(a) Nguyên nhân vĩ mô
Môi trường kinh tế vĩ mô vẫn chưa thuận lợi cho thị trường TPCP phát triển. Mặc dù nền kinh tế trong giai đoạn đổi mới có sự tăng trưởng khá nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, lạm phát tăng cao tuy đã được kiềm chế nhưng tình hình lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao, sự
mất cân đối trong cơ cấu các ngành kinh tế còn rất cao, thị trường tài chính chưa phát triển… những điều này khiến cho việc thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia vào thị trường TPCP còn gặp nhiều khó khăn. Do đó làm cho thị trường TPCP kém phát triển, dẫn đến hạn chế trong việc thu hút vốn để phục vụ đầu tư phát triển của Chính Phủ.
Hệ thống pháp luật còn chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Văn bản pháp quy cao nhất về phát hành và giao dịch TPCP hiện mới chỉ dừng lại ở Nghị định của Chính Phủ mà chưa được xây dựng thành luật. Việc ban hành các văn bản pháp quy còn hạn chế, chưa đồng bộ làm cho việc vận hành thị trường gặp nhiều khó khăn và gây cản trở các thành viên tham gia thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức, các nhà tạo lập thị trường chuyên nghiệp…
Mô hình tổ chức thị trường TPCP chưa phù hợp. Hiện nay, các giao dịch TPCP chủ yếu diễn ra trên TTGDCK trong khi đó vẫn còn rất nhiều giao dịch ngoài sàn với khối lượng lớn chưa được tổ chức quản lý. Tại các nước phát triển các giao dịch TPCP được tổ chức chủ yếu trên thị trường phi chính thức.
(b) Nguyên nhân vi mô
Sự phối hợp của các cơ quan quản lý còn nhiều bất cập. Các văn bản về phân định trách nhiệm của các cơ quan quản lý còn chưa rõ rang dẫn đên việc tổ chức phối hợp chưa cao, thiếu tính hiệu quả. Sự gắn kết trong việc tổ chức phát hành còn yếu dẫn đến việc có thời điểm cả kho bạc nhà nước và quỹ HTPT cùng nhau phát hành, điều này đã dẫn đến sự thất bại của các đợt phát hành.
Công tác xây dựng kế hoạch chưa tốt dẫn đến hiệu quả thu hút vốn còn thấp. Một trong những công việc hết sức quan trọng có ảnh
hưởng đến sự thành công của chiến lược huy động vốn đó là công tác kế hoạch hóa; song công tác này hiện nay còn chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ xây dựng kế hoạch hàng năm, quý, tháng chưa có chiến lược tổng thể về huy động vốn thông qua hình thức TPCP. Do công tác kế hoạch hóa NSNN còn hạn chế nên dẫn đến phát hành trái phiếu còn thụ động, thời điểm phát hành đôi lúc còn trùng nhau, chưa phù hợp với khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế, dẫn đến lãi suất chưa thật chuẩn, đôi lúc còn khá cao không sát với tình hình thực tế.
Thiếu nhà tạo lập thị trường, nhà đầu tư kinh doanh trái phiếu chuyên nghiệp. Hiện nay, các nhà đầu tư có tổ chức chủ yếu là các NHTM, các công ty bảo hiểm tham gia đấu thầu trái phiếu hoặc bảo lãnh phát hành thường nắm giữ trái phiếu cho đến khi đáo hạn, chứ không đưa trái phiếu Chính Phủ ra giao dịch và họ coi đây là công cụ đầu tư dài hạn.
Hoạt động quản lý phát hành và giao dịch TPCP còn nhiều bất cập.
Mặc dù đã có nghị định 141/2003/NĐ-CP và pháp lệnh số 12/1999/PL-UBTVQH10 về phát hành công trái xây dựng tổ quốc làm khung pháp lý chuẩn cho việc phát hành và giao dịch TPCP trên thị trường, nhưng việc tổ chức quản lý thị trường TPCP và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình hoạch định chính sách còn nhiều vấn đề bất cập. Về điều hành lãi suất, lãi suất TPCP chưa phải là lãi suất chuẩn để tham chiếu. Lãi suất TPCP là do Bộ Tài Chính công bố cho từng đợt phát hành cụ thể, thường là thấp hơn lãi suất huy động vốn cùng kỳ hạn của các NHTM.
Thiếu cơ chế lãi suất chuẩn: ở Việt Nam hiện nay, cơ chế xác định lãi suất rất không chuẩn khi trái phiếu Chính Phủ nhiều khi còn cạnh tranh cả với lãi suất ngân hàng, trong khi đó lãi suất trái phiếu Chính
Phủ đáng ra phải là lãi suất chuẩn trên thị trường, bởi nó có độ rủi ro bằng không. Ở các nước phát triển, trên các trang báo kinh tế ấn bản hàng ngày luôn có cột lãi suất trái phiếu Chính Phủ với rất nhiều kỳ hạn khác nhau làm cơ sở để các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư của mình. Nhưng đó là ở nước ngoài, còn hiện tại với trái phiếu Chính Phủ ở Việt Nam, ngoài vấn đề về lãi suất thì kỳ hạn cũng còn rất ít, chủ yếu là các loại trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, khó có thể xây dựng được căn cứ lãi suất trên thị trường.
Hệ thống công nghệ tin học được áp dụng hiện nay trên thị trường chứng khoán còn nhiều hạn chế: Thường xuyên xảy ra sự cố như thể hiện thông tin sai lệch, mất dữ liệu trên bảng điện tử, dữ liệu không hiển thị hoặc hiển thị chập chờn……gây khó khăn cho việc ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư. Nếu không đầu tư phát triển công nghệ tin học thì khi thị trường ngày càng phát triển hệ thống tin học cũ không thể quản lý và vận hành tốt được, từ đó trực tiếp gây thiệt hại đến nhà đầu tư trên thị trường, kìm hãm sự phát triển của thị trường.
Một hạn chế nữa là nguồn nhân lực có kỹ năng cho thị trường cũng rất yếu kém. Vấn đề gặp phải trong quá trình phát triển thị trường vốn và tài chính ở Việt Nam đều được nhìn nhận rõ là khâu nhân lực. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và công sức.
Kết luận chương 2
Trái phiếu Chính Phủ đã trở thành hàng hóa có chất lượng cao trên thị trường chứng khoán. Mặc dù khối lượng phát hành và giao dịch chưa nhiều, quy mô thị trường còn chưa phản ánh hết tiềm năng, việc phát hành TPCP để huy động vốn còn nhiều bất cập nhưng thị trường TPCP cũng đã góp một
phần không nhỏ trong việc phát triển thị trường chứng khoán ngày hôm nay. Để phát huy được vai trò của thị trường TPCP đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, huy động nguồn lực tài chính trong xã hội phục vụ đầu tư phát triển, chúng ta cần có cái nhìn mới trong việc phát triển thị trường TPCP để nó trở thành một bộ phận quan trọng cảu thị trường tài chính. Từ thực trạng của thị trường TPCP ở Việt Nam hiện nay, chúng ta tìm ra được những mặt hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó, để từ đó nghiên cứu và đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện, bối cảnh cụ thể của Việt Nam nhằm huy động tối đa nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đất nước của Chính Phủ trong giai đoạn tới.
Chương 3: Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu Chính Phủ ở Việt Nam