III Khả năng thanh toán
4. Đánh giá hoạt động huy động vốn của Maritime Bank
4.1 Những thành quả đạt được
4.1.1 So với kế hoạch Ngân hàng
Trong từng năm, Maritime Bank luôn thực hiện vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu kinh doanh mà Đại hội đồng Cổ đông giao, trong đó có hoạt động huy động vốn. Tổng số vốn huy động ở tất cả các hạng mục sản phẩm huy động như tiền gửi thanh toán, tiền gửi và vay của các TCTD, phát hành giấy tờ có giá đều vượt mức kế hoạch với tỷ lệ vượt mức cao (trên 100%). Trong số đó, vốn huy động được tại thị trường I ngày càng chiếm một tỷ lệ lớn trên tổng vốn huy động và không ngừng đạt mức tăng trưởng cao qua các năm đã thể hiện bước đi đúng đắn, tích cực của ngân hàng trong việc tối đa hóa tiện ích cho khối kinh tế và dân cư.
Chính sách tăng vốn điều lệ của Maritime Bank cũng đạt hiệu quả rõ rệt. Vốn điều lệ tăng dần qua từng năm, đạt mức 5.000 tỷ đồng tại thời điểm năm 2010 và gần đây Maritime Bank đã được Thống đốc NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ lên 8.000 tỷ đồng trong năm 2011. Việc tăng vốn điều lệ này thể hiện sự tăng trưởng vững chắc và ổn định của Maritime Bank không chỉ bởi hoạt động kinh doanh tốt mà còn nhờ công tác huy động vốn thực sự hiệu quả. Hệ số an toàn vốn của Ngân hàng luôn đạt hơn 8%, đảm bảo khả năng thanh khoản cũng như cung ứng cho các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
Nắm bắt được xu thế thị trường đang sôi động trở lại sau thời kỳ khủng hoàng của nền kinh tế, Maritime Bank đã có những bước đi đúng đắn trong hoạt động huy động vốn khi kịp thời tung ra các gói sản phẩm và tiện ích hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Có thể kể đến như việc cải tiến hệ thống internet banking nhanh, dễ hiểu, giao diện đẹp; các gói sản phẩm M1-Account, M-Business với lãi suất hấp dẫn, miễn phí thực hiện giao dịch, khách hàng được sử dụng phòng VIP và được các chuyên viên chuyên nghiệp tư vấn…
Quản lý nguồn vốn được thực hiện đúng phương pháp, mục tiêu: Quản lý quy mô, cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng đầy đủ, kịp thời; quản lý chi phí huy động vốn đảm bảo vừa có lợi cho Ngân hàng, vừa có lợi cho khách hàng; quản lý tính thanh khoản của các khoản nợ phù hợp với yêu cầu về kì hạn sử dụng và tạo sự ổn định của nguồn.
Maritime Bank là một trong những Ngân hàng ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong hệ thống NHTMCP Việt Nam trên các chỉ tiêu về thu nhập, lợi nhuận và cả về chỉ tiêu huy động vốn.
Sau khi phát hành cổ phiếu phổ thông tăng Vốn điều lệ lên 7.000 tỷ vào Quý II 2011 và chia thưởng lên 8.000 tỷ vào quý IV 2011, Maritime Bank sẽ là một trong những NHTM trong nước lớn nhất Việt Nam. Với tôn chỉ kinh doanh và chiến lược phát triển rõ ràng, Maritime Bank tự tin sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Nguồn vốn huy động từ các TCTD khác của Maritime Bank chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động có thể cho thấy uy tín và vị thế của Maritime Bank trên thị trường liên ngân hàng ngày càng được củng cố.
Để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh cũng như hoạt động huy động vốn thì một hệ thống công nghệ Ngân hàng hiện đại và tiên tiến là rất cần thiết đối với bất kỳ Ngân hàng nào. Maritime Bank luôn chú trọng phát triển tiêu chí này và đã được đánh giá là một trong những ngân hàng hiện đại nhất Việt Nam, được Ngân hàng Thế giới lựa chọn, tài trợ để tham gia Dự án Hiện đại hóa Ngân hàng và Hệ thống thanh toán, trở thành NHTMCP duy nhất được tiếp tục tham gia giai đoạn 2 của Dự án này từ năm 2005 cho đến nay.
