Hỗ trợ heo nái sinh sản

Một phần của tài liệu giáo trình chăn nuôi heo (Trang 31 - 35)

HEO NÁI NUÔI CON VÀ HEO CON THEO MẸ 1 Chăm sóc Nuôi dưỡng heo nái nuôi con

1.2. Hỗ trợ heo nái sinh sản

- Chuẩn bị chuồng đẻ cho heo nái: vệ sinh chuồng bằng nước vôi hay hóa chất khử trùng chuồng cả ô úm heo con. Để trống chuồng 3 – 5 ngày trước khi chuyển heo lên chuồng đẻ.

- Vệ sinh cho heo nái: trước khi nái đẻ cần làm vệ sinh sạch sẽ vùng hội âm (quãng giữa âm hộ với hậu môn) vùng này thường chứa nhiều lớp nhăn da chất bẩn hoặc phân dính, chúng dễ vấy nhiễm vào âm đạo khi can thiệp móc thai và vấy nhiễm vào heo con mới sinh. Nên cắt sạch lông đuôi để tránh tình trạng nái vẩy đuôi khi rặn đẻ làm văng, phát tán dịch nhầy (sản dịch), hoặc dịch hậu sản, hoặc mủ (khi bị viêm đường sinh dục).

- Chuẩn bị ô úm heo con: vệ sinh ô úm 3 – 5 ngày trước khi heo nái sinh con với kích thước 1,2 – 1,5 m. Ô úm tránh tình trạng heo nái đè heo con và có thể tập trung để ủ ấm heo con mới sinh bằng bóng đè, Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập ăn sớm cho heo con mà không bị heo thúc đẩy và ăn thức ăn của heo con.

- Trực đỡ đẻ cho heo:

+ Chuẩn bị dụng cụ: Khi đến ngày đẻ heo nái có hiện tượng chảy sữa là heo nái sắp đẻ nên chuẩn bị dụng cụ đỡ đẻ: vải xô, cồn Iod 3 %, kiềm bấm răng, kéo cắt rốn, cân để cân khối lượng heo sơ sinh.

+ Sau khi rời khỏi bụng mẹ, heo con sơ sinh cần được xách dốc ngược đầu cho nước nhờn trong xoang miệng và mũi chảy ra ngoài, không chảy ngược vào khí quản gây sốc. Việc xách dốc ngược cũng giúp máu dồn về não trên những con bị ngộp nhờ đó não không bị tê liệt. Nên nắm chặt cuống rún tránh xuất huyết sau khi đứt rời với cuống nhau còn nằm trong bộ phận sinh dục heo nái. Nên quan sát kỹ để phát hiện tình trạng heo con bị ngộp: da tím tái, giãn cơ, heo mềm nhũn không cử động. Gặp trường hợp này phải nhanh chóng dùng khăn sạch lau móc nhớt trong xoang miệng, mở rộng miệng và dùng tay bóp lồng ngực 60 lần/phút để tạo thông khí phổi. Có thể phải tác động như thế trong vòng 15 - 20 phút kết hợp với việc lau, mở rộng miệng mỗi 2-3 phút/lần thì heo có thể phục hồi, cử động vặn mình, kêu… Nếu heo bị ngộp lâu thì khó hồi phục, nên dành thời gian để chăm sóc những con kế tiếp.

+ Khi thấy heo con bắt đầu cử động, tiến hành lau sạch chất nhầy toàn thân, cột rốn các thành bụng 2cm và cắt rốn cách chỗ cột 1cm. Chỉ cột rốn và kéo cắt rốn phải được sát trùng cẩn thận. Sau khi cắt rốn phải kiểm tra xem có xuất huyết vì cột rốn không chặt hay không và nhúng toàn bộ rốn vào dung dịch cồn iốt 5% để sát rùng cẩn thận.

+ Cắt bỏ 8 răng để tránh heo con cắn đau vú mẹ.

