ. Nái khi cai sữa quá gầy ốm lại không dự trữ đủ dưỡng chất trong giai đoạn này sẽ bị thiếu sữa và gây ra hiện tượng hao mòn nái khi cho con bú trong lứa đẻ kế tiếp. Vì vậy phải định lượng thức ăn cho nái ở giai đoạn này hết sức chặt chẽ.

- Giai đoạn chửa kỳ 1 dùng khẩu phần có tỷ lệ protein khoảng 13 – 14 % năng lượng trao đổi từ 2800 – 2900 Kcal. Trong giai đoạn này bào thai chưa phát triển mạnh vì vậy nhu cầu dinh dưỡng chủ yếu cho heo nái để duy trì cơ thể, và một phần nhỏ để nuôi thai.

- Vai trò của bầu tiểu khí hậu cũng rất quan trọng, nái cần được yên tĩnh, nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi thích hợp với điều kiện Việt Nam độ ẩm trung bình 75 - 80% là đạt yêu cầu . Nhiệt độ quá nóng làm nái tiêu thụ ít thức ăn có ảnh huởng xấu đến thai.

3.2. Giai đoạn chửa kỳ 2

- Thời kỳ này thai đã lớn sử dụng nhiều dưỡng chất trong máu của mẹ để phát triển, do đó thiếu dưỡng chất trong thức ăn của nái sẽ làm heo con sơ sinh nhỏ vóc, khó nuôi, tỷ lệ hao hụt cao. Nhưng nếu quá dư thừa dưỡng chất bào thai sẽ tăng trọng

nhiều, trở nên lớn vóc làm cho nái đẻ khó, đẻ không ra, phải can thiệp kéo thai, móc thai gây tổn thương bộ phận sinh dục làm nái viêm nhiễm, mất sữa, hoặc bị nghẽn tắc ống sinh dục (cổ tử cung, ống dẫn trứng) trở nên vô sinh. Vì vậy ở thời kỳ này cũng cần phân nhóm nái theo thể vóc để cung cấp mức ăn thích hợp.

- Giai đoạn chửa kỳ 2 cũng dùng khẩu phần có tỷ lệ protein và năng lượng trao đổi như giai đoạn chửa kỳ 1 nhưng mức ăn cần tăng thêm từ 15 – 20% so với chửa kỳ 1. Ở giai đoạn chửa kỳ 2 tốc độ phát triển của bào thai rất nhanh, cần dinh dưỡng cho thai phát triển, vì vậy việc cung cấp chất dinh dưỡng cho bào thai phát triển ở giai đoạn cuối để heo con sinh ra đạt khối lượng sơ sinh theo yêu cầu của từng giống là rất quan trọng. Tránh để nái mập mỡ, nái mập thường lười rặn, đẻ chậm, dễ gây tình trạng ngộp thai, chết thai khi sinh con, và sau khi đẻ dễ mắc hội chứng M.M.A (metritis, mastitis, agalactia: viêm tử cung, viêm vú, mất sữa). Nái mập chịu nóng kém dễ bị say nóng, say nắng gây chết, xoay trở chậm, vụng về dễ đè chết con. Tuy nhiên, nếu nái mang thai quá gầy, lại sinh nhiều thai thì bào thai nhỏ vóc, sức sống không cao sau khi đẻ ra, và nái kém sữa thiếu sữa cho con bú. Nái gầy nuôi nhiều con thì èo uột, dễ mắc nhiều bệnh, bản thân nái cũng dễ bị bại, yếu chân, chậm lên giống lại sau cai sữa.

* Khi xác định lượng thức ăn cho heo nái chửa chúng ta cần phải căn cứ vào các yếu tố sau:

+ Khối lượng heo nái

+ Thể trạng heo nái: heo quá béo cần giảm lượng thức ăn, heo nái quá gầy thì tăng lượng thức ăn để heo nái tích lũy.

+ Giai đoạn có chửa

+ Tình trạng sức khỏe: sức khỏe yếu cần ăn nhiều hơn để phục hồi sức khỏe nuôi con sau này

+ Nhiệt độ môi trường: nhiệt độ cao heo ăn ít, nhệt độ thấp cần cho ăn nhiều để chống lạnh

+ Chất lượng thức ăn: nếu thức ăn có chất lượng không cao cần tăng thức ăn để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của heo.

+ Ở giai đoạn này nếu quan sát vùng hông có thể đoán biết nái mang ít hay nhiều thai để có mức ăn phù hợp.

Nên cho heo nái ăn thêm rau xanh từ 3 – 4 kg (chửa kỳ 1) và 2 – 3 kg (chửa kỳ 2).

