2. Thực trạng áp dụng mô hình Grameen Bank ở Việt Nam
2.3 Khảo sát thực tế thực trạng vay vốn của các hộ gia đình
Mẫu khảo sát: 200 hộ gia đình.
Phạm vi khảo sát: hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc có thu nhập thấp.
Địa điểm: huyện Hooc môn, Quận 8 - Tp.HCM, xã Tam An, xã Tam Phước, xã Tân Hiệp, xã Bàu Cạn, xã An Phước thuộc huyện Long Thành - tỉnh Đồng Nai; xã Tân Mỹ Chánh, xã Song Bình, xã An Thạnh Thuỷ - huyện Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang; xã Đức Hoà Hạ, xã Đức Hoà Thượng, xã Đức Hoà Đông - huyện Đức Hoà - tỉnh Long An.
Phương pháp: điều tra mẫu ngẫu nhiên, phỏng vấn trực tiếp người dân thông qua bảng câu hỏi có sẵn câu trả lời (Phụ lục 2.1). Phỏng vấn trực tiếp CEP - tổ chức tín dụng cho vay theo phương pháp Grameen.
Kết quả khảo sát chúng tôi thu được như sau:
Vốn được xem như là yếu tố đầu vào quan trọng cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện cuộc sống, nhất là đối với người nghèo nguồn vốn càng trở nên quan trọng hơn. Tùy thuộc vào điều kiện gia đình, mỗi hộ sẽ sử dụng vốn vào những mục đích khác nhau.
Kết quả khảo sát về nguồn thu nhập chủ yếu của các hộ gia đình cho thấy: có 43.5% hộ gia đình có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, 32.6% hộ gia đình có thu nhập từ kinh doanh dịch vụ, 23.9% hộ gia đình có thu nhập từ các ngành nghề khác như thợ hồ, bốc vác, công nhân, làm thủ công... Thu nhập hàng năm của các hộ gia đình này con khá thấp: 40.5% có thu nhập lớn hơn 10 triệu/năm, 52.4% có thu nhập 5-10 triệu /năm, 7.1% có thu nhập dưới 5 triệu/năm. Kết quả khảo sát còn cho thấy trong 87.5 % hộ dân có nhu cầu vay vốn thì có đến 60.7 % hộ dân sử dụng vốn vay của mình vào mục đích là sản xuất kinh doanh như trồng cây ăn quả, trồng lúa, nuôi bò, vịt, heo, mua các phương tiện phục vụ buôn bán nhỏ… Còn lại là 26.8% cho tiêu dùng như xây dựng và sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ dùng trong gia đình…
Tổ chức tín dụng mà người dân đã tiếp cận.
Có sự khác biệt đáng kể trong việc tiếp cận các tổ chức tín dụng của các hộ gia đình. Thực tế cho thấy, phần lớn các hộ gia đình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tỷ lệ 33%, từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 30.1%, CEP với tỷ lệ 10.7%, còn các tổ chức khác chiếm tỷ lệ 18.2% như hội nông dân, hội phụ nữ, Quỹ Tín dụng Nhân dân…, còn lại 8% phải vay nóng với lãi suất cao.
Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình vay vốn:
Điều kiện vay:
Do chủ yếu các hộ gia đình vay vốn ở Ngân hàng Chính sách Xã hội nên điều kiện cho vay áp dụng thường là tín chấp với tỷ lệ 54.5%, còn lại là thế chấp với tỷ lệ 45.5%.
Mức lãi suất:
Các hộ gia đình vay áp dụng với nhiều mức lãi suất khác nhau. Với mức lãi suất ưu đãi nhỏ hơn 0.5%/tháng chiếm 33%, từ 0.5 - 1.5% chiếm 59%, còn lại là mức lãi suất vay nóng khá cao 5 - 20%/tháng chiếm 8%.
Đối với thời hạn vay vốn:
Theo kết quả phỏng vấn hộ gia đình cho biết có hơn 55 % hộ gia đình cho rằng thời hạn vay vốn hiện tại đáp ứng với nhu cầu của họ, còn lại 45% cho rằng thời hạn cho vay như vậy là ngắn không đáp ứng nhu cầu và chưa phù hợp với thời gian thu hồi vốn từ công việc kinh
doanh của họ. Và điều hộ dân quan tâm là một mức cho vay vốn cao và lãi suất thì giảm xuống một ít thì họ có thể đảm bảo hoàn trả vốn đùng kỳ hạn.
Chất lượng phục vụ khách hàng của các tổ chức tín dụng:
Trên thực tế, các tổ chức tín dụng chỉ cho người dân vay vốn mà không quan tâm đến việc họ có sử dụng nguồn vốn đó hiệu quả hay không. Bằng chứng là các tổ chức này chỉ phát vốn mà không tư vấn cho họ phương thức kinh doanh cũng như cách sử dụng vốn sao cho có hiệu quả nhất. Trong số hộ dân vay vốn, chỉ có hơn 20% là được tư vấn về phương thức sản xuất kinh doanh và được giám sát trong quá trình sử dụng nguồn vốn. Việc khảo sát của các cán bộ tín dụng có chăng chỉ là lần đầu trước khi chuẩn bị phát vốn.