+ Thông thường mỗi 15 - 20 phút nái hạ một thai con, cũng có khi nái hạ liên tiếp nhiều con rồi ngưng nghỉ một thời gian. Không nên can thiệp bằng Oxytocin khi chưa hạ thai đầu tiên, nên tiêm oxytocin khi heo con trước đã ra được 30 phút. Việc dùng oxytoxin để can thiệp trong trường hợp quá trình đẻ diễn ra chậm chạp nhưng bình thường. Không nên dùng oxytocin trong trường hợp quan sát thấy heo nái rặn nhiều lần và kèm theo việc co 1 chân mà không đẻ được. Trong trường hợp này có thể do có heo con nằm ngang bịt kín đường đẩy thai ra. Như vậy ta phải can thiệp bằng cách cho tay vào trong để xoay heo con trở lại tư thế thuận ngôi và kéo heo con ra. Trước khi tiến hành can thiệp thì phải vệ sinh tay và âm hộ sạch sẽ tránh gây viêm nhiễm sau này.

+ Nên úm heo con sơ sinh nếu nhiệt độ bên ngoài lạnh để tránh tình trạng heo con hao hụt nhiều năng lượng chống lạnh, nhiệt độ úm chừng 30 - 33oC. Khi quan sát thấy heo con trong ổ úm bắt đầu đói ủi nhau tìm bú thì nên cho bú ngay, không nên giữ chúng lâu trong ổ úm, chúng có thể bú rốn lẫn nhau gây nhiễm trùng rốn hoặc tuột chỉ cột rốn xuất huyết nguy hiểm cho con bú rốn và con bị bú rốn.

+ Cho heo con bú sớm cũng kích thích nái đẻ tiếp những con còn trong bụng vì kích thích của heo con ở đầu vú sẽ dẫn truyền về não, não thuỳ sẽ tiết ra hormon Prolactin (tạo sữa) và Oxytocin (để xuống sữa, thải sữa)… Chính Oxytocin khi đến thành tử cung sẽ kích thích co bóp đẩy các bào thai còn lại ra ngoài. Nên lót rơm cỏ sạch, hoặc bao bố cho heo con nằm bú tránh lạnh bụng và trầy xước cuống rốn, cổ chân trước.

+ Phải cho đủ tất cả heo con bú được sữa đầu (colostrum) vì sữa đầu chỉ được tạo ra trong khoảng 24 giờ sau khi nái hạ thai và heo con cũng chỉ có khả năng hấp thụ sữa đầu tốt nhất trong 24 giờ đầu. Sữa non (hay sữa đầu) thường đậm đặc hơn sữa thường, có chứa nhiều vitamin A, nhiều protein và đặc biệt là gamma globulin (kháng thể) của nái mẹ để truyền cho heo con, giúp heo con kháng bệnh trong thời kỳ bú mẹ, trong khi khả năng sản xuất kháng thể chống bệnh của heo con còn yếu và chưa hoàn thiện. Vì vậy trong 24 giờ đầu ngoài việc cho heo con bú được sữa đầu, cần hạn chế tối đa sự nhiễm trùng cho heo con, đây là giai đoạn tranh đua giữa sự hấp thu kháng thể để chống bệnh với sự nhiễm trùng. Nếu sự hấp thu kháng thể nhanh mà sự xâm nhiễm mầm bệnh chậm thì heo con có sức đề kháng bệnh. Nhưng nếu ngược lại sự nhiễm khuẩn diễn ra nhanh chóng hơn sự hấp thu kháng thể thì sức khoẻ của heo con bị đe doạ, chúng có thể chết hàng loạt vì nhiễm trùng trong tuần lễ đầu.

+ Nên làm vệ sinh chuồng trại kỹ lưỡng sau khi nái đẻ xong, cần giữ ấm cho heo con (cho bú xong nên nhốt vào ổ úm) ít nhất là 3 - 7 ngày, nên cho bú từng cữ cách nhau mỗi 1g30 đến 2 giờ và tránh tình trạng nái bị mệt hay đè đạp con.

+ Những vú ngực của nái thường có khả năng tiết sữa tốt, nhưng vú áp chót thường có sữa lúc đầu rồi sau đó ngưng tiết sữa, vú chót thường cũng sản xuất nhiều sữa và dễ bị viêm, nhất là sau khi cai sữa. Do đó, những con nhỏ vóc khi bú vú nhiều sữa, tuy có lợi là mau lớn, nhưng sức tiêu thụ sữa không nhiều, dễ gây tình trạng dư sữa, sữa ứ đọng gây viêm, hư mất vú trong các lứa đẻ về sau.

