III. Thực trạng quản lý nhà nước đối với TTCK Việt Nam 1 Mô hình quản lý nhà nước đối với TTCK ở Việt Nam
2. Thực tiễn QLNN đối với TTCK Việt Nam trong thời gian vừa qua 1.Hoạt động phát hành chứng khoán
2.1.2. QLNN đối với hoạt động PHCK của các doanhnghiệp
PHCK là một hoạt động kinh tế hết sức nhạy cảm, vì tuy là giai đoạn đầu nhưng nó hàm chứa nhiều yếu tố dẫn đến rủi ro của TTCK. Nó được ví như con dao hai lưỡi, có thể đem lại một nguồn vốn to lớn cho đầu tư phát triển kinh tế, nhưng nếu không được quản lý tốt sẽ gây khủng hoảng cho TTCK, gây thiệt hại xấu cho người đầu tư và thông qua đó ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế đất nước.
Ơ Việt Nam, từ khi TTCK còn ở giai đoạn manh nha, hoạt động chưa có tổ chức cho tới nay, pháp luật đã có những quy định cụ thể về chứng khoán và PHCK. Trong thời gian qua, cơ sở pháp lý cho hoạt động PHCK của các doanh nghiệp đã được Nhà nước ban hành tương đối cụ thể và hoàn thiện từng bước. Các văn bản pháp lý chung cung cấp các cơ sở pháp lý về PHCK doanh nghiệp đã được Nhà nước ban hành, sửa đổi và hoàn thiện như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật…đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động PHCK.
Theo quy định của pháp luật về quyền PHCK của các doanh nghiệp đó là : DNNN được phát hành trái phiếu, cổ phiếu; CtyCP được phép phát hành cổ phiếu, trái phiếu; các NHTM quốc doanh được phép phát hành trái phiếu NHTM; DNNN CPH được phát hành cổ phiếu. Việc Nhà nước cho phép nhiều đối tượng khác nhau được PHCK góp phần tạo ra sự đa dạng về hàng hoá cho TTCK, đặc biệt là thị trường tập trung. Các loại chứng khoán được phép phát hành và giao dịch trên TTCK Việt Nam bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán phái sinh, các giao dịch về các loại hình chứng khoán phái sinh đã bắt đầu manh nha hình thành nhưng vẫn còn ít. Trên TTCK hiện nay chỉ có cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ đang được giao dịch. Trên phương diện pháp lý, có hai phương thức phát hành cơ bản là phát hành riêng lẻ và PHCK ra công chúng. Tuy vậy, Luật Chứng khoán chứng khoán chỉ điều chỉnh hoạt động PHCK ra công chúng.
Các điều kiện PHCK ra công chúng đã được Chính phủ điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với điều kiện của nền kinh tế trong từng thời kì. Nếu như trước kia Nghị định 48/1998/NĐ-CP quy định khá chặt chẽ các điều kiện PHCK ra công chúng ( doanh nghiệp có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh có lãi trong hai năm liên tục gần nhất, thành viên HĐQT phải có kinh nghiệm quản lý kinh doanh, có phương án khả thi việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán,..). Số vốn điều lệ là 10 tỷ đồng khi đó là một yêu cầu khá cao cho các doanh nghiệp trong giai đoạn đó nên chưa tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp PHCK, mặt khác, quy định về kinh nghiệm quản lý và kinh doanh của HĐQT và giám đốc lại là một quy định chủ yếu mang tính định tính, khó xác định. Trong Nghị định 144/2003/NĐ-CP đã giảm bớt và nới lỏng các điều kiện này: doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 5 tỷ đồng đối với phát hành cổ phiếu và trên 10 tỷ đồng đối với phát hành trái phiếu, hoạt động kinh doanh liền trước năm đăng kí phải có lãi, có phương án khả thi trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được; nếu phát hành trái phiếu thì phải có tổ chức bảo lãnh phát hành và xác định đại diện người sở hữu trái phiếu. Sự nới lỏng này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho
các doanh nghiệp trong việc tiếp cận công chúng để huy động vốn, vừa góp phần thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển. Tuy vậy, theo Luật Chứng khoán thì điều kiện để PHCK đối với các doanh nghiệp đã được thắt chặt hơn. Theo đó, đối với phát hành cổ phiếu: doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ tại thời điểm đăng kí chào bán phải là 10 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán, hoạt động năm liền trước năm đăng kí chào bán phải có lãi…; đối với các công ty mới thành lập trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hoặc lĩnh vực công nghệ cao tiến hành chào bán chứng khoán ra công chúng đợt đầu phải có tổ chức bảo lãnh phát hành và phải có ngân hàng giám sát việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Đối với phát hành trái phiếu thì yêu cầu vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng kí chào bán tối thiểu 10 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng kí chào bán phải có lãi,…Đối với việc phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư là tổng giá trị chứng chỉ quỹ đăng kí chào bán tối thiểu 50 tỷ đồng…Như vậy, các điều kiện phát hành được yêu cầu cao và chặt chẽ hơn bởi xét theo tình hình mới của nền kinh tế, có rất nhiều doanh nghiệp thoả mãn được điều kiện trên, đồng thời để tạo tiền đề tăng cung hàng hoá có chât lượng cho TTCK.
