D. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ I DỰ ÁN ĐẦU TƯ
5. Các bước của quy trình soạn thảo dự án đầu tư
5.1 Nghiên cứu cơ hội đầu tư, hình thành sáng kiến đầu tư
Thực chất đây là giai đoạn nhà đầu tư tiến hành nghiên cứu thị trường, nghiên cứu môi trường đầu tư…. để tìm kiếm lĩnh vực đầu tư thích hợp. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội đầu tư, có thể có nhiều hướng bỏ vốn, nhưng nhà đầu tư cần chọn hướng nào phù hợp nhất, thuận lợi nhất cho mình được gọi là sáng kiến đầu tư. Khi đã lựa chọn được sáng kiến đầu tư, nhà đầu tư sẽ chuyển sang giai đoạn nghiên cứu kiền khả thi.
5.2 Nghiên cứu tiền khả thi
Đây là bước nhà đầu tư nghiên cứu sơ bộ các nội dung của hoạt động đầu tư: sự cần thiết đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, công nghệ, kỹ thuật. Tuy nhiên, bước nghiên cứu này mới chỉ dừng lại mức sơ bộ, khái quát, dự kiến, chưa tính toán một cách cụ thể và chi tiết. Chẳng hạn, dự kiến quy mô, hình thức đầu tư, dự kiến khu vực, địa điểm xây dựng, phân tích sơ bộ công nghệ, kỹ thuật, tính toán sơ bộ hiệu quả của đầu tư. Những nghiên cứu đó chưa thể làm cơ sở để quyết định thực thi. Kết quả của bước này là báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nay gọi là báo cáo đầu tư).
Tuy nhiên không phải mọi dự án đầu tư đều phải trải qua bước NCTKT. Chỉ dự án có quy mô đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài, độ phức tạp cao, chứa đựng nhiều yều tố bất định. Bởi những dự án này nếu không nghiên cứu tiền khả thi mà đi ngay vào nghiên cứu chi tiết, cụ thể sẽ dễ gặp thất bại và tổn phí rất lớn.
5.3 Nghiên cứu khả thi
Sơ với bước NCTKT, các nội dung được nghiên cứu ở bước này đầy đủ, chính xác, toàn diện hơn rất nhiều. Mọi vấn đề được đưa ra ở bước này đều phải có căn cứ, các giải pháp được đề cập phải mang tính hợp lý, thực tế, phải khẳng định chắc chắn tính khả thi của dự án. Kết quả bước nghiên cứu này gọi là báo cáo nghiên cứu khả thi (nay gọi là dự án đầu tư). Dựa trên các kết quả tính toán này, chủ đầu tư mới có thể thực hiện dự án thành công.