Phản ứng của các quốc gia đối với luật chống bán phá giá của Mỹ

Một phần của tài liệu Quy định và thực tiễn chống bán phá giá của mỹ và giải pháp cho các doanh nghiệp việt nam.doc (Trang 54 - 57)

2. Những nhận xét về việc áp dụng luật chống bán phá giá của Mỹ

2.1 Phản ứng của các quốc gia đối với luật chống bán phá giá của Mỹ

Với “lối chơi” không công bằng quen thuộc của mình, Mỹ đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Và luật chống bán phá giá cũng không nằm ngoài những đối tượng đó. Trong những năm gần đây, liên minh Châu Âu, Nhật Bản và một số quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Mexico đã kịch liệt lên tiếng phản đối bộ luật chống bán phá giá của Mỹ mà cụ thể là đạo luật chống bán phá giá 1916. Các nước này cho rằng đạo luật chống bán phá giá 1916 của Mỹ đã vi phạm một số quy định của WTO. Cụ thể, ngày 1/2/1999, liên minh Châu Âu đã đệ đơn kiện lên WTO rằng đạo luật chống bán phá giá 1916 đã vi phạm:

♦ Khoản XVI: 4 của Hiệp định thành lập WTO tại Marrakesk.

♦ Khoản VI: 1 và khoản VI:2 của GATT 1994 và khoản 1, 2.1, 2.2, 3, 4, và 5 của Hiệp định chống bán phá giá của WTO

Vào ngày 3/6/1999, Nhật Bản cũng đệ đơn kiện lên WTO rằng đạo luật chống bán phá giá 1916 đã vi phạm :

♦ Khoản III: 4 của GATT 1994

♦ Khoản VI của GATT 1994 và Hiệp định chống bán phá giá của WTO, cụ thể là Khoản VI: 2 của GATT 1994 và khoản 18.1 của Hiệp định chống bán phá giá của WTO cũng như Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 9, và 11 của Hiệp định chống bán phá giá của WTO

♦ Khoản XVI: 4 của Hiệp định thành lập WTO tại Marrakesh (sau đây gọi là Hiệp định WTO) và Khoản 18.4 của Hiệp định chống bán phá giá của WTO.

Sau khi xem xét đơn kiện, WTO đã thành lập ban điều tra và đã ra bản báo cáo vào ngày 31/3/2000 như sau:

Đạo luật chống bán phá giá của Mỹ đã vi phạm một số điều khoản về chống bán phá giá của WTO, cụ thể :

(1) Các yêu cầu về gây thiệt hại thuộc Khoản VI: 1 GATT:

Khoản VI: 1 GATT quy định rằng : Hành vi bán hàng ở mức giá thấp hơn mức hợp lý LTFV chỉ bị coi là hành vi bán phá giá nếu hành vi đó gây hoặc đe doạ gây thiệt hại vật chất đối với một ngành sản xuất nằm trong khu vực hoạt động của bên nguyên đơn, hoặc kìm hãm việc thành lập một ngành sản xuất nội địa. Mặc dù, quy định của Luật chống bán phá giá 1916 khá tương đồng với quy định trên nhưng đạo luật chống bán phá giá 1916 vẫn vi phạm Khoản VI: 1 GATT do đạo luật 1916 không hề đưa ra các yêu cầu cụ thể về việc gây thiệt hại như trong Khoản VI:1 GATT.

(2) Các hình thức chống bán phá giá hợp lệ theo quy định của GATT 1994 Luật chống bán phá giá 1916 vi phạm Khoản VI: 2 GATT 1994 và khoản 18.1 Hiệp định chống bán phá giá của WTO bởi lý do luật chống bán phá giá 1916 cho phép áp dụng các biện pháp khác ngoài thuế chống bán phá giá để đối phó với hàng nhập khẩu. Cụ thể, khoản VI: 2 GATT 1994 và Hiệp định chống bán phá giá của WTO quy định rõ : Việc áp dụng thuế chống bán phá giá là biện pháp duy nhất mà các nước thành viên của WTO có thể áp dụng đối với hành vi bán phá giá.

Sự vi phạm của Mỹ có thể được thấy rõ hơn khi trong năm tài khoá 2001, Mỹ đã thông qua đạo luật P.L 106-387 về lĩnh vực nông nghiệp theo đó cho phép Cục Ngân khố Mỹ chuyển nhượng số tiền thu được từ thuế chống bán phá giá cho các công ty đệ đơn kiện yêu cầu “bảo hộ”. Đạo luật này rõ ràng là một hình thức trợ giá của chính phủ, giúp tăng thêm một lớp bảo hộ cho thị trường

Mỹ. Đây chính là một động thái vi phạm Hiệp định chống bán phá giá của WTO bởi Hiệp định này chỉ cho phép các chính phủ áp dụng biện pháp thuế quan để đối phó với những gian lận về giá, chứ không cho phép các quốc gia thành viên tạo thêm bất kỳ một hàng rào bảo hộ nào khác giống như hành động trên của Mỹ.

(3) Các vi phạm khác

Ngoài các vi phạm về mặt quy định trên, Mỹ còn vi phạm các quy định của WTO trong việc xác định hành vi bán phá giá. Trước hết, theo quy định của Hiệp định chống bán phá giá của WTO, khi so sánh giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá trị thông thường, cơ quan điều tra của nước thành viên phải sử dụng đồng nhất cùng một phương pháp cho cả hai mức giá. Cụ thể, nếu sử dụng phương pháp giá trị trung bình (weighted averages) để tính giá xuất khẩu thì cũng phải áp dụng phương pháp giá trị trung bình để tính giá trị thông thường. Còn nếu lấy giá xuất khẩu theo từng giao dịch cụ thể thì cũng phải lấy giá trị thông thường theo từng giao dịch cụ thể. Tuy nhiên, như đã đề cập trong Chương I, ngoài việc áp dụng hai phương pháp trên, Mỹ vẫn áp dụng một phương pháp thứ ba, đó là so sánh giá xuất khẩu của từng giao dịch với giá trị thông thường trung bình. Trên thực tế, bản thân phương pháp thứ ba này không phải là nguyên nhân chính tạo ra sự vi phạm, mà sự vi phạm cơ bản do biện pháp làm tròn (zeroing) mà DOC sử dụng. Còn phương pháp thứ ba có tác dụng như một chất xúc tác : Tạo ra các mức bán phá giá âm, để biện pháp zeroing có tác dụng.

Một vi phạm khác trong các quy định về bán phá giá của Mỹ là : Bộ luật Thương mại 1979 đã đưa ra một mức sàn cho chi phí quản lý và lợi nhuận, cụ thể là 10% cho chi phí quản lý và 8% cho lợi nhuận (xem phần 2.1 Chương I). Các mức sàn này được đưa ra chủ yếu nhằm phục vụ cho công tác xác định mức bán phá giá theo phương pháp giá dự tính. DOC thường áp dụng các mức này trừ khi số liệu thực tế cho thấy một mức cao hơn. Trong khi đó, WTO quy định các nước thành viên phải dựa trên các dữ liệu thực tế để xác định các yếu tố này.

Một phần của tài liệu Quy định và thực tiễn chống bán phá giá của mỹ và giải pháp cho các doanh nghiệp việt nam.doc (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w