Các thủ tục trong việc phát hành chứng khoán ra công chúng đã được Chính phủ hoàn thiện theo hướng đơn giản hoá, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp. Theo Nghị định 48/1998/NĐ-CP thì thời hạn UBCKNN trả lời việc cấp hay từ chối là 45 ngày kể từ ngày nhận đủ bộ hồ sơ hợp lệ. Tuy vậy, theo nghị định 144 và sau đó là tới quy định theo Luật Chứng khoán thì thời gian này rút xuống còn 30 ngày. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 93/2005/TT-BTC để sửa đổi Thông tư 60/2004/TT-BTC hướng dẫn việc PHCK ra công chúng, trong đó đã bỏ hẳn yêu cầu TCPH phải nộp hồ sơ quyết toán thuế khi muốn phát hành ra công chúng. Việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức hay việc phát hành thêm cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu chỉ đòi hỏi hồ sơ đăng kí phát hành gồm đơn đăng kí phát hành, quyết định của Đại hội đồng cổ đông và bản giải trình nguồn vốn hợp pháp để phát hành thêm. Đây là những quy định tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Việc tổ chức xét duyệt và cấp chứng nhận đăng kí PHCK ra công chúng cho các TCPH đã được UBCKNN đảm bảo đúng quy định. Theo Quyết định 301/QĐ-UBCKNN do Chủ tịch UBCKNN ban hành vào ngày 9/5/2006 thì hiện tại UBCKNN đảm nhận việc cấp chứng nhận đăng ký PHCK ra công chúng, cấp phép niêm yết, cấp phép hoạt động cho các tổ chức kinh doanh theo một quy trình gồm 6 bước: tiếp nhận hồ sơ; thẩm tra hồ sơ; phân tích, lập báo cáo trình lên Chủ tịch UBCKNN và Hội đồng xét duyệt; họp Hội đồng xét duyệt; hoàn tất thủ tục cấp phép; công bố cấp phép. Quy trình này tương đối chặt chẽ, đảm bảo sự giám sát của các bộ phận chức năng liên quan và đảm bảo được tính khách quan của bộ phận xét duyệt.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, TCPH thực hiện việc chào bán chứng khoán ra công chúng phải đăng kí với UBCKNN ( trừ chào bán TPCP và trái phiếu của tổ chức tài chính quốc tế được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, cổ phiếu của các DNNN mới chuyển thành CtyCP và chào bán chứng khoán theo quyết định của toà án). UBCKNN có quyền đình chỉ hoặc huỷ bỏ việc chào bán chứng khoán ra công chúng nếu như TCPH vi phạm, không thực hiện được các điều kiện đặt ra. Cũng theo Luật Chứng khoán, các TCPH đã hoàn thành việc chào bán cổ phiếu ra công chúng trở thành công ty đại chúng và phải thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng theo quy đinh của pháp luật.
Công tác QLNN đối với việc PHCK đã đạt được bước đầu thuận lợi, tuy vậy vẫn còn tồn tại một sô hạn chế làm giảm hiệu quả của hoạt động này. Đối với việc phát hành TPCP thì hạn chế bắt nguồn từ lãi suất chỉ đạo của Bộ Tài chính còn thấp, chưa thực sự hấp dẫn, phương thức trả lãi thiếu linh hoạt. Bộ Tài chính vừa phát hành trái phiếu qua đấu thầu, vừa phát hành trái phiếu bán lẻ qua KBNN trong cùng một thời gian với cùng một kì hạn trái phiếu, cùng một lãi suất đã không khuyến khích các tổ chức tài chính trung gian đấu thầu TPCP để bán lại trên thị trường thứ cấp. Việc phát hành TPCP qua hệ thống KBNN thường dài trong nhiều tháng, hình thức phát hành TPCP chủ yếu là dưới dạng chứng chỉ, trái phiếu kho bạc thì thường phát hành dưới dạng chứng chỉ có ghi
tên người nắm giữ. Điều này làm tăng chi phí cho lưu kí chứng khoán, sau đó vừa làm cho TPCP khó đáp ứng các yêu cầu cần thiết để giao dịch trên TTCK thứ cấp. Bên cạnh đó, chúng ta còn chưa hình thành hệ thống phân phối TPCP trên thị trường sơ cấp, năng lực bảo lãnh và làm đại lý phát hành của các tổ chức nhận bảo lãnh và phát hành còn hạn chế, cho nên tồn tại khối lượng lớn TPCP do các tổ chức này giữ lại mà không phân phối ra công chúng. Việc quy định lãi suất trần trong đấu thầu TPCP quá thấp so với lãi suất huy động vốn bình quân trên thị trường đã làm cho nhiều phiên đấu thầu TPCP có kết quả thấp. Khối lượng đăng kí tương đối cao, bình quân gấp 3,65 lần khối lượng gọi thầu nhưng tỷ lệ thành công lại theo chiều hướng giảm dần (nếu như trong quý I/2007 tỷ lệ này là 99% thì đến quý II/2007 giảm xuống còn 82,46%, và đến cuối quý III/2007 con số này chỉ còn 58,39%). Ví dụ như TPCP kì hạn 5 năm thì mức lãi suất trần quy định là 7,05-7,9%, kì hạn 10 năm là 7,95-8,6%, 15 năm là 8-8,8% , trong khi đó trái phiếu các doanh nghiệp phát hành lại đưa ra mức lãi suất khá hấp dẫn, tính thanh khoản cao hơn hẳn TPCP khiến các nhà đầu tư đổ dồn vào trái phiếu doanh nghiệp và không mặn mà với TPCP ( ví dụ, NHTMCP A Châu vừa phát hành thành công 2.250 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 8,6%/năm; Tổng công ty Xây dung dịch vụ Việt Nam VINECO cũng vừa chào bán thành công 5 triệu trái phiếu kì hạn 5 năm, lãi suất cố định là 10,15%/năm, số lượng đăng kí mua trong đợt phát hành này lên tới 11,1 triệu trái phiếu). Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại lạm phát có xu hướng gia tăng khiến mức lãi suất TPCP ( chỉ khoảng trên dưới 7-8%) không đủ bù đắp lại mức tăng giá do lạm phát mà các nhà đầu tư trong nước phải gánh chịu. Riêng nhà đầu tư nước ngoài thì còn tồn tại lo ngại liên quan đến chính sách điều hành tỷ giá của NHNN nên vẫn chưa mặn mà với trái phiếu nói chung và TPCP nói riêng. Trước đây, nhà ĐTNN hy vọng rằng đồng Việt Nam sẽ mạnh lên do các luồng vốn từ nước ngoài đổ vào tạo sức ép tăng giá đồng nội tệ, nhưng NHNN vẫn duy trì chính sách đồng tiền Việt Nam giảm giá và thường mức trung bình từ 1%/1 năm. Tỷ giá bị chênh lệch mất 1%
cộng với lạm phát gia tăng khiến sức hấp dẫn của TPCP cũng bị ảnh hưởng không nhỏ và cầu từ phía nhà ĐTNN cũng giảm đi trông thấy.
