9.1. Tổng quan về quan hệ thương mại song phương Việt Nam-EU:
EU là thị trường với 27 nước thành viên, trên địa bàn rộng hơn 4 triệu km2, với dân số trên 460 triệu người, có tổng GDP là gần 15.000 tỷ USD, chiếm khoảng 27% tổng GDP của toàn thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu của EU với các nước ngoài khối là 2.800 tỷ USD, chiếm 25% kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn cầu.
Tháng 11/1990, Việt Nam và Cộng đồng châu Âu (nay là Liên minh châu Âu - EU) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao cấp nhà nước với một tổ chức khu vực là EU. Năm năm sau (1995), mối quan hệ “chưa từng có ấy” đã được cụ thể hóa bằng bản Hiệp định khung về hợp tác, tập trung trên lĩnh vực thương mại. Một nền tảng vững chắc cho sự phát triển mối quan hệ hai bên đã được thiết lập. Từ quan hệ giữa một bên là các nước cung cấp viện trợ phát triển và một bên là nước nhận viện trợ theo bản Hiệp định khung về hợp tác năm 1995, nay với thỏa thuận tiến tới PCA, quan hệ Việt Nam-EU trong thời gian tới sẽ được mở rộng và khắc sâu hơn trên nhiều lĩnh vực.
Quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển với tốc độ chóng mặt. EU trở thành đối tác thương mại số 1 của Việt Nam và cũng là nguồn cung cấp FDI lớn thứ hai của Việt Nam với tổng vốn đăng ký tính đến tháng 11/2007 đạt 8,4 tỷ USD.
9.2. Tình hình thương mại Việt Nam – EU:
9.2.1. Tình hình xuất khẩu:
Trong những năm qua, quan hệ trao đổi thương mại giữa Việt Nam với EU đạt mức độ tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với EU đạt trên 76 tỷ USD cho cả 9 năm (2000 – 2009), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 50,4 tỷ USD và nhập từ EU 26,1 tỷ USD. Trong các địa bàn những nước mà Việt Nam xuất nhập khẩu hàng hóa, EU là một trong những thị trường mà Việt Nam xuất siêu. Trong đó, chủ yếu là giày dép, hàng dệt may, cà phê, đồ gỗ, hàng thủy sản, dầu
thô... Trong các năm vừa qua, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU là Đức, tiếp theo đó là Anh; Pháp; Hà Lan…
So với 3 tháng đầu năm 2009, năm nay đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu hai tháng năm nay là nhóm hàng máy móc thiết bị phụ tùng; tiếp theo là điện thoại di động tăng mạnh (từ 270.000 USD lên 130 triệu USD 2 tháng đầu năm 2010); đây là dấu hiệu vui, vì trước đây mặt hàng đứng đầu là giày dép, dệt may.
9.2.2. Tình hình nhập khẩu:
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ EU những máy móc thiết bị; sản phẩm tân dược, nguyên phụ liệu cho dệt may và giày da, sắt thép, phân bón. Chúng ta nhập khẩu những mặt hàng đó là để phục vụ cho nền kinh tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, giá trị nhập các loại hàng hóa không nhiều, nói khác đi, ta không phải là thị trường xuất khẩu mạnh của EU.
9.3. Cơ hội, thách thức, và hướng đi để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU:
9.3.1. Cơ hội:
- Quan hệ chính trị – ngoại giao song phương hiện tốt đẹp. Điều đó là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quan hệ thương mại hai bên.
- Thị trường châu Âu rộng lớn, đa dạng có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hoá do Việt Nam sản xuất, trong đó có những sản phẩm như dệt may, giày dép, chè, cà phê, hạt tiêu, thủy sản và cao su tự nhiên... đồng thời những mặt hàng ta nhập từ EU là máy móc, công nghệ, nguyên liệu cao cấp để phục vụ cho sự phát triển kinh tế.
- Sức mua của người tiêu dùng châu Âu lớn và tương đối bền vững, đặc biệt là người tiêu dùng tại các nước Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Italy, Thụy Điển, Nga, Ucraina và Ba Lan.
- EU có lợi thế lớn về xuất nhập khẩu dịch vụ; chính sách thương mại của EU là hướng theo việc xóa bỏ các hạn chế thương mại, hạ thấp các hàng rào thuế quan và hiện EU đang thực hiện đa phương hóa, khu vực hóa và song phương hóa với các nước trên thế giới. Đây là những lợi thế có được từ EU mà chúng ta cần tận dụng phát huy trong trao đổi thương mại.
- Cơ cấu kinh tế Việt Nam và cơ cấu kinh tế nhiều nước châu Âu có tính bổ sung, có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh giữa hai bên.
- Cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu tương đối đông có nhu cầu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khá lớn.
- Tình hình an ninh, chính trị tại hầu hết các nước châu Âu đều cơ bản ổn định, là nhân tố quan trọng tạo tâm lý an tâm cho các doanh nhân và góp phần giảm thiểu các chi phí phòng ngừa rủi ro.
9.3.2. Thách thức:
- Hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật được Ủy ban châu Âu áp dụng đối với mặt hàng thủy sản, hàng dệt may, hóa chất và các sản phẩm dùng hóa chất… đã hạn chế số lượng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố buộc ta phải tự “thay đổi mình” để có thể sản xuất được hàng hóa có chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu của các “ông lớn khó tính”.
- Các hàng rào thương mại phi thuế quan khác; chẳng hạn từ tháng 12/2007, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không cho nhập khẩu cá kiếm của Việt Nam với lý do Việt Nam chưa phải là thành viên của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC)
- Những quy trình hoạch định và ban hành các quyết định liên quan đến thương mại của EU khá phức tạp. Việc vận động hành lang đối với các chính sách cũng trở nên vô cùng nan giải và tốn kém.
- Khác biệt về tập quán kinh doanh giữa phương Tây và phương Đông - Trở ngại ngôn ngữ
9.3.3. Thúc đẩy trao đổi thương mại:
Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ đối tác nhiều mặt với các nước châu Âu, trong đó có một số nước được xác định là đối tác chiến lược và đối tác quan hệ chiến lược. Quan điểm chung của Việt Nam khi làm ăn với EU là luôn coi EU là thị trường lớn của thế giới, quan điểm này sẽ khiến ta cẩn trọng khi tiến hành thương mại và đề ra được những chính sách khả thi, thúc đẩy thương mại hai bên theo chiều hướng tốt đẹp.
Để đạt được những mục tiêu xuất khẩu đã đề ra, theo như ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh thì trước tiên phải đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU hơn nữa, đặc biệt xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm mới, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như: cơ khí, thiết bị điện. Nâng cao chất lượng và tiếp tục xuất khẩu các loại nông sản chế biến nhiệt đới và những sản phẩm công nghiệp nhẹ như giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ…
Cần nghiên cứu, theo dõi các chính sách thương mại và công nghiệp của EU để kịp thời điều chỉnh, ứng phó trong từng giai đoạn. Phải tích cực tìm các nguồn nguyên liệu, vật tư quan trọng mà chúng ta có thể nhập khẩu từ EU để phục vụ cho xuất khẩu và sản xuất trong nước, đặc biệt những ngành có nhu cầu lớn…
Chương 10: