THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ TÀI CHÍNH Ở VIỆT NAM
2.2.1.1 Hoàn thiện dần hệ thống luật tài chính ngân hàn gở Việt Nam:
Với mục tiêu hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích thị trường cho thuê tài chính phát triển, ngày 9/10/1995, chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/CP/1995 về “Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam”. Tiếp đó, Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư 03/TT-NH5 ngày 9/2/1996 hướng dẫn thực hiện Nghị định 64/CP. Các văn bản trên đã chính thức đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp cho thuê Việt Nam, là cơ sở pháp lý, là tiền đề cho việc thành lập và tổ chức hoạt động của các công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam. Các công ty lần lượt ra đời và đi vào hoạt động để cung cung cấp cho thị trường một loại hình dịch vụ tài chính mới. Từ đó cho đến nay, môi trường pháp lý đối với thị trường cho thuê tài chính không ngừng được cải tiến và hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường cho thuê tài chính phát triển. Nghị định 16/CP ban hành ngày 2/5/2001 và Thông tư 08/TT-NHNN ngày 6/9/2001 đã chính thức quy định quy chế về tổ chức hoạt động của công ty cho thuê tài chính. Ngoài ra, Nhà nước cũng ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn, luật các tổ chức tín dụng ban hành ngày 26/12/1997, Thông tư 01/2002/TT-BTP ngày 9/1/2002 và Thông tư 04/2002/TT-BTP ngày 22/2/2002 quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch đảm bảo nói chung và về cho thuê tài chính nói riêng, Thông tư 01/2003/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn trả nợ, chuyển nợ quá hạn đối với hoạt động cho thuê tài chính, luật dân sự, luật khuyến khích đầu tư trong nước, luật khuyến khích đầu tư nước ngoài…đã tạo được hành lang pháp lý cho hoạt động cho thuê tài
chính phát triển và hoàn thiện dần hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Hành lang pháp lý được thiết lập, với những quy định cụ thể và khá toàn diện là công cụ, là cơ sở quan trọng để phát huy vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước đối với các chủ thể hoạt động trên thị trường cho thuê tài chính. Như quy chế về tổ chức hoạt động của công ty cho thuê tài chính được ban hành trong nghị định 16/CP của Chính phủ không những là chuẩn mực giúp các bên tham gia vào thị trường cho thuê tài chính dễ dàng triển khai nghiệp vụ, mà còn là công cụ giúp Nhà nước có thể kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các chủ thể trên thị trường, tạo điều kiện để hoạt động này phát triển ổn định và có hiệu quả. Ngoài ra các quy định liên quan về thuế, chế độ khấu hao tài sản cố định của hoạt động cho thuê tài chính, chế độ kế toán đối với đơn vị cho thuê, đi thuê, các quy định về đảm bảo quyền sở hữu tài sản của người cho thuê… là công cụ giúp nhà nước kiểm soát chặt chẽ hoạt động của cả bên cho thuê và bên đi thuê, điều đó thể hiện vai trò quản lý tập trung của Nhà nước.
- Quy định về phân cấp quản lý-Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước về thị trường cho thuê tài chính là hoàn toàn phù hợp, bởi bản chất của hoạt động cho thuê tài chính là hình thức tín dụng trung và dài hạn, thị trường cho thuê tài chính là một bộ phận của thị trường vốn, là một trong những kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, đồng thời nó cũng thuận lợi hơn cho nhà nước trong việc sử dụng các công cụ điều tiết thị trường.
- Nghị định 16/CP đã giải quyết một số tồn tại, bất cập của nghị định 64/CP về quy chế tạm thời hoạt động cho thuê tài chính gây cản trở cho thị trường cho thuê tài chính phát triển, góp phần hoàn thiện yêu cầu phát triển của loại hình này, cụ thể là:
Công ty cho thuê tài chính được thực hiện hình thức mua rồi cho thuê lại, đây là một trong những điều chỉnh quan trọng nhằm giải quyết được nhu cầu tái cấu trúc vốn cho doanh nghiệp.
Theo nghị định 16/CP đối tượng cho thuê dần được mở rộng bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân có đăng ký kinh doanh.
Công ty cho thuê tài chính ngoài việc được phép phát hành trái phiếu, vay vốn từ các tổ chức tín dụng khác còn được huy động tiền gửi trên một năm để bổ sung vốn kinh doanh.