Maritime Bank đã ký được thỏa thuận hợp tác với các Ngân hàng lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam. Nhờ đó, Maritime Bank không những phát triển được những ưu thế có sẵn của mình mà còn tận dụng được mạng lưới, uy tín cũng như kinh nghiệm của các Ngân hàng bạn trong việc phát triển hoạt động huy động vốn, đạt hiệu quả cao nhất.
4.2 Những hạn chế còn tồn tại
Tồn tại trong cơ cấu huy động vốn:
Hoạt động huy động vốn của Ngân hàng tập trung chủ yếu vào huy động nội tệ, trong khi tâm lý người dân vẫn ưa chuộng cách giữ tiền bằng vàng hoặc USD thì nguồn vốn huy động qua kênh này của ngân hàng cũng chưa đạt được hiệu quả tối đa so với nguồn lực.
Trong cơ cấu vốn huy động của Ngân hàng, nguồn vốn cho vay của các TCTD khác đối với Ngân hàng còn tương đối cao, xấp xỉ nguồn huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế, mặc dù là dấu hiệu tốt cho thấy uy tín của Maritime Bank trên thị trường liên ngân hàng nhưng cũng cần thiết phải đặt ra vấn đề về tính chất ổn định của nguồn vốn này và ảnh hưởng của nó đối với sự an toàn trong hoạt động của Ngân hàng.
Trước bối cảnh nền kinh tế hội nhập, nhu cầu vốn đầu tư tăng cao, đòi hỏi Ngân hàng phải có lượng vốn lớn, ổn định, tuy nhiên nguồn vốn huy động ngắn hạn vẫn chiếm ưu thế, phải sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn sẽ gây mất an toàn trong hoạt động của Ngân hàng.
Trong việc phát triển mở rộng mạng lưới huy động và các dịch vụ tiện ích.
Có thể nói hạn chế lớn nhất trong công tác huy động vốn của Maritime Bank đó là mạng lưới huy động còn nhỏ so với các NHTMQD và một số NHTMCP lớn như Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín… Hiện tại, Ngân hàng mới chỉ có 138 điểm giao dịch trên cả nước và các điểm giao dịch tập trung chủ yếu ở các đô thị, thành phố lớn, so với những NHTM khác, con số này còn khá khiêm tốn.
Các dịch vụ tiện ích như internet banking, phone banking tuy đã được triển khai thực hiện nhưng mạng lưới ATM của Ngân hàng vẫn còn tương đối ít so với nhu cầu sử dụng của khách hàng, đây cũng là một trong những lý do làm khách hàng phải đắn đo lựa chọn Maritime Bank để gửi tiền. Ngoài ra, các tiện ích khác như Home Banking, sử dụng thẻ Ngân hàng để thanh toán tiền hàng ở những trung tâm thương mại, cửa hàng ăn uống… vẫn chưa được triển khai thực hiện ở Maritime Bank.
Trong chính sách lãi suất của Ngân hàng
Mặc dù đã chú trọng trong việc đưa ra các mức lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng nhưng các mức lãi suất ở kỳ hạn ngắn hạn và dài hạn lại như nhau khiến cho khách hàng không mấy hào hứng với các kỳ hạn dài mà chỉ nhằm đến gửi các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng. Vì thế mà nguồn vốn trung và dài hạn của Ngân hàng không có chiều hướng tăng trưởng mạnh như nguồn vốn ngắn hạn.