Trong công tác QLNN đối với hoạt động PHCK của các doanh nghiệp thì hạn chế đầu tiên phải kể đến là cơ sở pháp lý cho hoạt động PHCK ra công chúng chưa có tính thống nhất và chưa thực sự đầy đủ, từ đó làm nảy sinh bất hợp lý. Việc PHCK của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng, hoạt động phát hành cổ phiếu ra công chúng của các DNNN CPH lại được thực hiện theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lại được quy định trong Nghị định 02/2006/NĐ-CP. Còn việc PHCK của các loại hình doanh nghiệp khác lại được thực hiện theo quy định trong Luật Chứng khoán. Sự thiếu thống nhất về cơ sở pháp lý đã nảy sinh một số bất hợp lý. UBCKNN được giao là cơ quan quản lý cao nhất nhưng thực tế việc quản lý doanh nghiệp phát hành lại do nhiều cơ quan tham gia. UBCKNN chỉ quản lý doanh nghiệp phát hành ra công chúng để niêm yết và giao dịch trên TTCK, các doanh nghiệp khác phát hành cổ phiếu ra bên ngoài thuộc diện quản lý của của các Bộ ngành chủ quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp cổ phần cũng có thể dễ dàng phát hành cổ phiếu theo Luật Doanh nghiệp mà không bị quản lý. Do đó làm cho doanh nghiệp lúng túng không biết phải báo cáo cho những cơ quan nào và các thủ tục cần có khi muốn PHCK ra công chúng. Hai là, trong hoạt động bảo lãnh phát hành thì nhiều tổ chức kinh doanh hoạt động này gặp khó khăn về vốn, đặc biệt trong điều kiện khi các CtyCK chưa có thói quen liên kết thành tổ hợp bảo lãnh phát hành, chất lượng của các công ty kiểm toán còn chưa cao, hoạt động tư vấn còn thiếu chuyên môn trong khi đó công việc này lại khá phức tạp. Hoạt động hỗ trợ thị trường sau phát hành tại Việt Nam chưa được hình thành. CtyCK tham gia bảo lãnh phát hành cho doanh nghiệp đồng thời kết thúc vai trò của mình sau khi đợt phát hành kết thúc, chưa có CtyCK nào tiếp tục tham gia vào việc tác động giá cổ phiếu trên thị trường sau khi cổ phiếu đó được phép phát hành. Ba là,theo quy định của Việt Nam thì quá trình PHCK và niêm yết là tách biệt, cổ phiếu sau khi phát hành lại
không được niêm yết và giao dịch ngay trên TTCK, thời gian CPH đến khi được niêm yết và giao dịch trên TTCK lại quá lâu nên lợi ích của việc phát hành mang lại nhiều khi bị giảm bớt. Nhiều công ty CPH, kể cả các công ty lớn không có chủ trương gắn kết hoạt động phát hành với niêm yết bởi nhiều lý do như sợ thủ tục phức tạp, e dè nghĩa vụ phải công bố thông tin ra công chúng sẽ làm mất khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác không phải thực hiện nghĩa vụ này. Bốn là, cơ chế đảm bảo tính công khai minh bạch trong hoạt động PHCK ra công chúng chưa thật sự chặt chẽ,sự giám sát của Nhà nước còn lỏng lẻo, cho nên dẫn tới trường hợp một số doanh nghiệp chưa đảm bảo nghĩa vụ CBTT, chưa thực sự tuân thủ những quy định của pháp luật trong quá trình PHCK, nhiều doanh nghiệp che dấu thông tin để đánh lừa nhà đầu tư bên ngoài. Ví dụ như trường hợp của công ty XNK nông sản Saforimex. Trước đó công ty này đã bán ra hơn 8000 cổ phiếu để thực hiện CPH, nhưng ngay sau đó toàn bộ số tiền này đã bị toà án phong toả để trả nợ, thậm chí số nợ của công ty này còn vượt quá nhiều lần so với giá trị được CPH. Như vậy, nhà đầu tư đã nhận được thông tin không trung thực khi công ty tuyên bố lãi 3 năm liên tục.
Tóm lại, công tác PHCK trên TTCK trong thời gian qua đã đạt được những kết quả ban đầu trên cả phương diện tạo dựng cơ sở pháp lý và thủ tục hành chính. Tuy vậy, những khiếm khuyết còn tồn tại đã làm giảm vai trò QLNN và tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.