Sự phát triển bệ sữa ở cuối giai đoạn cũng dự báo khả năng tiết sữa của nái để có chế độ nuôi dưỡng nái thích hợp tránh tình trạng nái dư sữa sau đẻ hoặc kém sữa.

- Cách cho ăn: Cho heo ăn ngày 2 bữa (sáng, chiều), cho ăn thức ăn trước, ăn rau sau, cho uống nước đầy đủ.

- Thời kỳ này nái cần cho vận động (nếu có điều kiện) để có hệ cơ tốt, chân khoẻ, khung xương chậu nở rộng (đối với nái sắp đẻ lứa đầu), nên cho nái ra sân cỏ hay sân cát vận động tuỳ thích, tiếp xúc với môi trường tự nhiên, để tăng sức đề kháng bệnh và cũng nhờ đó gia tăng hàm lượng kháng thể chống bệnh cho heo con trong sữa đầu.

Bảng 4.1 Mức ăn cho heo nái (Kg/con/ngày)

Giai đoạn Thể trạng heo nái

Nái gầy Nái bình thường Nái mập

Từ phối giống - 21 ngày 2,5 2,0 1,5 + rau xanh Từ 22 - 84 ngày sau phối giống 2,5 2,0 1,5 + rau xanh Từ 85 - 110 ngày sau phối giống 3,0 2,5 2,5 Từ 111 – 112 ngày sau phối giống 2,0 2,0 2,0 Ngày 113 sau phối giống 1,5 1,5 1,5 Ngày cắn ổ đẻ 0,5/0 0,5/0 0,5/0

Thực hành và câu hỏi ôn tập: Chăm sóc - Nuôi dưỡng heo nái mang thai

*Câu hỏi

- Trình bày đặc điểm sinh lý và phương pháp nuôi heo nái mang thai? - Những điều cần chú ý khi chăm sóc nuôi dưỡng heo nái mang thai?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Cầu, 2004. Giáo trính công nghệ chăn nuôi. NXB Lao động – Xã hội Hà Nội.

2. Dương Thanh Liêm, Bùi Huy Như Phúc và Dương Duy Đồng, 2002. Thức ăn và dinh dưỡng động vật. NXB Nông nghiệp TPHCM.

3. Hội chăn nuôi Việt Nam, 2002. Cẩm nang chăn nuôi gia súc gia cầm tập 1. NXB Nông nghiệp Hà Nội.

4. Hội chăn nuôi Việt Nam, 2002. Dinh dưỡng gia súc, gia cầm. NXB Nông nghiệp Hà Nội.

5. Lê Hồng Mận và Bùi Đức Lũng, 2001. Tiêu chuẩn dinh dưỡng và công thức phối trộn thức ăn lợn. NXB Nông nghiệp Hà Nội.

6. Lê Hồng Mận và Bùi Đức Lũng, 2002. Thức ăn và dinh dưỡng lợn. NXB Nông nghiệp Hà Nội.

7. Nguyễn Đức Hiền, 1999. Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thú y và chăn nuôi heo. Sở văn hóa thông tin thành phố Cần Thơ.

8. Nguyễn Ngọc Tuân và Trần Thị Dân, 2000. Kỹ thuật chăn nuôi heo. NXB Nông nghiệp TPHCM.

9. Nguyễn Thiện, Phan Địch Lân, Hoàng Văn Tiến, Võ Trọng Tốt, Phạm Sĩ Lăng, 1996. Chăn nuôi lợn ở gia đình và trang trại. NXB Nông nghiệp Hà Nội.

10.Nguyễn Văn Trí, 2006. Hỏi đáp về thức ăn lợn – bò. NXB Lao động – Xã hội Hà Nội.

11.Phạm Hữu Danh và Lưu Kỷ, 2004. Kỹ thuật nuôi lợn nái mắn đẻ sai con. NXB Nông nghiệp. Nxb Hà Nội.

12.Phạm Sĩ Tiệp, 2004. Kỹ thuật chăn nuôi lợn sạch. NXB Lao động xã hội Hà Nội.

13.Tôn Thất Sơn, 2005. Giáo trình dinh dưỡng và thức ăn vật nuôi. NXB Nông nghiệp Hà Nội.

14.Trương Lăng và Nguyễn Hiền, 2000. Nuôi lợn siêu nạc. NXB Đà Nẵng. 15.Trương Lăng, 2003. Sổ tay nuôi lợn. NXB Đà Nẵng.

Một phần của tài liệu giáo trình chăn nuôi heo (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(50 trang)
w