Những hạn chế trên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan của nền kinh tế cũng như chủ quan từ phía Ngân hàng. Có thể kể đến một số nguyên nhân chính sau:
4.3.1 Nguyên nhân khách quan của nền kinh tế: Về tốc độ phát triển kinh tế và lạm phát
Tình hình kinh tế bất ổn trong những năm qua phần nào là nguyên nhân gây cản trở cho các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, trong đó có hoạt động huy động vốn. Năm 2008, 2009 suy thoái kinh tế nặng nề đã gây không ít trở ngại cho hoạt động Ngân hàng, năm 2010, mặc dù kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam đã có những bước khởi sắc đáng kể nhưng các hoạt động vẫn phần nào bị hạn chế. Năm 2010, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6.78% - một con số khả quan so với kế hoạch và so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, lạm phát trong năm 2010 gần gấp đôi tốc độ tăng GDP (11.75%). Do đó về thực tế, nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp và cá nhân nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động huy động vốn của Maritime Bank.
Về chính sách của Nhà nước
Trong thời gian nền kinh tế có lạm phát cao như giai đoạn 2008-2010, Nhà nước có chính sách thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất tái chiết khấu…để thu hút tiền ngoài xã hội, hạn chế khả năng cung ứng vốn và cấp tín dụng của NHTM. Ví dụ như trong năm 2010, NHNN đã tăng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9% vào ngày 5/11 do áp lực lạm phát, của thị trường tiền tệ, điều này đã dẫn tới việc một loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động lên mức trần là 14% để thu hút nguồn tiền gửi, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí huy động vốn cũng như hiệu quả công tác huy động vốn của NHTM.
Do tâm lý, thói quen tiêu dùng của người gửi tiền
Do thói quen tiêu tiền mặt của người dân Việt Nam vẫn còn phổ biến và tâm lý ưa chuộng việc cất giữ tiền thông qua đổi ra vàng, USD hoặc bất động sản đầu tư hơn là gửi tiền vào Ngân hàng. Niềm tin của người dân đối với các NHTM còn hạn chế.
Do cạnh tranh trong ngành
Cạnh tranh trong khối ngân hàng ngày càng gay gắt, cụ thể là cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước và cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước và ngân hàng 100%
vốn nước ngoài. Từng ngân hàng đều có thế mạnh riêng của mình và trong thời đại bình đẳng cạnh tranh như hiện nay, các ngân hàng đều hết sức nỗ lực trong việc cải tiến và đổi mới sản phẩm, thu hút nhiều hơn khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Các ngân hàng quốc doanh có lợi thế về mặt uy tín với khách hàng cũng như các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm trong tổ chức và thực hiện…tất cả những điều này sẽ là một thách thức to lớn đối với Maritime Bank, đòi hỏi Ngân hàng phải cố gắng hơn nữa để giữ vững tốc độ tăng trưởng huy động vốn, đạt chỉ tiêu mà Hội đồng cổ đông đã đặt ra.
4.3.2 Nguyên nhân chủ quan từ phía Ngân hàng
Các hình thức huy động vốn, sản phẩm huy động vốn của Ngân hàng chưa thực sự phong phú so với các ngân hàng khác. Chưa có sản phẩm mang tính chất độc quyền của Ngân hàng cũng như chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng trên thị trường.
Lãi suất huy động của Ngân hàng mặc dù cao hơn so với các NHTMQD, nhưng chỉ bằng hoặc cao hơn so với một số NHTMCP khác. Nếu so sánh với các NHTMCP lớn trên thị trường như SacomBank hoặc Ngân hàng Á Châu thì lãi suất của Ngân hàng không phải ở mức cạnh tranh được.
Công nghệ ngân hàng tuy đã được đổi mới và cải tiến hiện đại nhưng vẫn chưa được đầu tư theo chiều sâu. Sự đầu tư mới chỉ diễn ra ở một số chi nhánh lớn chứ chưa đồng bộ trong toàn hệ thống Ngân hàng, gây khó khăn cho cán bộ nhân viên ngân hàng làm ảnh hưởng đến quá trình giao dịch của khách hàng
Tuy mạng lưới hoạt động đã được mở rộng nhưng so với các NHTMCP lớn và các NHTMQD khác thì con số này vẫn khá khiêm tốn. Thêm vào đó, bộ phận Marketing của Ngân hàng hoạt động chưa thực sự hiệu quả trong việc gây ấn tượng với khách hàng khi giới thiệu về những sản phẩm và dịch vụ tiện ích của Ngân hàng.