+ Cho heo con bú từng cữ cũng có lợi là đánh thức chúng để bú vú nái, tránh tình trạng nái nhiều sữa heo con bú no ngủ nhiều, quãng cách giữa hai lần bú xa nhau, heo con không bú hết sữa mỗi lần nái xuống sữa, gây ứ đọng lâu, dễ nhiễm trùng vú, gây viêm, sữa ứ cũng tích chứa vi sinh vật lên men làm rối loạn tiêu hoá heo con. Vì vậy nếu những nái có khả năng tiết sữa nhiều thì khoảng cách giữa hai cữ bú chừng 1 giờ là tốt, không nên quá lâu. Heo con bú nhiều cữ trong những ngày đầu cũng kích thích

nái tiết nhiều oxytocin để co bóp tử cung, sừng tử cung tống các sản dịch ra ngoài nhanh chóng, tránh ứ đọng những chất dịch dễ gây nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng vòi trứng, cổ tử cung.

+ Nếu hạ thai bình thường thì trong vòng 3 - 4 giờ nái đẻ hết số con và nhau được tống ra sau cùng. Những nái tống nhau ra hàng loạt sau chót thường ít bị viêm nhiễm đường sinh dục vì lá nhau như là chất “lau rửa” tống khứ chất dịch hậu sản ra khỏi ống sinh dục. Trái lại, những nái có thai chết trước khi sinh, tầm vóc lớn, còn nằm trong bọc nhau, thì nái ít rặn chậm đẻ những thai này và có ảnh hưởng xấu đến những thai còn sống bên trong (tăng tỷ lệ heo con ngộp, chết trong lúc sinh: chết tươi).

* Cần cảnh giác các trường hợp heo nái đang hạ thai nhanh bỗng nhiên ngưng đẻ, cường độ rặn yếu để có biện pháp can thiệp kịp thời tống những thai chết trước khi sinh, cứu sống những thai sống trong bụng nái. Cũng có trường hợp sau khi tống hết số nhau (bằng số con đẻ ra), vẫn còn kẹt một con cuối cùng, con này thường to và cũng do nái mệt, ngủ nên không rặn đẻ kịp thời. Kẹt con như vậy thường gây chết sau vài giờ, thai và nhau bị sình thối gây viêm nhiễm trùng nặng cho nái, sốt cao, bỏ ăn, mất sữa… chết nhiều heo con vì đói.

Nhiều trường hợp nái đẻ heo còn nằm trong bọc nhau, cần nhanh chóng xé bọc để heo thở không bị chết ngộp. Sau khi nái đẻ hết con, nhau sẽ tống ra (số lá nhau bằng số con), khi nái cho con bú nếu đuôi buông thõng thì xem như không còn sót con sót nhau. Nhưng nếu như cho con bú, nái vẫn còn cong đuôi (đuôi quấn một vòng cong) và nếu quan sát kỹ có thể thỉnh thoảng nái nín thở, ép bụng, thì xem như vẫn còn kẹt con hay kẹt nhau chưa tống ra. Dấu hiệu cong đuôi thường báo hiệu rất chính xác tình trạng sót con hay sót nhau. Riêng ở nái sự sót con xảy ra nhiều hơn sót nhau so với những thú khác.

Trong khi đẻ, nhiều nái thường đứng dậy, đi uống nước, hoặc đi phân, đi tiểu và trở bề nằm để tiếp tục hạ thai, có lẽ do thai nằm trong hai sừng tử cung phân bố hai bên bụng, và việc trở bề nằm là cách thức để hạ thai theo tập quán tự nhiên. Do vậy thấy nái đẻ một số con rồi nghỉ, thì nên đỡ cho đứng dậy đi một vòng và tác động các vú đối diện để cho nái trở bề nằm (nếu muốn nái nằm bên phải thì xoa nắn bệ vú, hàng vú bên trái và ngược lại).

Nái bị nóng thở mệt ít rặn đẻ thì nên chống nóng cho nái bằng cách lau mát nhiều lần, chườm lạnh vùng đầu, hoặc điều chỉnh bầu tiểu khí hậu nếu có điều kiện, nhờ đó có thể giúp nái hạ thai nhanh ít tử vong cho bào thai.

Một số nái khi sắp đẻ thường bị sưng phù âm đạo rất nặng và nếu nái rặn đẻ quá mạnh hoặc dùng thuốc kích thích rặn đẻ, có thể gây vỡ âm đạo, xuất huyết, cần có biện pháp cầm máu kịp thời (dùng kẹp mạch máu và chỉ cột mạch máu), tránh tử vong cho nái.

Một phần của tài liệu giáo trình chăn nuôi heo (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(50 trang)
w