Ngoài ra, 86.7% các tổ chức tín dụng này cũng không có chính sách ưu đãi với hình thức trả nợ sớm hay kinh doanh có hiệu quả.
Nhu cầu vốn của người dân:
Qua kết quả cho thấy lượng tiền vay thực tế và lượng tiền vay người dân mong muốn được đáp ứng có sự khác biệt rất rõ. Theo khảo sát, hiện nay nhu cầu vay của người dân tăng lên nhiều, số lượng hộ muốn vay ở mức dưới 10 triệu chiếm tỷ lệ 46.2% và trên 10 triệu chiếm 53.8%. Điều này thấy được rằng người dân mong muốn được vay vốn với số lượng tiền lớn hơn đúng với nhu cầu của họ nhằm đáp ứng đủ cho việc sản xuất góp phần cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên thực tế các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng đến 60.7% nhu cầu của hộ dân trong đó có đến 17.9% hộ dân có nhu cầu mà chưa từng tiếp cận với bất kỳ nguồn vốn nào.
Hiệu quả sử dụng vốn:
Thực tế cho thấy, tại những địa bàn chúng tôi khảo sát hầu hết là các hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích, 100% các hộ vay vốn đã hoàn trả nợ vay đúng thời hạn. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay vẫn chưa cao: 69.7% hộ dân chỉ đủ đáp ứng vốn sản xuất ngay lúc đó, 18.2% hộ dân tích luỹ thêm được vốn cho sản xuất kinh doanh, 12.1% hộ dân mua thêm đồ đạc cho gia đình.
Những trở ngại gặp phải trong quá trình vay vốn:
Hiện nay, do người dân thiếu thông tin về hệ thống tín dụng, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Đa phần là do người dân tự tìm hiểu hoặc do địa phương giới thiệu, hiếm hoi lắm mới có nhân viên tín dụng tới tận nơi có nhu cầu. Bên cạnh đó, cơ chế, thủ tục vay rườm rà cũng khiến bà con ngại đến ngân hàng. Những bất cập này đang là rào cản lớn trong quá trình phát triển thị trường TCVM đầy tiềm năng.
Ngoài những bất cập kể trên, chúng ta còn thấy tình trạng cho vay nặng lãi đang gây khó khăn cho những người nghèo khát vốn mà nguyên nhân sâu xa từ việc ngân hàng không cung cấp vốn đủ cho những người nghèo. Bên cạnh đó, quy chế xét cấp sổ hộ nghèo còn nhiều bất cập, nhiều người dân đủ tiêu chuẩn để được xét cấp sổ nhưng vẫn nằm ngoài vùng bình xét.
Vẫn biết rằng ở địa phương nào cũng có Ngân hàng Nông nghiệp cho người dân vay vốn để phát triển kinh tế. Thế nhưng, do thiếu thông tin, không được hướng dẫn cụ thể về các thủ tục hành chính cần thiết nên đại đa số người dân nghèo tìm đến tư nhân để vay, mặc dù họ biết là phải chịu mức lãi suất cắt cổ từ 3 - 5%, thậm chí là gần 10%/tháng. Hiện nay, ở các vùng quê,
người nông dân nghèo đi vay tiền lãi để đầu tư cho con cái ăn học, để mua cây giống, con
giống, buôn bán là khá phổ biến. Nhiều hộ chỉ vay vài triệu đồng thôi mà tiền lãi hằng tháng phải trả đã là quá mệt. Không ít hộ nông dân, mùa gặt vừa xong thì cũng hết lúa gạo bởi lẽ họ phải bán để trả nợ và như vậy họ lại phải vay lãi mới để tiêu dùng và mùa sau họ lại phải bán
lúa để trả nợ. Thật là một cái vòng luẩn quẩn đói - nghèo - nghèo - đói. Ngoài ra, theo phản
ánh người dân thì còn tồn tại một số bất cập trong quá trình tiếp cận nguồn vốn như sau:
- Khi người dân vay ở các tổ chức như Hội nông dân, Hội phụ nữ…do nguồn vốn hạn chế
nên họ phải chờ người khác trả xong nợ mới đến lượt mình vay, do đó không đáp ứng kịp thời nhu cầu của họ.
- Không có tài sản thế chấp gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn. - Không dám vay do tâm lý sợ không trả nợ được, không muốn mắc nợ.
- Khoản vay nhỏ, thời gian vay ngắn nên khó khăn trong việc tìm nguồn trả nợ. - Chỉ cho vay số tiền ban đầu, không cấp thêm để phòng ngừa thiệt hại.
- Chương trình hỗ trợ chính sách của nhà nước không đến với người dân.
- Trong quá trình vay ở ngân hàng không đơn thuần là làm thủ tục, mà để được vay vốn còn phải có người giới thiệu và phải mất hoa hồng…