Hoa Kỳ là chủ đầu tư của nhiều nước, chủ yếu đầu tư nhiều nhất vào những nơi có cơ sở hạ tầng phát triển, trình độ lao động có chuyên môn cao, luật pháp ổn định rõ ràng, mức độ rủi ro thấp. Với những tiêu chí này thì các nước ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương là địa chỉ hấp dẫn để thu hút FDI. Đối với Việt Nam, chắc chắc sau sụ kiện Việt Nam trở thành thành viên của WTO, triển vọng FDI từ Hoa Kỳ sẽ sáng sủa hơn rất nhiều.
Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang có những kế hoạch lớn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cao, năng lượng, du lịch, vận chuyển, tài chính và ngân hàng. Triển vọng phát triển năng động và bền vững của nền kinh tế đang mở ra những cơ hội mới cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam, không chỉ trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ cao mà cả trong lĩnh vực dịch vụ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, vận tải, y tế, giáo dục- đào tạo...
Việt Nam hiện có nhu cầu vốn lớn để đầu tư đường cao tốc, cảng biển, sân bay, điện, lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, ngân hàng, trong khi đây là những lĩnh vực các nhà đầu tư Hoa Kỳ có thế mạnh rất quan tâm. Tập đoàn Intel đến nay cam kết đầu tư 5,5 tỷ USD sản xuất các mặt hàng điện tử tại Việt Nam. Nhiều quỹ đầu tư tại Việt Nam, tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ rất cao, từ 30 đến 45% như Quỹ Indochina Capital, Quỹ Dragon Capital.
Nhu cầu về các dịch vụ tài chính của Việt Nam là rất lớn và đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng. Một ví dụ cụ thể là hiện nay mới chỉ có 30% người dân sử dụng tài khoản cá nhân; hay như doanh nghiệp tư nhân ra đời ngày càng nhiều, nhất là kể từ khi Việt Nam gia nhập
WTO, kéo theo đó là nhu cầu về vốn là rất lớn... Đây là 2 trong nhiều yếu tố đang rất hấp dẫn các tập đoàn tài chính ngân hàng lớn của Hoa Kỳ. Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa các dự án thủy điện, cấp phát điện, các dự án xây dựng cảng biển và khai thác khoáng sản.
Dầu khí và năng lượng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
DN Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam cần nhanh chóng thành lập cơ quan quản lý, điều tiết độc lập và đơn giản hoá các thủ tục pháp lý trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng. DN Hoa Kỳ mong muốn Chính phủ Việt Nam mở cửa với các sản phẩm rộng hơn nữa, sau khi đã mở cửa chính sách. Một khi những vấn đề này được giải quyết, các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam.
Chủ tịch tập đoàn General Electric khu vực Singapore, Philippines và Việt Nam bày tỏ sự quan tâm tới những dự án đầu tư trong ngành điện lực trên khắp Việt Nam khi biết rằng Chính phủ Việt Nam đang hướng tới một thị trường năng lượng có tính cạnh tranh. Tập đoàn năng lượng General Electric mong muốn sớm nhận được hồ sơ thầu cho những dự án trong ngành điện ở Việt Nam và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực… Những khách hàng chính của GE tại Việt Nam hiện nay là Vietnam Airlines, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Petro Việt Nam, các bệnh viện công và tư...
Tập đoàn Alcoa Inc- tập đoàn hàng đầu thế giới về năng lượng và khai khoáng quan tâm đến việc phát triển quan hệ hợp tác với Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Đăk Nông trong việc xây dựng một nhà máy tinh luyện nhôm công suất 1,5 triệu m3/năm. Tập đoàn Cummins mong muốn phát triển các hệ thống phân phối sản phẩm ngành điện lực, điện tử tại Việt Nam.
Trong khi đó, Hãng Gannon- một nhà đầu tư quốc tế đa ngành mong muốn đẩy nhanh việc cấp phép xây dựng một khu công nghiệp và xây dựng một nhà máy điện ở Việt Nam. Hãng năng lượng điện lớn nhất thế giới AES quan tâm đến Dự án
Nhiệt điện Nghi Sơn và Dự án Nhiệt điện Ô Môn; đồng thời hợp tác với các Tập đoàn lớn của Việt Nam như Petro Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà để phát triển các dự án năng lượng.
TNCs Hoa Kỳ còn muốn đầu tư 100% vốn vào Việt Nam. Hoa Kỳ còn quan tâm nhiều đến những dự án địa ốc ở Việt Nam và những dự án thuộc những lĩnh vực tiềm năng khác.
Hoa Kỳ coi Việt Nam là điểm đến cho CNTT
Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư CNTT từ giới doanh nghiệp Hoa Kỳ. Hiện tại, lượng vốn đầu tư có quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông từ Hoa Kỳ, và từ các chi nhánh của công ty Hoa Kỳ tại Châu Á vào Việt Nam đang gia tăng.
Có lẽ bước ngoặt cho điều này chính là sự hiện diện của của Tập đoàn Intel tại Khu công nghệ cao Tp.HCM thông qua dự án đầu tư trị giá 1 tỷ USD vào năm 2006. Nối gót Intel là hàng loạt các công ty khác của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đã chọn Việt Nam là điểm dừng chân trong năm nay... Những nhà đầu tư lớn như Microsoft, Unisys, Qualcom và Motorola cũng đang thúc đẩy các dự án hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ vừa công bố mới đây, thì đó chính là mức thuế quan thấp, môi trường đầu tư ngày càng tích cực, và các tiêu chuẩn đang được cải thiện của Việt Nam đang hấp dẫn các doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông của Hoa Kỳ.
Về thuế quan, theo cam kết thuế trong Hiệp định Công nghệ Thông tin (ITA) khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông, như máy tính, thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông và phần mềm máy tính. Lộ trình giảm thuế quan dự kiến bắt đầu vào năm 2008 và miễn thuế toàn bộ vào năm 2014. Theo đó, khoảng 45% sản phẩm trong Hiệp định ITA đã được miễn thuế, 45% được hưởng mức thuế quan 5-10%; và 10% các sản phẩm còn lại chịu thuế quan ở mức 30%.
Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng cho rằng, việc tăng cường bảo hộ các nhà đầu tư cũng làm tăng thêm lượng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong một số tiểu ngành công nghệ thông tin và truyền thông, các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng được hưởng các điều khoản ưu đãi tối huệ quốc và đối xử quốc gia theo BTA Việt Nam- Hoa Kỳ. Tập đoàn IDG nhận định, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng để hợp tác, đầu tư phát triển về CNTT. Sinh viên Việt Nam được đánh giá là rất thông minh, năng động. IDG luôn muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng CNTT.